Những nội dung cơ bản của Luật tần số vô tuyến điện 2009 (Phần 1)

Tần số vô tuyến điện (VTĐ) đang ngày càng được ứng dụng rộng rãi và có vai trò quan trọng trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Việc xây dựng và ban hành Luật tần số VTĐ để điều chỉnh các hoạt động quản lý và sử dụng tần số là một yêu cầu khách quan.

Chương I. Quy định chung

Chương này gồm 9 điều (từ Điều 1 đến Điều 9) quy định những vấn đề có tính nguyên tắc chung, chi phối toàn bộ nội dung của Luật như: phạm vi điều chỉnh; đối tượng áp dụng; Giải thích từ ngữ; Chính sách của nhà nước; Nội dung, trách nhiệm quản lý nhà nước về tần số VTĐ, Cơ quan quản lý chuyên ngành; Thanh tra tần số VTĐ; hợp tác quốc tế về tần số VTĐ và những hành vi bị nghiêm cấm.

1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng

- Luật này quy định về quản lý, sử dụng tần số VTĐ, thiết bị VTĐ, quỹ đạo vệ tinh và quản lý an toàn bức xạ VTĐ, tương thích điện từ, quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân tham gia quản lý, sử dụng tần số VTĐ.

- Luật này áp dụng đối với các cơ quan nhà nước trong việc quản lý tần số VTĐ, đồng thời áp dụng với các tổ chức, cá nhân khác là đối tượng chịu sự quản lý về tần số VTĐ.

- Cụm từ “quản lý, sử dụng tần số vô tuyến điện” được dùng chung trong toàn bộ nội dung của Luật để chỉ: Việc quản lý và sử dụng tần số VTĐ, thiết bị VTĐ, quỹ đạo vệ tinh và quản lý an toàn bức xạ VTĐ, tương thích điện từ; các hoạt động sản xuất, nhập khẩu thiết bị VTĐ cũng thuộc hoạt động quản lý tần số, thiết bị VTĐ.

- Quỹ đạo vệ tinh gắn chặt với việc sử dụng tần số VTĐ, đây là chủ quyền quốc gia, cần được khẳng định và điều chỉnh trong Luật. Do đó, Luật có một chương quy định về đăng ký, phối hợp quốc tế về tần số VTĐ và quỹ đạo vệ tinh.

- Luật có các điều khoản quy định về quản lý chất lượng phát xạ VTĐ, thiết bị VTĐ, quản lý tương thích điện từ. Các tổ chức, cá nhân xuất, nhập khẩu thiết bị VTĐ cũng phải chịu sự điều chỉnh của Luật này.

2. Cơ quan quản lý chuyên ngành tần số VTĐ (Điều 6)

Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) là cơ quan quản lý nhà nước về tần số VTĐ. Để giúp Bộ trưởng thực hiện một số nhiệm vụ quản lý nhà nước về tần số VTĐ có Cơ quan quản lý chuyên ngành tần số VTĐ là Cục Tần số VTĐ, trực thuộc Bộ TT&TT. Một số chức năng, nhiệm vụ cơ bản của Cục Tần số là:

- Xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và các quy hoạch tần số;

- Ấn định và cấp phép sử dụng tần số;

- Thu và nộp ngân sách lệ phí cấp, gia hạn, sửa đổi bổ sung nội dung giấy phép, phí sử dụng tần số VTĐ theo quy định của Bộ Tài chính.

- Kiểm soát tần số, giám sát hoạt động của các hệ thống VTĐ, ngăn ngừa và loại trừ các nguyên nhân gây nhiễu VTĐ.

- Kiểm tra, thanh tra xử lý các vi phạm về tần số VTĐ;

- Phối hợp, đăng ký quốc tế về tần số và quỹ đạo vệ tinh, bảo vệ lợi ích quốc tế gia về tần số VTĐ và quỹ đạo vệ tinh địa tĩnh. Đảm bảo thi hành các cam kết quốc tế về tần số VTĐ mà Việt Nam đã ký kết hoặc gia nhập.

- Thực hiện các nhiệm vụ về hợp tác quốc tế trong lĩnh vực tần số VTĐ theo sự phân công, phân cấp của Bộ trưởng.

3. Hợp tác quốc tế về tần số VTĐ

Hợp tác quốc tế trong lĩnh vực tần số VTĐ là hết sức quan trọng để bảo vệ chủ quyền quốc gia về tần số VTĐ và quỹ đạo vệ tinh. Luật quy định một điều riêng về hợp tác quốc tế trong lĩnh vực tần số VTĐ (Điều 8).

Đặc điểm quan trọng của sóng VTĐ là truyền lan không bị hạn chế về biên giới quốc gia. Quốc gia về tần số nhiều khi không chỉ là các quốc gia có chung biên giới. Hoạt động phối hợp quốc tế về tần số và quỹ đạo vệ tinh diễn ra thường xuyên, theo những quy định quốc tế về pháp lý và kỹ thuật cụ thể và luôn được sửa đổi và bổ sung phù hợp với sự phát triển nhanh chóng của các công nghệ VTĐ.

Công nghệ quản lý, sử dụng tần số VTĐ là công nghệ cao. Mặc dù chúng ta đạt được những thành tựu rất đáng ghi nhận trong những năm gần đây, nhưng vẫn ở trình độ thấp so với các nước phát triển. Do đó, cần tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực tần số VTĐ để nâng cao trình độ quản lý và sử dụng tần số, bảo vệ chủ quyền và quyền lợi quốc gia.

II. Chương 2: Quy hoạch tần số VTĐ

Theo Luật Tần số VTĐ, hệ thống quy hoạch tần số VTĐ sẽ bao gồm:

- Quy hoạch phổ tần quốc gia

- Quy hoạch băng tần

- Quy hoạch phân kênh tần số

- Quy hoạch sử dụng kênh tần số

1. Nội dung của các loại Quy hoạch

a) Nội dung của Quy hoạch phổ tần số VTĐ quốc gia

Quy hoạch phổ tần số VTĐ quốc gia là quy hoạch quy định tổng thể việc sử dụng phổ tần số VTĐ cho các nghiệp vụ VTĐ.

Quy hoạch phổ tần số VTĐ quốc gia phân chia phổ tần số VTĐ thành các băng tần và quy định các nghiệp vụ VTĐ thành các băng tần và quy định các nghiệp vụ VTĐ được sử dụng trong mỗi băng tần.

Với một số băng tần, quy hoạch có thể quy định điều kiện sử dụng cụ thể cho từng nghiệp vụ hay hệ thống vô tuyến cụ thể. Các quy định đó thường được để trong các Chú thích (footnote) của Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU) hoặc của riêng nước đó.

b) Nội dung của Quy hoạch băng tần

Nếu như Quy hoạch phổ tần quốc gia phân chia phổ tần thành các băng tần dành cho một hay một số nghiệp vụ nào đó thì Quy hoạch băng tần quy định chi tiết các điều kiện, mục đích sử dụng một hay một số đoạn băng tần cho một loại nghiệp vụ hay một hệ thống thông tin vô tuyến cụ thể nào đó. Ví dụ, Quy hoạch băng tần cho các hệ thống thông tin di động tế bào trong các dải tần 821 – 960MHz và 1710 - 2200MHz.

Ví dụ, trong Quy hoạch phổ VTĐ quốc gia, chỉ quy định băng tần 824 – 890 MHz được sử dụng cho nghiệp vụ Cố định, Lưu động: 890 – 915 MHz được sử dụng cho nghiệp vụ Lưu động làm nghiệp vụ chính; 915 – 935 MHz được sử dụng cho nghiệp vụ Cố định, Lưu động thì trong Quy hoạch băng tần cho các hệ thống thông tin di động tế bào số của Việt Nam đến năm 2010, băng tần này được quy hoạch chi tiết hơn: các đoạn 882 – 890 MHz/927-935MHz được dành cho hệ thống di động toàn quốc (HT Mobile), đoạn 824 – 829 MHz/869-874MHz dành cho hệ thống CDMA nội tỉnh ở TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Nghệ An, Hải Dương đến năm 2010, đoạn băng tần 851 – 866 MHz được phân bổ cho các hệ thống trunking.

c. Nội dung của Quy hoạch phân kênh

Quy hoạch phân kênh thì quy định phân chia mỗi băng tần thành các nhóm kênh tần số dung cho một loại nghiệp vụ VTĐ cụ thể theo một hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật nhất định. Ví dụ, năm 2009 Bộ TT&TT đã ban hành Thông tư 27/2009/TT-BTTTT kèm Quy hoạch phân kênh tần số và các điều kiện kỹ thuật và khai thác kèm theo cho các hệ thống cố định và lưu động mặt đất trong băng tần 30 – 1000MHz và các hệ thống viba một chiều hoặc hai chiều sử dụng kỹ thuật song công phân chia theo tần số (FDD) trong băng tần 1 – 30 GHz.

Quy hoạch phân kênh có mục đích là thiết lập trật tự sử dụng kênh tần số, thống nhất tiêu chuẩn cho các hệ thống thông tin vô tuyến, là cơ sở cho việc cấp phép tần số.

Việc thiết lập trật tự sử dụng kênh tần số có vai trò quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả sử dụng phổ tần, hạn chế can nhiễu.

Do mang tính chất tiêu chuẩn nên Quy hoạch phân kênh cũng có vai trò quan trọng trong định hướng cho việc sản xuất, nhập khẩu thiết bị VTĐ.

Ví dụ: nếu quy hoạch quy định khoảng cách song công của thiết bị vi ba trong băng tần nào đó là 119MHz thì không thể sản xuất, nhập khẩu và sử dụng thiết bị viba có khoảng cách song công khác.

d. Nội dung của Quy hoạch sử dụng kênh tần số:

Nhằm bố trị và quy định điều kiện sử dụng các kênh tần số đối với một hệ thống cho một loại nghiệp vụ VTĐ cụ thể.

Hiện nay, quy hoạch cho các đài phát thanh – truyền hình thuộc loại này. Các đài VTĐ được phân theo vị trí cụ thể, được phát các kênh tần đã được quy định sẵn trong quy hoạch với các điều kiện cụ thể về vi phạm phủ sóng, công suất phát. Trong thời gian tới, sẽ có thể tiếp tục xây dựng quy hoạch cho các đài bờ, đài thông tin VTĐ phục vụ phòng chống lụt bão,…

Trong số các loại quy hoạch tần số VTĐ thì Quy hoạch phổ tần số VTĐ quốc gia có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, liên quan đến việc sử dụng tần số của các Bộ, ngành. Đây là cơ sở để các Bộ, Ngành định hướng sử dụng và đầu tư, trang thiết bị kỹ thuật VTĐ. Quy hoạch này đặt nền móng cho việc quản lý, phân bổ, cấp giấy phép tần số VTĐ và thiết lập trật tự thông tin VTĐ.

2. Nguyên tắc xây dựng quy hoạch (Điều 10)

a. Quy hoạch phổ tần VTĐ quốc gia được xây dựng trên cơ sở:

- Các quy định của Thể lệ VTĐ đối với Khu vực 3, là khu vực Việt Nam nằm trong đó. Quy hoạch của Việt Nam sẽ không mâu thuẫn với quy định trong Thể lệ VTĐ.

- Đặc thù sử dụng VTĐ của Việt Nam, trong đó ưu tiên hợp lý cho các công nghệ mới, đảm bảo an toàn thong tin và an ninh quốc gia.

Ví dụ:

Băng tần 890 – 924 MHz được ITU phân bổ cho các Nghiệp vụ Lưu động, Cố định, Quảng bá là nghiệp vụ chính ở Khu vực 3. Nhưng tại Việt Nam, do phần lớn băng tần này dùng cho các hệ thống di động GSM (thuộc nghiệp vụ lưu động) nên Quy hoạch phổ tần VTĐ quốc gia của Việt Nam đã bỏ nghiệp vụ quảng bá ra khỏi quy hoạch, đưa nghiệp vụ Cố định thành nghiệp vụ phụ trong các đoạn băng tần của GSM (890 – 915/935-960MHz).

b. Quy hoạch băng tần:

- Có nhu cầu sử dụng băng tần đó để triển khai một hệ thống, một công nghệ cụ thể nào đó trong phạm vi rộng (khu vực hay toàn bộ lãnh thổ).

- Việc quy hoạch cho hệ thống, công nghệ đó phải phù hợp với Quy hoạch phổ tần số VTĐ quốc gia.

- Thực trạng sử dụng băng tần đó, đảm bảo việc chuyển đổi từ hiện trạng sang quy hoạch với chi phí thấp nhất.

c. Quy hoạch phân kênh được sử dụng trên các sở cứ chủ yếu sau:

- Quy hoạch phổ tần số VTĐ quốc gia

- Các khuyến nghị phân kênh của ITU

- Thực trạng sử dụng tần số của Việt Nam, đảm bảo việc chuyển đổi từ hiện trạng sang quy hoạch với chi phí thấp nhất

- Đáp ứng nhu cầu sử dụng kênh tần số trong tương lai gần và khả năng ứng dụng công nghệ mới, linh hoạt trong ấn định tần số.

d. Quy hoạch sử dụng kênh tần số: tương tự như Quy hoạch phân kênh.

3. Thẩm quyền phê duyệt và thực hiện quy hoạch

a. Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phổ quốc gia

b. Trên cơ sở Quy hoạch phổ tần số VTĐ quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bộ TT&TT ban hành các quy hoạch sử dụng kênh tần số.

Ở cấp độ quốc gia, Quy hoạch tần số VTĐ quốc gia là quy hoạch tần số có mức độ pháp lý cao nhất, trong đó quy định việc phân chia phổ tần số VTĐ thành các băng tần dành cho nghiệp vụ VTĐ. Quy hoạch phổ tần số VTĐ quốc gia mới nhất được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là Quyết định 125/2009/QĐ-TTg ngày 23/10/2009.

Trên cơ sở Quy hoạch phổ tần số VTĐ quốc gia, Bộ TT&TT sẽ xây dựng và ban hành Quy hoạch băng tần, Quy hoạch phân kênh, cũng như các văn bản quy phạm pháp luật khác lien quan đến việc sử dụng, khai thác và quản lý phổ tần số VTĐ. Các quy hoạch, văn bản quy phạm pháp luật này phải tuân thủ và không được trái với Quy hoạch phổ tần số VTĐ quốc gia.

c. Thực hiện Quy hoạch

Sau khi các quy hoạch được cấp có thẩm quyền có ban hành, các tổ chức, cá nhân sử dụng tần số VTĐ và các cơ quan quản lý có liên quan phải chấp hành quy định của các quy hoạch này.

d. Thu hồi quyền sử dụng tần số VTĐ để thực hiện quy hoạch

Trường hợp quy hoạch mới được xây dựng có thay đổi về mục đích hoặc đối tượng được sử dụng các băng tần so với quy hoạch trước đây thì sẽ phải thực hiện thu hồi quyền sử dụng tần số VTĐ đã cấp cho tổ chức cá nhân để thực hiện theo quy hoạch mới. Thu hồi có thể là một phần hay toàn bộ quyền sử dụng băng tần, kênh tần số khi giấy phép có hiệu lực. Các băng tần, kênh tần này sau khi được thu hồi sẽ được chuyển đổi mục đích hoặc đối tượng sử dụng.

Tổ chức, cá nhân bị thu hồi quyền sử dụng tần số VTĐ sẽ được bồi thường theo quy định của pháp luật.

Về phía cơ quan quản lý, sau khi quy hoạch ban hành thì phải có trách nhiệm công bố công khai về thời gian, kế hoạch chuyển đổi tần số, thiết bị VTĐ và đồng thời thông báo cho tổ chức, cá nhân bị thu hồi.

III. Chương 3. Quản lý chất lượng phát xạ VTĐ, an toàn bức xạ VTĐ và tương thích điện từ

Chương này gồm 3 điều (từ Điều 13 đến Điều 15) quy định về quản lý chất lượng phát xạ và tương thích điện từ đối với thiết bị VTĐ; quản lý tương thích điện từ đối với các thiết bị điện, điện tử và đảm bảo an toàn bức xạ VTĐ.

1. Hình thức quản lý

a. Công bố danh mục thiết bị

Các cơ quan quản lý nhà nước công bố Danh mục các thiết bị quản lý. Cụ thể:

Bộ TT&TT công bố các danh mục sau:

- Danh mục thiết bị VTĐ có khả năng gây nhiễu có hại

- Danh mục thiết bị VTĐ, thiết bị ứng dụng song VTĐ có khả năng gây mất an toàn bức xạ VTĐ

- Danh mục thiết bị VTĐ bắt buộc kiểm định về an toàn bức xạ VTĐ;

- Danh mục thiết bị VTĐ, thiết bị viễn thông và thiết bị công nghệ thông tin, thiết bị ứng dụng sóng VTĐ có khả năng gây mất an toàn do không tương thích điện từ.

Bộ Khoa học Công nghệ ban hành danh mục sau khi thống nhất với Bộ TT&TT:

- Danh mục thiết bị điện, điện tử có bức xạ VTĐ có khả năng gây mất an toàn do không tương thích điện từ.

b. Thực hiện việc chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy và sử dụng dấu hợp quy đối với các thiết bị thuộc các danh mục trên

Tùy theo từng loại thiết bị có thể phải đảm bảo 1, 2 hoặc cả 3 quy định về chất lượng phát xạ VTĐ, an toàn bức xạ VTĐ và tương thích điện từ. Tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu các thiết bị thuộc danh mục do Cơ quan quản lý công bố phải thực hiện việc chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy và sử dụng dấu hợp quy theo quy định.

c. Chỉ định tổ chức kiểm định:

Bộ TT&TT chịu trách nhiệm chỉ định các tổ chức đủ điều kiện để tổ chức, cá nhân thực hiện các thủ tục về kiểm định tại một trong các tổ chức này.

d. Kiểm định

Các tổ chức được Bộ TT&TT chỉ định có trách nhiệm thực hiện các thủ tục về kiểm định theo quy định.

Thiết bị VTĐ khi được lắp đặt anten, nhà trạm để chuẩn bị cho việc khai thác, sử dụng thì phải được kiểm định về phát xạ và về an toàn bức xạ VTĐ. Việc kiểm định ở đây là việc đo, đánh giá sự phù hợp với các quy định về bức xạ và an toàn bức xạ điện từ của một hệ thống thiết bị VTĐ.

2. Nội dung quản lý

a. Quản lý chất lượng phát xạ VTĐ

Trong lĩnh vực tần số VTĐ, việc quản lý phát xạ VTĐ được áp dụng đối với thiết bị VTĐ.

b. Quản lý an toàn bức xạ VTĐ

Hiện nay xã hội đang rất quan tâm đến vấn đề ảnh hưởng của bức xạ VTĐ đối với sức khỏe người dân. Cơ quan có thẩm quyền cần có giải pháp phù hợp ngăn ngừa những ảnh hưởng này. Lần đầu tiên trách nhiệm quản lý về an toàn bức xạ VTĐ được xác định rõ trong Luật là thuộc về Bộ TT&TT mà không phải thuộc sự quản lý của Bộ Y tế hay Bộ Tài nguyên Môi trường…

Quản lý an toàn bức xạ VTĐ áp dụng cho các đài VTĐ, thiết bị VTĐ, thiết bị ứng dụng sóng VTĐ.

Nguồn bức xạ VTĐ có thể do các thiết bị VTĐ, hoặc các thiết bị điện, điện tử khác gây ra như đường dây tải điện cao áp. Mức độ ảnh hưởng của bức xạ điện từ đến sức khỏe con người phụ thuộc vào tần số, mật độ công suất tác động lên cơ thể. Vì vậy, cần thiết lập và kiểm soát giới hạn bức xạ VTĐ để đảm bảo an toàn cho con người, môi trường. Hiện nay, trên thế giới cách thức quản lý vấn đề đảm bảo an toàn bức xạ VTĐ phổ biến là thông qua việc ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về bức xạ và yêu cầu trách nhiệm của tổ chức, doanh nghiệp trong việc tuân thủ các quy chuẩn kỹ thuật về bảo đảm an toàn bức xạ VTĐ.

Tương tự như cách quản lý của các nước, Luật tần số VTĐ quy định trách nhiệm của Bộ TT&TT trong việc ban hành Danh mục thiết bị cần kiểm soát về giới hạn an toàn bức xạ VTĐ; quy định các quy chuẩn kỹ thuật liên quan; chỉ định các tổ chức đủ điều kiện thẩm định an toàn bức xạ VTĐ. Luật đồng thời quy định trách nhiệm của người sản xuất, nhập khẩu và sử dụng các thiết bị thuộc Danh mục.

c. Quản lý tương thích điện từ

Quản lý tương thích điện từ áp dụng đối với thiết bị điện, điện tử.

Các thiết bị điện, điện tử có thể sinh ra các sóng VTĐ một cách không chủ đích, không vì mục đích thông tin hoặc các mục đích hữu ích khác (ví dụ máy sấy tóc, bugi xe máy, đèn tuýp…). Các bức xạ sóng VTĐ không mong muốn này có thể gây nhiễu có hại đến các thiết bị, hệ thống thiết bị khác trong môi trường điện từ.

Thực tế tại Việt Nam đã xảy ra nhiễu do bức xạ cao tần của máy ép ni lông gây nhiễu tới kênh truyền hình TP. Hồ Chính Minh; nhiễu từ đèn tuýp, máy sấy tóc gây ảnh hưởng đến chất lượng máy thu tín hiệu phát thanh, truyền hình; nhiễu của trạm bơm nước đến mạng thông tin VTĐ của Bộ Công an; nhiễu điện thoại kéo dài đến hệ thống thong tin điều hành bay của hàng không v.v…

Vì vậy, yêu cầu quản lý tương thích điện từ đối với các thiết bị điện, điện tử là rất cần thiết.

Luật tần số VTĐ quy định trách nhiệm quản lý tương thích điện từ của Bộ TT&TT, Bộ KHCN; trách nhiệm của tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu, sử dụng thiết bị thuộc danh mục có khả năng gây mất an toàn do không tương thích điện từ.

(Còn tiếp)

Nguồn: Baomoi.com

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@lawnet.vn
409 lượt xem
Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;