Tần số vô tuyến điện (VTĐ) đang ngày càng được ứng dụng rộng rãi và có vai trò quan trọng trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Luật tần số VTĐ có hiệu lực từ 1/7/2010. Phần 2 này xin giới thiệu đến bạn đọc nội dung chương IV của Luật Tần số VTĐ.
IV. Chương 4. Cấp giấy phép và sử dụng tần số VTĐ
Chương này gồm 18 Điều (từ Điều 16 đến Điều 33), trong đó quy định về các loại giấy phép tần số VTĐ; nguyên tắc, phương thức cấp phép tần số (cấp trực tiếp, thong qua việc đấu giá hoặc thi tuyển quyền sử dụng tần số), điều kiện cấp, gia hạn, sửa đổi bổ sung nội dung giấy phép; thu hồi giấy phép tần số VTĐ; chuyển quyền sử dụng tần số; cho thuê, mượn thiết bị VTĐ; sử dụng chung tần số VTĐ; các trường hợp được miễn cấp phép; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân được cấp phép; lệ phí, phí tần số VTĐ; chứng chỉ VTĐ viên; sử dụng tần số trong trường hợp khẩn cấp.
1. Các loại giấy phép sử dụng tần số VTĐ
Có 3 loại giấy phép tần số:
a. Giấy phép sử dụng tần số và thiết bị VTĐ
Đây là hình thức giấy phép được sử dụng nhiều nhất, dùng để cấp phép cho hầu hết các đài phát sóng vô tuyến như viba, bộ đàm taxi, đài phát thanh, truyền hình…
Riêng trong năm 2010, Cục Tần số đã cấp mới và gia hạn tổng cộng gần 29.000 giấy phép sử dụng tần số và thiết bị VTĐ cho các loại (bao gồm các mạng phát thanh truyền hình, cố định vệ tinh, lưu động dùng riêng, viba, đài tàu, tàu cá, truyền thanh không dây).
Giấy phép này được cấp sau khi đã ấn định tần số thành công và quy định chi tiết các điều kiện sử dụng đối với VTĐ được cấp phép. Đây là loại giấy phép truyền thống, có thể cấp cho từng thiết bị hoặc mạng thông tin VTĐ.
b. Giấy phép sử dụng băng tần: Đây là loại hình giấy phép đã được áp dụng theo quy định của Pháp lệnh Bưu chính Viễn thông trước đây. Giấy phép này chủ yếu áp dụng cho các hệ thống thong tin di động, cho phép các doanh nghiệp chủ động trong việc lập kế hoạch sử dụng và thay đổi tần số, kịp thời giải quyết nhiễu nội bộ trong băng tần được cấp phép mà không phải xin cấp giấy phép trong từng trạm gốc (BTS) như trước đây.
Các giấy phép băng tần đã được cấp cho các mạng điện thoại di động thế hệ 2 (2G) của Mobifone, Vinaphone, Viettel ở băng tần 900 MHz và 1800 MHz, SFone và HTC ở băng tần 800 MHz, Công ty Viễn thông điện lực ở băng tần 450MHz, GTel băng 1800 MHz. Hiện nay cũng đã hoàn tất cấp giấy phép băng tần cho mạng thong tin di động 3G trong năm 2009.
c. Giấy phép sử dụng tần số và quỹ đạo vệ tinh: được cấp cho tổ chức, doanh nghiệp để khai thác đài không gian tại vị trí quỹ đạo vệ tinh xác định. Đây là loại giấy phép mới do Luật Tần số VTĐ quy định, tạo cơ sở pháp lý cho việc quản lý việc sử dụng tần số và quỹ đạo vệ tinh của Việt Nam.
2. Thời hạn tối đa của các loại giấy phép tần số VTĐ
Luật Tần số VTĐ đưa ra thời gian tối đa tương ứng với giấy phép sử dụng thiết bị và tần số VTĐ là 10 năm, giấy phép băng tần là 15 năm và giấy phép sử dụng tần số và quỹ đạo vệ tinh là 20 năm sau khi đã tham khảo kinh nghiệm quốc tế và lấy ý kiến đóng góp của các Bộ, ngành.
3. Nguyên tắc cấp giấy phép
Khi cấp mới, gia hạn, sửa đổi, bổ sung nội dung giấy phép đều phải tuân thủ các nguyên tắc sau đây:
- Công khai, minh bạch, đúng pháp luật
- Phù hợp với quy hoạch tần số VTĐ
- Đáp ứng yêu cầu hội tụ công nghệ và dịch vụ VTĐ
- Bảo đảm khả thi, hợp lý, hiệu quả, tiết kiệm, đúng mục đích: bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng dịch vụ VTĐ
- Nghiệp vụ chính được ưu tiên hơn nghiệp vụ phụ
- Đáp ứng nhu cầu sử dụng tần số VTĐ phục vụ lợi ích công cộng và thực hiện nhiệm vụ công ích của nhà nước.
- Việc cấp giấy phép sử dụng tần số VTĐ cho cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự nước ngoài, cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế tại Việt Nam, đoàn đại biểu cấp cao nước ngoài đến thăm Việt Nam được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ ngoại giao tuân theo quy luật có đi có lại.
Điều kiện quan trọng nhất để cấp được giấy phép là phải ấn định được tần số.
4. Phương thức cấp giấy phép:
Gồm 3 phương thức: xét cấp, đấu giá và thi tuyển.
Xét cấp trực tiếp là cấp phép căn cứ theo hồ sơ đề nghị, theo nguyên tắc đến trước, cấp trước. Đây là phương thức truyền thống từ trước tới nay đang áp dụng.
Đấu giá và thi tuyển là 2 phương thức mới được đưa vào Luật. Việc cấp phép theo hình thức đấu giá hoặc thi tuyển được thực hiện khi “cung” không đáp ứng được “cầu”, thường áp dụng đối với các băng tần có giá trị thương mại cao, như các băng tần để cung cấp dịch vụ thông tin di động.
Việc đưa đấu giá vào là hình thức cấp phép mới tức là chấp nhận việc thị trường hóa lĩnh vực viễn thông và tần số. Điều này là một tất yếu theo xu hướng chung của thế giới và Việt Nam không thể đứng ngoài. Việc từng bước thị trường hóa trong lĩnh vực viễn thông và tần số VTĐ sẽ giúp ta lựa chọn những doanh nghiệp xứng đáng nhất, có thể triển khai sử dụng một cách tốt nhất phổ tần số VTĐ, đồng thời làm tăng sức cạnh tranh của các doanh nghiệp mà lợi ích cuối cùng mà nó mang đến là sự đa dạng về dịch vụ, hạ thấp giá thành, phục vụ đông đảo lợi ích cho khách hàng sử dụng dịch vụ.
Trong văn bản Luật của các nước thường không quy định cụ thể trường hợp nào thì đấu giá, trường hợp nào thì thi tuyển. Tiếp thu kinh nghiệm này, trong Luật này để việc quyết định trường hợp nào, điều kiện nào thì đấu giá hoặc thi tuyển sẽ căn cứ vào chính sách viễn thông của Việt Nam tại thời điểm đó, tình hình phát triển công nghệ, nhu cầu của thị trường... Thủ tướng Chính phủ quyết định băng tần nào được đưa ra đấu giá, thi tuyển và quy định chi tiết về đấu giá, Bộ Thông tin và Truyền thông quy định chi tiết về thi tuyển quyền sử dụng tần số sau khi xem xét tổng thể các yếu tố liên quan nhằm đảm bảo đe lại lợi ích tối đa cho đất nước.
5. Đối tượng được cấp giấy phép
Tổ chức, cá nhân hoạt động hợp pháp tại Việt Nam đáp ứng điều kiện để được cấp giấy phép tương ứng với từng loại. Riêng giấy phép sử dụng băng tần và giấy phép sử dụng tần số và quỹ đạo vệ tinh, đối tượng được xem xét cấp phép không phải là cá nhân.
6. Điều kiện được cấp giấy phép
Về nguyên tắc chung, giấy phép sử dụng tần số VTĐ chỉ được cấp cho tổ chức, doanh nghiệp hoạt động trong một số lĩnh vực đặc biệt như viễn thông, phát thanh – truyền hình, thông tin vệ tinh sau khi đã được Bộ TT&TT cấp giấy phép hoạt động báo chí, giấy phép viễn thông tương ứng hoặc tuân theo các điều kiện quy định khi gia nhập WTO.
Thiết bị VTĐ đề nghị cấp giấy phép phải phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật về phát xạ VTĐ, an toàn bức xạ VTĐ và tương thích điện từ.
Sử dụng tần số phải tiết kiệm, hiệu quả và phù hợp quy hoạch.
Tổ chức, cá nhân đề nghị cấp giấy phép phải cam kết thực hiện quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn, an ninh thông tin, kiểm tra, giải quyết nhiễu có hại và có bảo đảm người trực tiếp khai thác thiết bị VTĐ phải có Chứng chỉ vô tuyến điện viên theo quy định.
Đối với trường hợp đấu giá hoặc thi tuyển quyền sử dụng tần số VTĐ, điều kiện cấp phép là doanh nghiệp phải thắng trong đấu giá hoặc trúng tuyển trong thi tuyển.
7. Gia hạn, sửa đổi, bổ sung giấy phép sử dụng tần số VTĐ
Việc gia hạn giấy phép phải căn cứ vào nguyên tắc cấp giấy phép. Điều kiện để được gia hạn giấy phép là tổ chức cá nhân đã thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ theo quy định và khi thời hạn hiệu lực của giấy phép còn ít nhất 30 ngày đối với giấy phép sử dụng tần số và thiết bị VTĐ; 60 ngày đối với giấy phép sử dụng băng tần; 90 ngày đối với giấy phép sử dụng tần số và quỹ đạo vệ tinh.
Tổ chức, cá nhân gửi hồ sơ đề nghị gia hạn không đúng quy định này sẽ không được gia hạn giấy phép và phải làm hồ sơ nhu thủ tục cấp mới giấy phép. Nếu hồ sơ gửi khi giấy phép đã hết hạn sử dụng, tổ chức, cá nhân có thể phải sử dụng tần số mới nếu tần số được cấp giấy phép trước đây đã được ấn định cho đơn vị khác.
Tổng thời hạn cấp lần đầu và các lần gia hạn không vượt quá thời hạn tối đa quy định cho từng loại giấy phép. Nếu lần đầu tiên đã được cấp với thời hạn tối đa thì chỉ được gia hạn tiếp theo 1 năm nữa để tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân có thời gian thu xếp triển khai mạng thông tin mới nếu cần thiết. Hết thời hạn này, tổ chức, cá nhân phải làm thủ tục cấp mới giấy phép nếu còn nhu cầu sử dụng vào mục đích khác.
Việc sửa đổi, bổ sung cũng phải căn cứ vào nguyên tắc cấp giấy phép và chỉ sửa đổi, bổ sung trong thời hạn còn hiệu lực của giấy phép.
8. Thu hồi giấy phép sử dụng tần số VTĐ
Tổ chức, cá nhân sử dụng tần số chống lại Nhà nước, gây hại đến quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội; sử dụng không đúng quy định của giấy phép gây thiệt hại nghiêm trọng đến Nhà nước và tổ chức, cá nhân khác cũng như việc gây nhiễu có hại trái phép, sử dụng tần số dành cho quốc phòng, an ninh, cấp cứu, an toàn, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn vào mục đích khác gây hậu quả nghiêm trọng bị thu hồi giấy phép.
Tổ chức, cá nhân không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ về phí sử dụng tần số và các nghĩa vụ tài chính như thuế chuyển quyền, đấu giá… hoặc không triển khai thực tế các nội dung quy định trong giấy phép trong vòng 2 năm kể từ ngày được cấp giấy phép thì cơ quan quản lý có trách nhiệm thu hồi giấy phép để tránh lãng phí về tần số.
Thu hồi tần số VTĐ đã được quy định chi tiết tại Thông tư số 24/2010/TT-BTTTT.
9. Chuyển nhượng quyền sử dụng tần số VTĐ
Luật tần số VTĐ quy định chỉ thực hiện việc chuyển quyền sử dụng kênh tần số, băng tần số đối với các giấy phép được cấp thông qua đấu giá.
Hầu hết các nước trên thế giới đều chỉ cho phép chuyển quyền sử dụng đối với hình thức đấu giá. Vì vậy, việc cho phép chuyển quyền sử dụng tần số là phù hợp với quốc tế và đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.
Việc chuyển quyền thực hiện khi giấy phép vẫn còn hiệu lực và đối tượng nhận chuyển quyền phải thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ của người được cấp phép, kể cả quyền lợi và trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan. Điều này sẽ làm hạn chế đến mức tối thiểu các mối liên hệ giữa các bên sau khi chuyển quyền và đảm bảo việc không xảy ra tranh chấp khi chuyển quyền.
Việc chuyển quyền chỉ được thực hiện khi có sự đồng ý của Bộ TT&TT. Quy định cụ thể về chuyển quyền do Thủ tướng Chính phủ quy định.
10. Cho thuê, cho mượn thiết bị VTĐ
Luật tần số VTĐ cho phép: Tổ chức, cá nhân là chủ phương tiện giao thông có trang thiết bị VTĐ, chủ đài VTĐ nghiệp dư có thể cho tổ chức, cá nhân khác thuê, mượn thiết bị VTĐ đã được cấp phép của mình để khai thác.
Luật quy định việc cho thuê, cho mượn thiết bị VTĐ để xác lập cơ sở pháp lý cho phép bên thứ ba có thể sử dụng một phần tần số, thiết bị của bên được cấp giấy phép theo các giới hạn nhất định, trong thời hạn tối đa bằng thời hạn của giấy phép. Việc quản lý và kiểm soát cho thuê, cho mượn được thực hiện thông qua quy định chi tiết về đối tượng, điều kiện, thủ tục thực hiện, trách nhiệm của các bên liên quan… của Bộ TT&TT.
11. Sử dụng chung tần số VTĐ
Tài nguyên tần số VTĐ ngày càng khan hiếm, đặc biệt tại các băng tần có mật độ sử dụng cao. Do vậy, đối với trường hợp sử dụng tần số với lưu lượng thấp hoặc lưu động trong phạm vi rộng, để đảm bảo sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên tần số, nhiều nước đã áp dụng giải pháp dùng chung tần số cho các đối tượng này (như Mỹ, Anh, Úc, Đức,…), tạo hiệu quả cao trong việc tái sử dụng tần số. Ví dụ: công ty du lịch A có nhu cầu sử dụng các bộ đàm cầm tay công suất thấp dưới 10w trên toàn quốc, trong trường hợp này, công ty A sẽ phải dùng chung tần số với các công ty khác có mục đích sử dụng tương tự.
Để giảm thiểu xung đột, nhiễu có hại khi sử dụng chung tần số, dự thảo Luật (Điều 26) quy định Bộ TT&TT xây dựng quy định chi tiết về việc dùng chung (như: đối tượng, điều kiện, quy trình khai thác trên các tần số dùng chung, vấn đề mã hóa….).
12. Miễn phí giấy phép sử dụng tần số VTĐ
Ngày nay, thông tin vô tuyến được ứng dụng rộng rãi trong cuộc sống. Các thiết bị vô tuyến nhỏ gọn, có công suất nhỏ, tầm liên lạc ngắn ngày càng được sử dụng khắp nơi, từ đồ chơi điều khiển bằng vô tuyến, chìa khóa vô tuyến mở cửa ô tô, gara, điện thoại kéo dài, các thiết bị cảnh báo, báo động…. Do đó công suất thấp, tầm làm việc hạn chế nên khả năng gây ra can nhiễu cho các hệ thống thông tin vô tuyến truyền thống là ít.
Do yếu tố thiết bị công suất nhỏ, khả năng gây nhiễu thấp, sử dụng phổ biến nên việc sử dụng các thiết bị này được miễn giấy phép sử dụng tần số và thiết bị. Tuy nhiên, cơ quan quản lý quy định rõ điều kiện sử dụng các thiết bị này, như băng tần làm việc, công suất (EIRP, ERP), giới hạn phát xạ ngoài băng (out-of-band emisssions), phát xạ giả (spurious emissions).
Người sử dụng các thiết bị này không phải xin cấp giấy phép khi sử dụng nhưng phải đảm bảo tuân thủ các điều kiện khai thác, sử dụng chung theo quy định của Bộ TT&TT để các thiết bị có thể hoạt động ổn định và không gây nhiễu cho các nghiệp vụ VTĐ khác.
Bộ TT&TT sẽ công bố danh mục các thiết bị VTĐ được sử dụng mà không cần giấy phép và quy định điều kiện khai thác, sử dụng đối với từng loại thiết bị cụ thể. Tổ chức, doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu các thiết bị này phải công bố và đảm bảo thiết bị phù hợp với các điều kiện khai thác, sử dụng theo quy định. Cách quản lý này đáp ứng với yêu cầu cải cách hành chính nhưng vẫn đảm bảo khả năng kiểm tra, giám sát của cơ quan quản lý trong việc sử dụng phổ tần số VTĐ. Đây cũng là cách thức quản lý đa số các nước áp dụng.
Quy định mới nhất về danh mục các thiết bị miễn cấp phép kèm điều kiện khai thác, sử dụng là Thông tư số 36/TT-BTTTT ngày 3/12/2009 do Bộ trưởng Bộ TT&TT ban hành.
12. Quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép sử dụng tần số và thiết bị VTĐ
Ngoài việc quy định những vấn đề mà tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép tuân thủ quy định của pháp luật trong lĩnh vực tần số VTĐ (Ví dụ như nộp phí, lệ phí, sử dụng tần số đúng quy định của giấy phép, tuân thủ thỏa thuận phối hợp quốc tế về tần số VTĐ, điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, điểm mới của Luật tần số trong vấn đề này là cho phép tổ chức, doanh nghiệp được trực tiếp phối hợp tần số với tổ chức nước ngoài sử dụng tần số VTĐ và quỹ đạo vệ tinh, được tham gia phối hợp tần số VTĐ với cơ quan quản lý tần số VTĐ của các quốc gia do Bộ TT&TT chủ trì. Điểm mới này trong Luật giúp tăng cương vai trò, trách nhiệm của tổ chức, doanh nghiệp trong công tác phối hợp, đăng ký quốc tế về tần số VTĐ và quỹ đạo vệ tinh, đồng thời tạo thêm nguồn lực trong lĩnh vực hợp tác quốc tế (Điều 27, 29, 30, 42, 43, 44) để bảo vệ tốt hơn lợi ích về tần số VTĐ của các quốc gia.
13. Phí sử dụng tần số VTĐ, lệ phí cấp giấy phép sử dụng tần số VTĐ
Tần số là một tài nguyên đặc biệt, không nhìn thấy được, tồn tại vĩnh viễn và không thay đổi, không hao hụt trong quá trình sử dụng, nhưng chỉ có thể sử dụng được nhờ hoạt động quản lý và thông qua các ứng dụng khoa học công nghệ. Nhà nước chỉ trao cho các tổ chức, cá nhân quyền sử dụng tần số VTĐ trong một thời hạn nhất định, sau thời hạn đó, tần số được thu hồi về nguyên vẹn. Điều này tạo nên sự khác biệt giữa tài nguyên tần số với các tài nguyên khác như dầu, than, khoáng sản…
Việc sử dụng tần số VTĐ chỉ có thể hiệu quả, không bị nhiễu và không gây nhiễu có hại cho các hệ thống VTĐ khác nhờ có hoạt động quản lý của nhà nước thông qua công tác xây dựng quy hoạch tần số VTĐ, tính toán ấn định và cấp phép tần số VTĐ, thanh tra, kiểm tra, kiểm soát việc sử dụng tần số và phối hợp tần số quốc tế.
Lệ phí cấp phép được thu một lần khi người sử dụng làm hồ sơ đề nghị cấp phép.
Phí sử dụng tần số có thể được thu một lần hoặc hàng năm (đối với loại giấy phép có thời hạn nhiều năm).
14. Chứng chỉ vô tuyến điện viên
Chỉ có ba nghiệp vụ VTĐ là hàng không, hàng hải và VTĐ nghiệp dư yêu cầu người vận hành thiết bị phải có chứng chỉ VTĐ viên vì: tần số VTĐ sử dụng cho 3 nghiệp vụ này không chỉ để liên lạc trong nước mà còn liên lạc với các nước trên thế giới. Thể lệ VTĐ của Liên minh Viễn thông quốc tế có quy định về quy trình khai thác, sử dụng các tần số thuộc 3 nghiệp vụ này và đồng thời quy định người khai thác thiết bị VTĐ thuộc các nghiệp vụ này phải có chứng chỉ VTĐ viên. Vì vậy, để đảm bảo không gây nhiễu trên phạm vi quốc tế, người vận hành thiết bị VTĐ thuộc ba nghiệp vụ này phải có đủ kỹ năng, hiểu biết luật khai thác, sử dụng chung của quốc tế. Cơ quan quản lý tần số VTĐ ở các nước có quyền kiểm tra chứng chỉ này khi các đài VTĐ đặt trên tàu biển, tàu bay của nước ngoài đến lãnh thổ của mình.
15. Sử dụng tần số VTĐ trong trường hợp khẩn cấp
Điều luật này cho phép các tổ chức, cá nhân được sử dụng tạm tời tần số và thiết bị VTĐ chưa được cấp giấy phép để gọi cấp cứu trên các tần số dành riêng cho cấp cứu hoặc các tần số không dành riêng cho gọi cứu nạn. Tuy nhiên, việc sử dụng này không được tùy tiện, lạm dụng mà chỉ trong trường hợp khẩn cấp gây nguy hiểm đến tính mạng con người và tài sản.
Điều luật này cũng quy định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân khi nghe thấy tín hiệu cấp cứu phải thực hiện hỗ trợ cần thiết, thông báo cho cơ quan tìm kiếm, cứu nạn.
(Còn tiếp)
Nguồn: Baomoi.com
- Từ khóa:
- Luật tần số vô tuyến điện 2009