Ngày 17-6-2003, tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa (XHCN) Việt Nam (khoá XI) đã thông qua Luật của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam về biên giới quốc gia (gọi tắt là Luật BGQG); gồm 6 chương, 41 điều.
Chương I. Những quy định chung
Quy định về BGQG (trên đất liền, trên biển, trên không, trong lòng đất), Khu vực biên giới (KVBG), nội thuỷ, vùng nước lịch sử, lãnh hải; các nguyên tắc giải quyết các vấn đề về biên giới, lãnh thổ; trách nhiệm của các cấp, các ngành và công dân trong quản lý, bảo vệ BGQG và quy định các hành vi bị nghiêm cấm ở trong KVBG.
Điều 1 quy định: “Biên giới quốc gia của nước Cộng hoà XHCN Việt Nam là đường và mặt thẳng đứng theo đường đó để xác định giới hạn lãnh thổ đất liền, các đảo, các quần đảo, trong đó có quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, vùng biển, lòng đất, vùng trời của nước Cộng hoà XHCN Việt Nam”.
Điều 2 xác định phạm vi điều chỉnh và Điều 3 quy định trách nhiệm chấp hành các quy định của Luật BGQG cũng như các quy định khác của pháp luật có liên quan. BGQG được xác định bằng điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết, hoặc gia nhập, hoặc do pháp luật Việt Nam quy định. Điều 5 quy định về BGQG (trên đất liền, trên biển, trong lòng đất và trên không). Điều 6,7,8,9 quy định về KVBG, nội thuỷ, vùng nước lịch sử, lãnh hải của Việt Nam.
Điều 10,11,12,13,14 quy định về xây dựng, quản lý, bảo vệ BGQG, về việc thực hiện chính sách xây dựng biên giới hoà bình, hữu nghị, ổn định lâu dài với các nước láng giềng, về chính sách ưu tiên đặc biệt xây dựng KVBG... Đặc biệt, Luật BGQG quy định các hành vi bị nghiêm cấm (Điều 14).
Việc quy định về biên giới, lãnh thổ trong Luật BGQG nước Cộng hòa XHCN Việt Nam hoàn toàn phù hợp với luật pháp quốc tế. Đặc biệt, lần đầu tiên trong một đạo luật đã quy định cụ thể phạm vi các KVBG, gồm: “Khu vực biên giới trên đất liền gồm xã, phường, thị trấn có một phần địa giới hành chính trùng hợp với biên giới quốc gia trên đất liền; Khu vực biên giới trên biển tính từ biên giới quốc gia trên biển vào hết địa giới hành chính xã, phường, thị trấn giáp biển và đảo, quần đảo; Khu vực biên giới trên không gồm phần không gian dọc theo biên giới quốc gia có chiều rộng mười kilômét tính từ biên giới quốc gia trở vào”1# .
Chương II. Chế độ pháp lý về biên giới quốc gia, khu vực biên giới
Chương này quy định các hoạt động qua lại biên giới; ra vào và hoạt động ở KVBG; đi lại không gây hại trong lãnh hải Việt Nam. Điều 15 quy định việc xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, xuất khẩu, nhập khẩu; việc quá cảnh qua biên giới vào lãnh thổ đất liền, vùng biển, vùng trời... Việc mở cửa khẩu và nơi mở ra cho qua lại biên giới, nâng cấp cửa khẩu, đóng cửa khẩu, xác định tuyến đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, đường hàng hải, đường hàng không (Điều 16).
Điều 17,18,19,20 quy định về khu vực kiểm soát tại cửa khẩu, trách nhiệm của tàu thuyền nước ngoài khi thực hiện quyền đi qua không gây hại trong lãnh hải Việt Nam, yêu cầu đối với tàu bay bay qua BGQG và vùng trời Việt Nam.
Quy định việc hạn chế hoặc tạm ngừng qua lại biên giới quốc gia, kể cả việc đi qua không gây hại trong lãnh hải Việt Nam, về dự án xây dựng ở KVBG có liên quan đến BGQG tại các Điều 21, 22, 23, 24...
Chương III. Xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia
Điều 25 quy định: Nhà nước có chiến lược, quy hoạch, kế hoạch đầu tư xây dựng khu vực biên giới vững mạnh toàn diện về chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh; có chính sách ưu tiên, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân định cư ở KVBG. Trách nhiệm của các cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong việc đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng kết cầu hạ tầng... (Điều 26).
Đặc biệt, Điều 31 Luật BGQG quy định: BĐBP là lực lượng nòng cốt, chuyên trách, phối hợp với lực lượng Công an nhân dân, các ngành hữu quan và chính quyền địa phương trong hoạt động quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, giữ gìn an ninh, trật tự an toàn xã hội ở KVBG...
Chương IV. Quản lý nhà nước về biên giới quốc gia
Quản lý nhà nước về BGQG là xây dựng và chỉ đạo thực hiện chiến lược, chính sách về BGQG; ban hành và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về BGQG, chính sách, chế độ về xây dựng, quản lý, bảo vệ BGQG quy định tại Điều 35... Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về BGQG; nhiệm vụ, quyền hạn, phạm vi trách nhiệm phối hợp giữa các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, nơi có BGQG thực hiện quản lý Nhà nước về BGQG. Bộ Quốc phòng chủ trì phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ Công an chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về BGQG (Điều 36).
Chương V. Khen thưởng và xử lý vi phạm
Gồm 2 điều (Điều 38 và 39).
Chương VI. Điều khoản thi hành
Luật BGQG có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2004. Những quy định trước đây trái với luật này đều bãi bỏ.
Luật BGQG là cơ sở pháp lý quan trọng trong tổ chức quản lý, bảo vệ BGQG của BĐBP và các chủ thể khác theo luật định.
Theo Đại tá, PGS, TS Phạm Công Chiển Đại tá, ThS Nguyễn Văn Thủy Khoa
Pháp luật - Học viện Biên phòng
- Từ khóa:
- Luật Biên giới Quốc gia 2003