Tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội Khóa XIII đã thông qua Luật Thú y. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để Ngành Thú y Việt Nam hoạt động hiệu quả hơn, đóng góp nhiều hơn nữa cho xã hội và hội nhập quốc tế.
Luật Thú y 2015 bao gồm 7 Chương, 116 Điều, quy định về phòng bệnh, chữa bệnh, chống dịch bệnh động vật; kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật; kiểm soát giết mổ động vật, sơ chế, chế biến động vật, sản phẩm động vật; kiểm tra vệ sinh thú y; quản lý thuốc thú y; hành nghề thú y.
Bổ sung một số hành vi bị nghiêm cấm
Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Văn Thắng, một trong những điểm đáng chú ý của Luật thú ý là quy định một số nguyên tắc mới trong hoạt động thú ý như: bảo đảm sự thống nhất trong hoạt động thú y từ trung ương đến địa phương; thực hiện phòng bệnh là chính, chữa bệnh kịp thời, chống dịch khẩn trương; phòng, chống dịch bệnh động vật là trách nhiệm của chủ vật nuôi, chủ cơ sở nuôi, nuôi trồng thủy sản.
Cùng với đó để hoạt động thú y được thông suốt từ trung ương đến địa phương, Luật giao cụ thể cho UBND các cấp trong chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật như tổ chức thực hiện quy hoạch vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh động vật; chương trình giám sát, khống chế thanh toán dịch bệnh động vật; phân bổ, quản lý, sử dụng kinh phí trong chống dịch, xử lý, tiêu hủy động vật mắc bệnh, sản phẩm động vật mang mầm bệnh.
Vẫn theo Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng, để bảo đảm công tác quản lý nhà nước về thú y hiệu lực và hiệu quả, tạo cơ sở cho việc định ra các hành vi và hình thức xử phạt vi phạm, Luật Thú y đã bổ sung một số hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động thú y: che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời động vật mắc bệnh, có dấu hiệu mắc bệnh, chết do bệnh truyền nhiễm làm lây lan dịch bệnh động vật; khai báo, lập danh sách, xác nhận không đúng số lượng, khối lượng động vật mắc bệnh, chết, sản phẩm động vật nhiễm bệnh phải tiêu hủy; khai báo, xác nhận không đúng số lượng, khối lượng vật tư, hóa chất để phòng, chống dịch bệnh động vật với mục đích trục lợi; không thực hiện việc thông báo, công bố dịch bệnh động vật trong trường hợp phải thông báo, công bố theo quy định của Luật; thông tin không chính xác về tình hình dịch bệnh động vật.
Kiểm dịch không còn dựa trên “số lượng lớn, khối lượng lớn”
Kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật (Chương III) là một trong những chương có nhiều điểm mới của Luật. Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng cho biết, trong chương này đã tách riêng làm hai mục kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật trên cạn và động vật, sản phẩm động vật thủy sản. Trong đó, điểm mới của Luật là sửa đổi quy định về nguyên tắc kiểm dịch động vật, không còn dựa trên “số lượng lớn, khối lượng lớn” như Pháp lệnh năm 2004, Luật quy định việc kiêm dịch động vật, sản phẩm động vật được thực hiện kiểm soát theo mối nguy cơ về dịch bệnh động vật và có các quy định theo hướng mở đối với việc vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trên cạn ra khỏi tỉnh.
Cụ thể, động vật, sản phẩm động vật xuất phát từ cơ sở đã được công nhận an toàn dịch bệnh hoặc từ cơ sở đã được phòng bệnh bằng vắc xin và cơ sở chăn nuôi tham gia chương trình giám sát dịch bệnh. Khi vận chuyển ra khỏi tỉnh, chủ cơ sở chỉ cần thông báo cho cơ quan quản lý chuyên ngành thú y để được cấp giấy chứng nhận kiểm dịch trước khi vận chuyển không phải làm thủ tục kiểm dịch. “Đây là một điểm mới đột phá của Luật Thú y nhằm tạo điều kiện thông thoáng trong việc lưu thông động vật, sản phẩm động vật trong nước, thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển, đồng thời đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động thú y, tránh gây phiền hà sách nhiễu cho người dân và doanh nghiệp, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh” – Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng nhấn mạnh.
Còn với động vật, sản phẩm động vật xuất phát từ cơ sở có nguồn gốc thu gom, chăn nuôi nhỏ lẻ và chưa được công nhận cơ sở an toàn dịch bệnh động vật hoặc không tham gia chương trình giám sát dịch bệnh khi vận chuyển ra khỏi tỉnh tiêu thụ phải thực hiện kiểm dịch theo quy định. Vì đây là đối tượng có nguy cơ dễ mang mầm bệnh, lây lan dịch bệnh cao, do động vật chưa được tiêm phòng hoặc vệ sinh phòng bệnh kém, nên cơ quan thú y phải quản lý chặt chẽ thông qua việc kiểm dịch nhằm bảo đảm an toàn dịch bệnh cho các vùng, cơ sở đã được an toàn và cung cấp thực phẩm an toàn cho người sử dụng sản phẩm động vật.
Kiểm soát giết mổ động vật
Điểm mới trong nhóm các quy định về kiểm soát thú y đối với giết mổ động vật trên cạn, sơ chế, chế biến sản phẩm động vật là bổ sung khâu chế biến sản phẩm động vật vào quy trình kiểm soát để phù hợp với Luật An toàn thực phẩm. Tại Điều 64 của Luật đã đưa ra các yêu cầu đối với giết mổ động vật để kinh doanh như: động vật phải khỏe mạnh; có trong Danh mục động vật thuộc diện phải kiểm soát giết mổ và được cơ quan quản lý chuyên ngành thú y kiểm soát theo quy trình; việc giết mổ động vật phải được thực hiện cơ sở giết mổ động vật tập trung, trường hợp tại các vùng nông thôn, miền núi, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn chưa có cơ sở giết mổ động vật tập trung thì việc giết mổ động vật được thực hiện tại cơ sở giết mổ động vật nhỏ lẻ và phải đáp ứng yêu cầu vệ sinh thú y.
Về yêu cầu vệ sinh thú y cơ sở giết mổ động vật, trong Luật đã phân ra hai loại hình đó là cơ sở giết mổ tập trung và cơ sở có quy mô nhỏ lẻ phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Trong đó, đối với cơ sở giết mổ tập trung yêu cầu về: địa điểm phải theo quy hoạch, lò mổ được thiết kế các khu vực riêng biệt để ngăn ngừa ô nhiễm chéo phù hợp với từng chủng loại động vật được giết mổ; trang thiết bộ, dụng cụ bảo đảm yêu cầu, có nước sạch, có hệ thống xử lý chất thải bảo đảm an toàn dịch bệnh. Còn đối với cơ sở giết mổ động vật nhỏ lẻ yêu cầu vệ sinh thú y được quy định phù hợp với khu vực nông thôn, miền núi, hải đảo...
Luật Thú y có hiệu lực từ ngày 1/7/2016.
Nguồn: Báo điện tử Đảng Công sản Việt Nam
- Từ khóa:
- Luật Thú y 2015