Luật Các tổ chức tín dụng đã được Quốc hội khoá XII thông qua tại kỳ họp thứ 7 ngày 16/6/2010, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2011 và thay thế Luật Các tổ chức tín dụng số 02/1997/QH10 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng số 20/2004/QH11.
1. Phạm vi điều chỉnh:
Thay đổi so với Luật các TCTD năm 1997 là Luật các TCTD năm 2010 bỏ phần quy định về "các tổ chức khác có hoạt động ngân hàng". Bởi hoạt động ngân hàng là hoạt động kinh doanh có điều kiện. Những điều kiện để được hoạt động ngân hàng đều rất chặt chẽ, từ tổ chức bộ máy đến quản lý nội bộ, quản trị rủi ro. Những điều kiện này thông thường các tổ chức khác không phải là TCTD đều không đáp ứng được. Điều này có nghĩa là để được cấp phép hoạt động ngân hàng các tổ chức phải được thành lập như là một TCTD. Những tổ chức nào có hoạt động ngân hàng đều phải được tổ chức lại dưới hình thức là một TCTD hoặc phải chấm dứt hoạt động này (trừ việc công ty chứng khoán thực hiện giao dịch ký quỹ, giao dịch mua, bán lại chứng khoán).
Mặt khác, phạm vi điều chỉnh của Luật được mở rộng từ chỗ chỉ điều chỉnh chủ yếu về hoạt động sang điều chỉnh về tổ chức quản lý và hoạt động của TCTD. Trong đó, nội dung về tổ chức quản lý là nội dung được bổ sung nhiều nhất được thể hiện ở Chương III của Luật.
2. Về một số khái niệm cơ bản:
Luật các TCTD thay đổi tiêu chí xác định một tổ chức là TCTD bằng việc thay đổi nội hàm của khái niệm "hoạt động ngân hàng": bao gồm một trong ba hoạt động nhận tiền gửi, cấp tín dụng, cung ứng dịch vụ thanh toán thay cho việc phải đồng thời thực hiện cả ba hoạt động trên. Luật cũng đã bổ sung một số thuật ngữ quan trọng như: "khoản đầu tư nhằm nắm quyền kiểm soát" , "người có liên quan", "người quản lý", "người điều hành"... nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý chặt chẽ hơn so với quy định của Luật Doanh nghiệp.
3. Về nguyên tắc áp dụng Luật:
Luật các TCTD 2010 có điểm mới so với Luật các TCTD năm 1997 là xác định rõ nguyên tắc áp dụng Luật theo hướng: Luật các TCTD quy định cụ thể các đặc thù trong việc thành lập, tổ chức, quản lý và hoạt động của TCTD; khi có các quy định khác nhau giữa Luật các TCTD và luật khác thì Luật các TCTD sẽ được ưu tiên áp dụng.
Tùy theo hình thức pháp lý của TCTD, các nội dung không được quy định trong Luật các TCTD sẽ được thực hiện theo quy định của Luật doanh nghiệp, Luật hợp tác xã.
4. Về hình thức tổ chức của TCTD:
Luật các TCTD quy định TCTD được tổ chức theo các hình thức pháp lý của Luật doanh nghiệp (hoặc Luật Hợp tác xã). Cụ thể, ngân hàng thương mại trong nước được thành lập, tổ chức dưới hình thức công ty cổ phần (trừ ngân hàng thương mại nhà nước được thành lập, tổ chức dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ). TCTD phi ngân hàng trong nước được thành lập, tổ chức dưới hình thức công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn. TCTD 100% vốn nước ngoài, TCTD liên doanh được thành lập, tổ chức dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn. Ngân hàng hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân được thành lập, tổ chức dưới hình thức hợp tác xã. Tổ chức tài chính vi mô được thành lập, tổ chức dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn.
5. Về cấp giấy phép thành lập và hoạt động TCTD:
Luật đã quy định cụ thể các điều kiện cấp phép đối với từng loại hình TCTD theo hướng nâng cao các yêu cầu, tiêu chí về đảm bảo an toàn của từng TCTD và cả hệ thống các TCTD. Các điều kiện cấp phép được rà soát theo hướng vừa chặt chẽ (bảo đảm việc gia nhập thị trường của các TCTD mới không ảnh hưởng đến sự an toàn của hệ thống TCTD), vừa tuân thủ các cam kết của Tổ chức thương mại thế giới (WTO). Đồng thời cũng làm rõ sự khác biệt về điều kiện cấp phép đối với mô hình quỹ tín dụng nhân dân và tổ chức tài chính vi mô là những TCTD có mục tiêu hoạt động khác với các ngân hàng thương mại và TCTD phi ngân hàng (điều kiện cấp giấy phép sẽ theo hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước).
6. Về các thay đổi cần chấp thuận của NHNN:
So với quy định của Luật Các TCTD năm 1997, Luật các TCTD năm 2010 đã quy định theo hướng quán triệt nguyên tắc cải cách thủ tục hành chính và tăng quyền tự chủ cho TCTD trong vấn đề về những thay đổi cần chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước. Luật các TCTD năm 2010 đã giảm bớt các nội dung cần phải được sự chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước như chuyển nhượng cổ phần có ghi tên quá tỷ lệ quy định, thay đổi thành viên Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát, Tổng giám đốc của TCTD; bỏ thủ tục chuẩn y điều lệ thay bằng đăng ký điều lệ.
7. Về tổ chức, quản trị, điều hành TCTD:
Tổ chức, quản trị, điều hành các TCTD là một trong những nội dung có nhiều điểm mới nhất của Luật các TCTD năm 2010. So với Luật các TCTD năm 1997 chỉ có 6 điều quy định về tổ chức, quản trị, điều hành TCTD thì Luật các TCTD năm 2010 với hơn 60 điều quy định về tổ chức, quản trị, điều hành TCTD là một sự bổ sung và thay đổi căn bản về nội dung này.
Một số nội dung cụ thể về tổ chức, quản trị, điều hành:
- Về việc chấp thuận danh sách dự kiến những người được bầu, bổ nhiệm làm thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng thành viên, thành viên Ban kiểm soát, Tổng giám đốc (Giám đốc) của TCTD: Theo Luật Các TCTD năm 1997, thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Ban kiểm soát, Tổng Giám đốc (Giám đốc) của TCTD sau khi được bầu, bổ nhiệm phải được NHNN chuẩn y. Luật các TCTD năm 2010 quy định: NHNN chấp thuận danh sách dự kiến những người được bầu, bổ nhiệm làm thành viên Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc (Giám đốc) của TCTD. Những người được bầu, bổ nhiệm làm thành viên Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên, thành viên Ban kiểm soát, Tổng Giám đốc (Giám đốc) của TCTD phải thuộc danh sách đã được NHNN chấp thuận.
- Về thành viên độc lập của Hội đồng quản trị: Luật các TCTD năm 2010 quy định về thành viên độc lập của Hội đồng quản trị. Việc yêu cầu có thành viên độc lập trong Hội đồng quản trị là nhằm phát huy trí tuệ và tăng tính độc lập, khách quan trong các quyết định của Hội đồng quản trị, hạn chế việc chi phối trong quá trình ra quyết định của các thành viên không độc lập (thường là đại diện của các cổ đông lớn), bảo vệ lợi ích của tổ chức tín dụng và các cổ đông nhỏ, qua đó nhằm ổn định và bảo đảm an toàn trong hoạt động của TCTD và hệ thống các TCTD. Luật các TCTD năm 2010 quy định Hội đồng quản trị của TCTD cổ phần phải có tối thiểu 01 thành viên độc lập; Hội đồng quản trị tối thiểu phải có 1/2 tổng số thành viên là thành viên độc lập và thành viên không phải là người điều hành TCTD. Luật cũng quy định những điều kiện của thành viên Hội đồng quản trị độc lập, để bảo đảm thành viên này có được tính độc lập trong hoạt động của mình.
- Về giới hạn tỷ lệ sở hữu cổ phần: Tổ chức và hoạt động của TCTD cổ phần phải mang tính đại chúng cao để bảo đảm sự minh bạch, hạn chế sự thâu tóm có thể ảnh hưởng đến quyền lợi của công chúng gửi tiền, gây mất an toàn hệ thống. Do đó, Luật quy định các giới hạn về tỷ lệ sở hữu cổ phần của các cổ đông: Một cổ đông cá nhân không được sở hữu vượt quá 5% vốn điều lệ của một TCTD. Một cổ đông là tổ chức không được sở hữu vượt quá 15% vốn điều lệ của một TCTD, trừ một số trường hợp đặc biệt. Cổ đông và những người có liên quan của cổ đông đó không được sở hữu vượt quá 20% vốn điều lệ của một TCTD.
8. Về hoạt động của TCTD:
Luật các TCTD năm 2010 quy định cụ thể phạm vi hoạt động của từng loại hình TCTD, trong đó lấy hoạt động của ngân hàng thương mại làm căn cứ dẫn chiếu khi quy định phạm vi hoạt động của các loại hình TCTD khác.
Luật các TCTD năm 2010 đã thay đổi tiêu chí phân biệt giữa ngân hàng và TCTD phi ngân hàng. Theo đó, phạm vi hoạt động của các TCTD phi ngân hàng khác với các ngân hàng là không được phép nhận tiền gửi của cá nhân và không được cung ứng dịch vụ thanh toán qua tài khoản của khách hàng. Theo tiêu chí này, ranh giới phân biệt hoạt động giữa ngân hàng và TCTD phi ngân hàng được làm rõ hơn.
Đối với mỗi loại hình TCTD, Luật các TCTD năm 2010 quy định rõ những nghiệp vụ TCTD đương nhiên được kinh doanh sau khi được cấp Giấy phép thành lập và hoạt động, những nghiệp vụ kinh doanh phải được phép của Ngân hàng Nhà nước trước khi thực hiện, những nghiệp vụ khi thực hiện phải thành lập công ty con, công ty liên kết và những nghiệp vụ TCTD không được thực hiện.
9. Các hạn chế để bảo đảm an toàn trong hoạt động của TCTD:
Về nhóm các quy định nhằm hạn chế sự tập trung rủi ro quá mức của TCTD vào một hoặc một nhóm khách hàng, Luật các TCTD năm 2010 có một điều chỉnh quan trọng so với Luật các TCTD năm 1997 là không xác định hạn mức tín dụng cho một khách hàng theo từng loại nghiệp vụ tín dụng, mà đưa ra hạn mức cấp tín dụng tổng thể đối với một khách hàng.
Các quy định về góp vốn, mua cổ phần của các TCTD tại Luật các TCTD năm 1997 và văn bản hướng dẫn còn chưa chặt chẽ, tạo kẽ hở để các TCTD mở rộng phạm vi hoạt động sang quá nhiều các lĩnh vực không có liên quan nhiều, do đó, Luật các TCTD năm 2010 đã đưa ra các quy định cụ thể theo hướng thông lệ chung được áp dụng đối với hoạt động ngân hàng là giới hạn phạm vi hoạt động của các TCTD vào các hoạt động chính và những lĩnh vực hoạt động có liên quan trực tiếp đến hoạt động chính bằng việc quy định cụ thể các giới hạn góp vốn, mua cổ phần của TCTD.
Luật các TCTD năm 2010 đưa ra các quy định nhằm hạn chế các quan hệ cấp tín dụng nội bộ
Luật các TCTD năm 2010 hạn chế việc góp vốn, mua cổ phần chéo, góp vốn, mua cổ phần ngược giữa TCTD, công ty con, công ty liên kết, công ty kiểm soát.
10. Về kiểm soát đặc biệt:
Luật đã quy định bổ sung thêm 2 trường hợp mà một TCTD có thể bị Ngân hàng Nhà nước đặt vào tình trạng kiểm soát đặc biệt: Hai năm liên tục bị xếp loại yếu kém theo quy định của Ngân hàng Nhà nước; Không duy trì được tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu theo quy định trong thời hạn một năm liên tục hoặc tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu thấp hơn 4% trong thời hạn 6 tháng liên tục.
Đồng thời, Luật quy định theo hướng trao cho Ngân hàng Nhà nước thẩm quyền lớn hơn trong việc kiểm soát đặc biệt đối với TCTD như Ngân hàng Nhà nước có quyền yêu cầu chủ sở hữu tăng vốn, xây dựng, thực hiện kế hoạch tái cơ cấu hoặc bắt buộc sáp nhập, hợp nhất, mua lại đối với TCTD được kiểm soát đặc biệt, nếu chủ sở hữu không có khả năng hoặc không thực hiện việc tăng vốn; trực tiếp hoặc chỉ định TCTD khác góp vốn, mua cổ phần của TCTD được kiểm soát đặc biệt trong một số trường hợp nhất định
11. Về chuyển tiếp áp dụng Luật các TCTD:
Để không làm ảnh hưởng đến hoạt động của các TCTD được thành lập và hoạt động theo Luật các TCTD năm 1997 và để TCTD đang hoạt động có đủ thời gian điều chỉnh tổ chức và hoạt động theo quy định của Luật mới, Luật 2010 đưa ra các quy định về việc chuyển tiếp đối với các tổ chức đang hoạt động theo 3 nhóm:
- Các quy định của Luật mà TCTD phải tuân thủ ngay như các quy định về phạm vi hoạt động ngân hàng…;
- Các quy định của Luật sẽ được thực hiện chuyển tiếp trong thời hạn 02 năm như một số quy định về tổ chức, quản trị, điều hành TCTD…;
- Các quy định thực hiện chuyển tiếp theo hướng dẫn của NHNN đối với các quy định phức tạp cần có lộ trình cụ thể để tuân thủ như quy định về tỷ lệ sở hữu cổ phần, các quy định về góp vốn, mua cổ phần….
Nguồn: hslaw.vn
- Từ khóa:
- Luật các tổ chức tín dụng 2010