Luật Viễn thông được ban hành ngày 23 tháng 11 năm 2009, gồm 10 chương, 63 điều. Theo đó, Luật này gồm những nội dung chính như sau:
Mở rộng các thành phần kinh tế trong kinh doanh viễn thông
Trên thực tế, mặc dù cơ sở hạ tầng viễn thông Việt Nam trong thời gian qua đã phát triển rất nhanh, song quy mô và sự phát triển bền vững so với các nước trong khu vực và thế giới vẫn còn nhiều hạn chế. Để phát triển mạng viễn thông rộng khắp cả nước đáp ứng được yêu cầu của công cuộc đổi mới, CNH-HĐH đất nước,Việt Nam vẫn cần những nguồn đầu tư rất lớn để phát triển mạng viễn thông quốc gia. Do đó việc huy động, khuyến khích mọi nguồn lực của xã hội, kể cả thành phần kinh tế tư nhân tham gia phát triển hạ tầng là hết sức cần thiết. Chính vì vậy, Luật Viễn thông đã quy định các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế được thành lập theo pháp luật Việt Nam đều được tham gia cung cấp dịch vụ viễn thông cũng như thiết lập hạ tầng mạng viễn thông.
Tăng cường quản lý nhà nước trong hoạt động viễn thông
Luật Viễn thông giao cho Thủ tướng Chính phủ quy định việc Nhà nước nắm cổ phần chi phối trong một số doanh nghiệp viễn thông chủ lực có tầm quan trọng đặc biệt đối với toàn bộ mạng viễn thông quốc gia và ảnh hưởng trực tiếp đến việc phát triển KT-XH và bảo đảm an ninh quốc phòng của đất nước. Bên cạnh đó Luật Viễn thông cũng tăng cường công tác thực thi pháp luật trong lĩnh vực viễn thông trên cơ sở thành lập Cơ quan quản lý chuyên ngành về viễn thông để quản lý thị trường và nghiệp vụ viễn thông.
Bảo đảm quyền, lợi ích của người sử dụng dịch vụ viễn thông
Nhằm tăng cường bảo đảm quyền và lợi ích của người sử dụng dịch vụ viễn thông, Luật Viễn thông đưa ra một số các quy định nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng dịch vụ viễn thông như nghĩa vụ cung cấp dịch vụ viễn thông công ích; quy định chi tiết về Hợp đồng mẫu (giữa nhà cung cấp dịch vụ và người sử dụng); trách nhiệm của Doanh nghiệp viễn thông trước khi đưa các thiết bị mạng, thiết bị đo lường tính giá cước vào hoạt động phải thực hiện việc kiểm định; trách nhiệm của doanh nghiệp khi ngừng cung cấp dịch vụ; hoàn cước, bồi thường thiệt hại; dịch vụ khẩn cấp, dịch vụ tra cứu số thuê bao…
Bảo đảm môi trường kinh doanh công bằng, minh bạch, công khai
Luật Viễn thông quy định một số chương (Chương 2) về kinh doanh viễn thông. Các quy định tại chương này sẽ tiếp tục thúc đẩy cạnh tranh, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế tham gia kinh doanh viễn thông trong môi trường bình đẳng, công bằng, minh bạch theo cơ chế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa.
Phổ cập dịch vụ viễn thông ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa…
Song song với việc thúc đẩy hoạt động kinh doanh viễn thông theo cơ chế thị trường, Nhà nước có chính sách, cơ chế nhằm bảo đảm việc cung cấp dịch vụ viễn thông thiết yếu đến mọi người dân, đặc biệt là tại vùng sâu, vùng xa vì việc kinh doanh tại các địa bàn này không bảo đảm đủ bù đắp chi phí và phát sinh lợi nhuận theo cơ chế thị trường. Kế thừa các quy định của Pháp lệnh Bưu chính Viễn thông năm 2002 về cung cấp dịch vụ viễn thông công ích và để tiếp tục thúc đẩy việc phổ cập các dịch vụ viễn thông đến mọi người dân trên cả nước nhằm rút ngắn khoảng cách về sử dụng dịch vụ viễn thông giữa các vùng, miền và thúc đẩy phát triển KT-XH cũng như bảo đảm an ninh, quốc phòng, Luật Viễn thông đã quy đinh một chương về Viễn thông công ích.
Nguồn: daibieunhandan.vn
- Từ khóa:
- Luật viễn thông 2009