Luật Người cao tuổi (NCT) được ban hành ngày 23 tháng 11 năm 2009 gồm 6 chương, 31 điều. Luật này có hiệu lực từ ngày 01 tháng 7 năm 2010. Theo đó, Luật đã quy định một số nội dung cơ bản như sau:
Phạm vi điều chỉnh và độ tuổi xác định NCT
Luật Người cao tuổi 2009 chỉ quy định về NCT là công dân Việt Nam, không quy định đối với NCT là người nước ngoài; không điều chỉnh đối tượng NCT là người nước ngoài đang sinh sống tại Việt Nam.
NCT là người nước ngoài sinh sống và làm việc tại Việt Nam, khi gặp khó khăn thực sự trong cuộc sống thì tuỳ trường hợp cụ thể sẽ được chính quyền địa phương, các tổ chức xã hội, cá nhân giúp đỡ theo truyền thống kính trọng, giúp đỡ NCT nên không quy định trong Luật vấn đề này.
Luật NCT quy định NCT là người từ đủ 60 tuổi.
Quyền và nghĩa vụ của NCT
Hiến pháp quy định quyền chung cho tất cả công dân. Tuy nhiên, do đặc điểm của nhóm NCT, Luật NCT nhấn mạnh quyền của NCT được bảo đảm các nhu cầu cơ bản về ăn, mặc, ở, đi lại, chăm sóc sức khoẻ là rất cần thiết. Để bảo đảm tính khả thi, Luật quy định trách nhiệm phụng dưỡng của gia đình, đồng thời quy định trách nhiệm của Nhà nước, xã hội trong chăm sóc NCT, đặc biệt là quy định về bảo trợ xã hội đối với những NCT có hoàn cảnh đặc biệt, gặp khó khăn trong cuộc sống.
Nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng NCT
Luật quy định vấn đề phụng dưỡng NCT tại 2 điều, Điều 5 quy định nguyên tắc chung về trách nhiệm phụng dưỡng và Điều 10 xác định cụ thể người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng NCT thực hiện theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình.
Khám bệnh, chữa bệnh, chăm sóc sức khoẻ NCT
Xuất phát từ nhu cầu chăm sóc sức khoẻ của NCT cũng như khả năng đáp ứng của các cơ sở y tế hiện nay, Luật đưa ra quy định cụ thể đối với người từ đủ 80 tuổi trở lên được ưu tiên khám trước người bệnh khác, trừ bệnh nhân cấp cứu, người khuyết tật nặng, trẻ dưới 6 tuổi là phù hợp. Quy định này cũng phù hợp với quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh.
Điểm a khoản 2 Điều 12 quy định việc “ tổ chức khoa lão khoa” được giao trách nhiệm cho các bệnh viện ( trừ bệnh viện chuyên khoa nhi) tuỳ theo điều kiện cơ sở vật chất của mình mà tổ chức khoa lão khoa hoặc dành một số giường bệnh để điều trị cho người bệnh là NCT
Điều 13 quy định về việc giao cho trạm y tế xã, phường, thị trấn chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho NCT như cử cán bộ đến KCB tại nơi cư trú của NCT có hoàn cảnh đặc biệt, UBND xã, phường, thị trấn có trách nhiệm phải đưa NCT đến nơi chữa bệnh…
Đối tượng được hưởng chính sách bảo trợ xã hội
Luật xác định độ tuổi của NCT được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng là 80 tuổi. Để bảo đảm công bằng đối với những đối tượng có mức sống khác nhau, quy định tại khoản 2 Điều 17, tuỳ theo điều kiện Chính phủ sẽ phân các nhóm đối tượng để quyết định mức trợ cấp xã hội hợp lý và hướng dẫn cụ thể theo quy định tại khoản 4 Điều 18.
Để khuyến khích người không có nghĩa vụ phụng dưỡng nhận chăm sóc những NCT thuộc hộ gia đình nghèo không có người phụng dưỡng có chính sách trợ cấp xã hội hằng tháng theo quy định của Chính phủ, khoản 3 Điều 20 quy định Chính sách xã hội hóa hoạt động chăm sóc NCT, chia sẻ trách nhiệm với Nhà nước trong việc chăm sóc NCT, sẽ giảm được việc đưa NCT đến trung tâm bảo trợ xã hội.
Quy định việc chúc thọ, mừng thọ tại các khoản 1,2 và 3 Điều 21 của Luật được NCT hoan nghênh. Hằng năm vào dịp Ngày người cao tuổi Việt Nam (6.6), Chủ tịch nước gửi thư chúc mừng đến toàn thể NCT Việt Nam thể hiện sự quan tâm, động viên của Đảng và Nhà nước đối với NCT.
Hoạt động chúc thọ, mừng thọ là hoạt động xã hội diễn ra thường xuyên, đã trở thành truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta, do chính quyền phối hợp với Hội NCT cấp cơ sở thực hiện, cần tiếp tục phát huy. Để hoạt động này thống nhất trên toàn quốc, Luật đã có những quy định cụ thể.
Nguồn: daibieunhandan.vn
- Từ khóa:
- Luật Người cao tuổi 2009