Những nội dung mới, cơ bản của Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (THTK, CLP) được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 26-11-2013 tại kỳ họp thứ sáu thay thế Luật THTK, CLP năm 2005. Luật này đã được Chủ tịch nước ký lệnh công bố ngày 9-12-2013 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-7-2014.

Luật Thực hành tiết kiện, chống lãng phí (THTK,CLP) năm 2005 đã được thực thi và phát huy tác dụng trong cuộc sống. Tuy nhiên, Luật này cũng đã bộc lộ những hạn chế cần khắc phục. Vì vậy, việc nghiên cứu sửa đổi Luật THTK, CLP năm 2005 nhằm gia tăng các cơ chế, biện pháp THTK; xác định rõ hành vi vi phạm, chế tài xử lý các hành vi gây lãng phí để góp phần ngăn chặn và đẩy lùi lãng phí đang là vấn đề cấp thiết. Ðồng thời hoàn thiện cơ chế phát hiện, đấu tranh chống các hành vi gây lãng phí thông qua việc tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, kiểm toán nội bộ, kiểm soát chi trong các lĩnh vực THTK, CLP. Mặt khác, việc sửa đổi Luật THTK, CLP năm 2005 để phù hợp các luật liên quan như Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi), bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi) gồm năm chương với 80 điều. So với Luật THTK, CLP hiện hành, Luật này giảm sáu chương và sáu điều. Việc giảm số chương, điều nói trên là để xử lý những nội dung trùng lặp của Luật hiện hành.

Luật THTK, CLP (sửa đổi) có nhiều nội dung mới. Trước hết, về đối tượng điều chỉnh và phạm vi áp dụng, Luật (sửa đổi) đã kết cấu lại và làm rõ hơn phạm vi điều chỉnh về THTK, CLP trong quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước, vốn nhà nước, tài sản nhà nước, lao động, thời gian lao động trong khu vực Nhà nước; quản lý khai thác và sử dụng tài nguyên; hoạt động sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân. Tương ứng với phạm vi điều chỉnh, Luật này quy định đối tượng điều chỉnh gồm ba nhóm là: 1- Cơ quan, tổ chức, cá nhân quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước, vốn nhà nước, tài sản nhà nước, lao động, thời gian lao động trong khu vực nhà nước; 2- Cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân quản lý, khai thác và sử dụng tài nguyên; 3- Tổ chức, hộ gia đình và cá nhân khác.

Về nguyên tắc THTK, CLP, tại Ðiều 4, Luật đã bổ sung làm rõ nguyên tắc THTK, CLP là nhiệm vụ thường xuyên từ chủ trương, đường lối, cơ chế chính sách đến tổ chức thực hiện gắn với kiểm tra, giám sát; THTK, CLP phải gắn với cải cách hành chính và bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ được giao, không để ảnh hưởng đến hoạt động của cơ quan, tổ chức. Một điểm mới khác là, Luật THTK, CLP năm 2005 chỉ quy định về lĩnh vực công khai, hình thức công khai, thì Luật THTK, CLP (sửa đổi) đã bổ sung quy định: công khai các hoạt động quản lý và sử dụng ngân sách nhà nước, vốn nhà nước, tài sản nhà nước, lao động, thời gian lao động và tài nguyên là biện pháp để bảo đảm THTK, ngăn chặn, phòng ngừa lãng phí. Bên cạnh đó, để tạo điều kiện cho việc giám sát THTK, CLP, cũng như tăng tính nghiêm minh trong thực thi pháp luật, Luật (sửa đổi) đã bổ sung quy định công khai kết quả THTK, CLP và kết quả xử lý hành vi lãng phí.

Ðáng chú ý là, Luật (sửa đổi) đã bổ sung, làm rõ một số quy định liên quan việc phát hiện lãng phí và xử lý thông tin phát hiện lãng phí; định mức, tiêu chuẩn, chế độ; hành vi gây lãng phí. Theo đó, việc phát hiện lãng phí và trách nhiệm xử lý thông tin phát hiện lãng phí là điểm mới quan trọng của Luật (sửa đổi) tạo cơ chế khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia phát hiện và cung cấp kịp thời các thông tin về lãng phí góp phần ngăn chặn lãng phí cũng như để xác định trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc để xảy ra lãng phí. Thông tin phát hiện lãng phí dưới mọi hình thức phải được người đứng đầu cơ quan, tổ chức nơi có lãng phí xem xét, xử lý, khắc phục kịp thời và thực hiện việc giải trình về việc để xảy ra lãng phí.

Căn cứ quan trọng để xem xét, đánh giá thực hành tiết kiệm, chống lãng phí một cách khách quan và phát huy hiệu quả, Luật (sửa đổi) đã có những quy định mới về hệ thống định mức, tiêu chuẩn, chế độ. Theo đó, Luật quy định ba nhóm định mức, tiêu chuẩn, chế độ; các nguyên tắc ban hành định mức, tiêu chuẩn, chế độ; trách nhiệm ban hành, thực hiện kiểm tra việc thực hiện định mức, tiêu chuẩn, chế độ. Luật (sửa đổi) cũng quy định các hành vi vi phạm trong ban hành, thực hiện, kiểm tra định mức, tiêu chuẩn, chế độ. Các hành vi đó là: Ban hành định mức, tiêu chuẩn, chế độ trái nguyên tắc; thực hiện vượt định mức, tiêu chuẩn, chế độ; không tổ chức kiểm tra thực hiện định mức, tiêu chuẩn, chế độ; không xử lý hoặc báo cáo cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý kịp thời đối với trường hợp thực hiện không đúng định mức, tiêu chuẩn, chế độ và các chế tài đối với các hành vi vi phạm.

Một điều đáng chú ý nữa là, Luật (sửa đổi) đã bổ sung quy định về hành vi gây lãng phí tương đối đầy đủ và toàn diện. Hành vi này được quy định chi tiết trong một số lĩnh vực như: lập, thẩm định, phê duyệt, phân bổ và giao dự toán, quyết toán, quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước; quỹ có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước; hành vi gây lãng phí trong mua sắm, trang bị, quản lý, sử dụng phương tiện đi lại, phương tiện, thiết bị làm việc và phương tiện thông tin, liên lạc; hành vi gây lãng phí trong đầu tư xây dựng; quản lý, sử dụng trụ sở làm việc, nhà ở công vụ và công trình phúc lợi công cộng. Ðây là những quy định giúp nhận diện hành vi gây lãng phí thuận lợi hơn, đưa công tác chống lãng phí đi vào thực chất và hiệu quả.

Khắc phục hạn chế của Luật hiện hành và để việc THTK, CLP được thực hiện một cách thật sự có hiệu quả, đi vào chiều sâu, Luật (sửa đổi) đã bổ sung yêu cầu xác định mục tiêu, chỉ tiêu tiết kiệm, yêu cầu chống lãng phí. Từ mục tiêu này, các cơ quan, tổ chức xác định rõ biện pháp thực hiện, trong đó chú trọng cơ chế giám sát thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí.

Luật (sửa đổi) đã khắc phục những điểm bất cập của Luật hiện hành và hoàn thiện cơ chế đấu tranh chống các hành vi gây lãng phí thông qua việc tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán; bổ sung quy định đối với các trường hợp sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước để tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm, đi công tác... phải thực hiện kiểm toán nội bộ hằng năm để kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm.

Ðể khuyến khích các cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hành tiết kiệm, tham gia phát hiện lãng phí, Luật (sửa đổi) bổ sung quy định việc khen thưởng và nguồn khen thưởng đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thành tích trong THTK, tham gia phát hiện lãng phí, chống lãng phí. Ðồng thời, Luật cũng quy định cụ thể các trường hợp phải xử lý vi phạm và bồi thường thiệt hại.

Khắc phục quy định của Luật THTK, CLP hiện hành là báo cáo kết quả THTK, CLP trong năm tại kỳ họp cuối năm của Quốc hội dẫn đến không đủ số liệu của năm báo cáo, Luật đã sửa đổi theo hướng quy định việc báo cáo kết quả THTK, CLP của năm trước sẽ được thực hiện tại kỳ họp Quốc hội đầu tiên của năm tiếp theo.

Ðể Luật THTK, CLP (sửa đổi) sớm đi vào cuộc sống, hiện nay các cơ quan chức năng đang tiến hành rà soát ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành bảo đảm thống nhất với Luật (sửa đổi).

Nguồn: Báo Nhân dân điện tử

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@lawnet.vn
558 lượt xem
Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;