Trong những năm gần đây, vai trò của các ngân hàng trung ương đã có sự thay đổi rất lớn nhằm đáp ứng yêu cầu của quá trình toàn cầu hoá và hội nhập kinh tế quốc tế. Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 cũng đã tác động mạnh mẽ tới việc điều chỉnh hoạt động của các ngân hàng trung ương, dẫn đến yêu cầu cấp thiết trong việc mở rộng vai trò của các ngân hàng trung ương nhằm đảm bảo ổn định hệ thống tài chính và giám sát rủi ro hệ thống hiệu quả.
Tại Việt Nam, sự phát triển của nền kinh tế nói chung và của hệ thống tài chính nói riêng đã đặt ra yêu cầu có quy định cụ thể hơn về trách nhiệm, thẩm quyền của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) là Ngân hàng trung ương và các cơ quan liên quan trong việc hoạch định và thực thi chính sách tiền tệ. Bên cạnh đó, đáp ứng sự phát triển của nền kinh tế, nhiều văn bản mới đã được ban hành trong thời gian qua; nhiều chủ trương, chính sách và định hướng đổi mới của Đảng và Nhà nước về hoạt động ngân hàng nói chung và NHNN nói riêng đã được ban hành, nên cần có hệ thống văn bản pháp luật ngân hàng đồng bộ, thống nhất, tạo cơ sở pháp lý để thể chế hoá các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, đồng thời tạo điều kiện đẩy nhanh cải cách, đổi mới về tổ chức và hoạt động của NHNN.
Ngày 16/6/2010, tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XII đã thông qua Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam số 46/2010/QH12, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2011 và thay thế Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam số 01/1997/QH10 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam số 10/2003/QH11. Luật NHNN Việt Nam số 46/2010/QH12 có nhiều nội dung thay đổi, sửa đổi so với Luật NHNN Việt Nam năm 1997 và Luật sửa đổi, bổ sung năm 2003. Trong phạm vi bài viết này xin giới thiệu một số điểm mới quan trọng của Luật NHNN Việt Nam 2010.
Quan điểm chỉ đạo cơ bản của việc sửa đổi, bổ sung Luật NHNN
Luật NHNN phải thể chế hóa được quan điểm, chủ trương và chính sách của Đảng và Nhà nước đối với tổ chức và hoạt động của NHNN; thể hiện được tính đặc thù của hệ thống ngân hàng Việt Nam, phù hợp với thể chế chính trị của Việt Nam, từng bước thực hiện được mục tiêu, định hướng về phát triển NHNN theo Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X. Đồng thời, Luật NHNN 2010 kế thừa và phát huy những ưu điểm, những quy định vẫn còn phù hợp với yêu cầu thực tiễn; khắc phục được những hạn chế, bất cập của những quy định hiện hành, bảo đảm tính ổn định của hệ thống pháp luật Việt Nam và sự hài hòa giữa các quy định của pháp luật liên quan nhưng vẫn tôn trọng đặc thù của NHNN. Bên cạnh đó, Luật NHNN 2010 tạo cơ sở pháp lý để nâng cao một bước trách nhiệm, thẩm quyền và tính chủ động của NHNN trong việc sử dụng các công cụ nhằm thực hiện chính sách tiền tệ cũng như giám sát an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng; dựa trên yêu cầu tăng cường tính hệ thống, tính thống nhất của hệ thống pháp luật Việt Nam, bảo đảm sự thống nhất giữa các đạo luật mới được ban hành với những nội dung sửa đổi, bổ sung, phù hợp với các luật có liên quan, nhằm tạo sự thống nhất chung trong hệ thống pháp luật. Cuối cùng, việc sửa đổi Luật NHNN phải phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia ký kết và thông lệ, chuẩn mực quốc tế về ngân hàng, tạo điều kiện thuận lợi cho hội nhập quốc tế của nền kinh tế nước ta.
Theo quy định của Luật NHNN VN 2010, NHNN có 6 lĩnh vực hoạt động nghiệp vụ chủ yếu gồm: Thực thi chính sách tiền tệ quốc gia; Phát hành tiền; Cho vay, bảo lãnh, tạm ứng cho ngân sách; Hoạt động thanh toán và ngân quỹ; Quản lý ngoại hối và hoạt động ngoại hối; Hoạt động thông tin, báo cáo.
Trong đó, thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia là một trong những lĩnh vực hoạt động quan trọng nhất của NHNN. Trong Luật NHNN vừa được thông qua, nhiều nội dung trong mục này đã được điều chỉnh để thể hiện chính xác hơn các công cụ của chính sách tiền tệ. Luật quy định rõ thẩm quyền của Thống đốc NHNN trong việc quyết định sử dụng công cụ thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia. Riêng đối với công cụ dự trữ bắt buộc, Luật bỏ quy định về giới hạn tỷ lệ dữ trữ bắt buộc từ 0% đến 20% để bảo đảm sự linh hoạt trong điều hành chính sách tiền tệ của NHNN, đồng thời nâng cao thẩm quyền của NHNN trong việc trả lãi đối với tiền gửi dự trữ bắt buộc và tiền gửi vượt dự trữ bắt buộc.
Những nội dung mới của Luật NHNN
Đối với việc hoạch định và thực thi Chính sách tiền tệ
Luật quy định rõ khái niệm chính sách tiền tệ quốc gia để làm cơ sở xây dựng thẩm quyền của các cơ quan (Quốc hội, Chính phủ, NHNN) đối với chính sách tiền tệ. Theo đó, chính sách tiền tệ quốc gia là các quyết định về tiền tệ ở tầm quốc gia của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, bao gồm quyết định mục tiêu ổn định giá trị đồng tiền biểu hiện bằng chỉ tiêu lạm phát, quyết định sử dụng các công cụ và biện pháp để thực hiện mục tiêu đề ra.
Về thẩm quyền quyết định chính sách tiền tệ quốc gia, Luật cụ thể hóa được vai trò, vị trí của các cơ quan nhà nước trong việc quyết định và thực thi chính sách tiền tệ quốc gia trên cơ sở phù hợp Hiến pháp, Luật Tổ chức Chính phủ. Cụ thể là: Quốc hội quyết định chỉ tiêu lạm phát hàng năm được thể hiện thông qua việc quyết định chỉ số giá tiêu dùng và giám sát việc thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia; Chủ tịch nước thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn do Hiến pháp và pháp luật quy định trong việc đàm phán, ký kết, gia nhập điều ước quốc tế nhân danh Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng; Chính phủ trình Quốc hội quyết định chỉ tiêu lạm phát hàng năm; Thủ tướng Chính phủ, Thống đốc NHNN quyết định việc sử dụng các công cụ và biện pháp điều hành để thực hiện mục tiêu chính sách tiền tệ quốc gia theo quy định của Chính phủ.
Thẩm quyền cụ thể của NHNN trong việc thực thi chính sách tiền tệ
Thống đốc NHNN quyết định việc sử dụng các công cụ tái cấp vốn, lãi suất, tỷ giá hối đoái, dự trữ bắt buộc, nghiệp vụ thị trường mở để thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia.
Về công cụ lãi suất, Luật đã quy định lãi suất điều hành chính sách tiền tệ và lãi suất cơ bản để chống cho vay nặng lãi, vừa đảm bảo để NHNN điều hành, thực thi chính sách tiền tệ, vừa có cơ sở để áp dụng quy định của các luật liên quan như Luật Dân sự, Hình sự, Lao động, Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước… Đây cũng là cơ sở pháp lý quan trọng để NHNN thay đổi nội hàm lãi suất cơ bản theo hướng lãi suất cơ bản không phải là cơ sở để các TCTD ấn định lãi suất kinh doanh mà làm cơ sở cho việc phòng, chống cho vay nặng lãi trong nền kinh tế. Trong trường hợp thị trường tiền tệ có diễn biến bất thường, NHNN quy định cơ chế điều hành lãi suất áp dụng trong quan hệ giữa các TCTD với nhau và với khách hàng, các quan hệ tín dụng khác.
Theo quy định của Luật này, NHNN quyết định chế độ tỷ giá, cơ chế điều hành tỷ giá. Thẩm quyền của NHNN trong thực thi chính sách tiền tệ nhằm ổn định giá trị đồng tiền đã được nâng cao hơn .
Bên cạnh đó, NHNN tổ chức hệ thống thống kê, dự báo về tiền tệ và ngân hàng; công khai thông tin về tiền tệ và hoạt động ngân hàng theo qui định của pháp luật; chủ trì lập, theo dõi, dự báo và phân tích kết quả thực hiện cán cân thanh toán quốc tế; NHNN tham gia với Bộ Tài chính về việc phát hành trái phiếu chính phủ, trái phiếu do Chính phủ bảo lãnh; Thống đốc NHNN có quyền thành lập các ban, hội đồng tư vấn về các vấn đề liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của NHNN; Hoạt động của NHNN được qui định rộng hơn trong trường hợp cho vay đặc biệt đảm bảo có thể can thiệp sớm hơn, hạn chế rủi ro cho hệ thống ngân hàng…
Vai trò, nhiệm vụ của NHNN trên lĩnh vực thanh tra, giám sát cũng được điều chỉnh để tăng cường thẩm quyền trong việc xử lý rủi ro của TCTD. Cụ thể, Luật quy định theo hướng khẳng định thẩm quyền của NHNN trong toàn bộ quá trình giám sát an toàn hoạt động của TCTD từ khâu cấp phép, xây dựng quy chế an toàn, theo dõi, giám sát hoạt động, can thiệp khi phát sinh khó khăn và chủ động xử lý khi có nguy cơ đổ vỡ. Bên cạnh đó, các quy định của Luật NHNN khẳng định sự khác biệt về bản chất giữa thanh tra, giám sát an toàn hoạt động ngân hàng với thanh tra hành chính thông thường thông qua việc đưa ra nguyên tắc cho hoạt động thanh tra, giám sát an toàn hoạt động ngân hàng như sau: Thanh tra, giám sát ngân hàng được thực hiện theo quy định của Luật NHNN và các quy định khác của pháp luật có liên quan; trường hợp có sự khác nhau giữa quy định về thanh tra, giám sát ngân hàng của Luật NHNN với quy định của luật khác thì thực hiện theo quy định của Luật NHNN; Thống đốc NHNN quy định trình tự, thủ tục thanh tra, giám sát ngân hàng.
Về nguyên tắc thực hiện thanh tra, giám sát an toàn hoạt động ngân hàng: Luật quy định việc thanh tra, giám sát ngân hàng là sự kết hợp thanh tra, giám sát việc chấp hành chính sách, pháp luật về tiền tệ và ngân hàng với thanh tra, giám sát rủi ro trong hoạt động của đối tượng thanh tra, giám sát ngân hàng. Luật mở rộng phạm vi giám sát đối với toàn bộ hoạt động của một TCTD, kể cả các hoạt động thông qua các công ty con của các TCTD.
Thẩm quyền của NHNN trong việc can thiệp, xử lý sớm các TCTD đã được quy định cụ thể hơn nhằm ngăn chặn kịp thời những khả năng đổ vỡ, cụ thể: NHNN có thẩm quyền quyết định áp dụng biện pháp xử lý đặc biệt đối với TCTD vi phạm nghiêm trọng các quy định của pháp luật về tiền tệ và ngân hàng, gặp khó khăn về tài chính, có nguy cơ gây mất an toàn cho hệ thống ngân hàng, gồm mua cổ phần của TCTD; đình chỉ, tạm đình chỉ, miễn nhiệm chức vụ người quản lý, người điều hành của TCTD; quyết định sáp nhập, hợp nhất, giải thể TCTD; đặt TCTD vào tình trạng kiểm soát đặc biệt; thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình theo quy định của pháp luật về phá sản đối với TCTD. Ngoài ra, để đảm bảo kỷ luật trong hoạt động ngân hàng, các thể chế và thẩm quyền của NHNN đối với các TCTD đã được cụ thể hoá rất rõ trong Luật NHNN.
Thẩm quyền quản lý nhà nước đối với bảo hiểm tiền gửi: Hoạt động bảo hiểm tiền gửi gắn chặt với hoạt động ngân hàng và khách hàng gửi tiền tại TCTD. Để bảo đảm có cơ quan Nhà nước thực hiện chức năng quản lý nhà nước về bảo hiểm tiền gửi, Luật đã có quy định mang tính nguyên tắc về thẩm quyền của NHNN đối với bảo hiểm tiền gửi: “Thực hiện quản lý nhà nước về bảo hiểm tiền gửi theo quy định của pháp luật về bảo hiểm tiền gửi” (khoản 14 Điều 4).
Về nội dung góp vốn thành lập doanh nghiệp: Luật có quy định cho phép NHNN được sử dụng vốn pháp định để góp vốn thành lập doanh nghiệp đặc thù nhằm thực hiện chức năng, nhiệm vụ của NHNN theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. NHNN không tham gia góp vốn vào các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực khác ngoài chức năng nhiệm vụ của NHNN. Việc góp vốn thành lập doanh nghiệp nhằm thực thi một số chức năng, nhiệm vụ của NHNN, không nhằm mục tiêu kinh doanh thu lợi nhuận (như thành lập Nhà máy in tiền quốc gia, tham gia góp vốn vào Công ty chuyển mạch thẻ quốc gia…).
Đối với việc mở tài khoản của Kho bạc Nhà nước: Nhằm mục tiêu bảo đảm NHNN luôn có được đầy đủ, chính xác số liệu về quan hệ tiền gửi và cho vay của NHNN đối với Ngân sách Nhà nước phục vụ công tác điều hành chính sách tiền tệ một cách chặt chẽ, hiệu quả, Luật có quy định liên quan đến việc mở tài khoản của Kho bạc Nhà nước tại NHNN. Theo đó về nguyên tắc Kho bạc Nhà nước phải mở tài khoản tại NHNN. Ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh không có chi nhánh của NHNN, việc thực hiện các giao dịch cho Kho bạc Nhà nước theo quy định của NHNN.
Về tính minh bạch và trách nhiệm giải trình: Luật quy định rõ trách nhiệm giải trình, báo cáo của NHNN trước Quốc hội, Chính phủ và công chúng. Đây là nội dung mới, quan trọng trong hoạt động của Ngân hàng Trung ương nhằm minh bạch hoá, công khai hoá các quyết định trong điều hành của mình không những với cơ quan cấp trên mà còn với công chúng, thị trường.
Bên cạnh đó, NHNN là một cơ quan quản lý tham gia tham mưu kinh tế vĩ mô nên nguồn thông tin là những dữ liệu rất quan trọng để NHNN xây dựng chính sách, đánh giá diễn biến thị trường và đưa ra các quyết định. Luật đã quy định cụ thể nghĩa vụ của các cá nhân, tổ chức trong việc cung cấp thông tin, số liệu cho NHNN.
Việc Quốc hội ban hành Luật NHNN Việt Nam năm 2010 là một sự kiện quan trọng đánh dấu một bước phát triển mới trong việc hoàn thiện thể chế về tổ chức và hoạt động của NHNN theo cơ chế thị trường, tiếp cận gần hơn với các thông lệ và chuẩn mực quốc tế, đáp ứng yêu cầu thực hiện chức năng, nhiệm vụ của NHNN trong quá trình hội nhập kinh tế. Trong một bài phỏng vấn báo chí, Tiến sỹ Nguyễn Văn Giàu - Thống đốc NHNN cho biết: “Cách thiết kế trong Luật NHNN 2010 đã thể hiện rõ hơn vị trí của NHNN là cơ quan ngang Bộ của Chính phủ, đồng thời xác định rõ các chức năng, nhiệm vụ của NHNN với tư cách là Ngân hàng Trung ương của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện các chức năng về quản lý nhà nước trên lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng, qua đó khẳng định mối quan hệ chặt chẽ giữa hai chức năng quan trọng của một Ngân hàng Trung ương: Thực thi chính sách tiền tệ và giám sát an toàn hoạt động của hệ thống các TCTD. Đây là nội dung quan trọng đã được thực tiễn chứng minh qua các cuộc khủng hoảng tài chính ở các nước vừa qua. Theo đó, cơ cấu tổ chức, đội ngũ cán bộ và cơ chế vận hành được thiết kế, xây dựng theo hướng đảm bảo thực hiện được đồng thời cả hai chức năng nói trên”.
Nguồn: vietstock.vn