Luật Xây dựng đã được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 18-6-2014, gồm 9 chương với 168 điều và có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2015. So với những quy định trước đây, Luật Xây dựng năm 2014 có nhiều điểm mới đã được sửa đổi, bổ sung. Và bài viết dưới đây không ngoài mục đích giúp bạn đọc nắm rõ những nội dung chính và những điểm mới trong luật này.
* Nguyên tắc cơ bản trong hoạt động đầu tư xây dựng:
Bảo đảm đầu tư xây dựng công trình theo quy hoạch, thiết kế, bảo vệ cảnh quan, môi trường; phù hợp với điều kiện tự nhiên, xã hội, đặc điểm văn hóa của từng địa phương; bảo đảm ổn định cuộc sống của nhân dân; kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với quốc phòng, an ninh và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Tuân thủ tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, quy định của pháp luật về sử dụng vật liệu xây dựng; bảo đảm nhu cầu tiếp cận sử dụng công trình thuận lợi, an toàn cho người khuyết tật, người cao tuổi, trẻ em ở các công trình công cộng, nhà cao tầng; ứng dụng khoa học và công nghệ, áp dụng hệ thống thông tin công trình trong hoạt động đầu tư xây dựng.
Bảo đảm chất lượng, tiến độ, an toàn công trình, tính mạng, sức khỏe con người và tài sản; phòng, chống cháy, nổ; bảo vệ môi trường. Bảo đảm xây dựng đồng bộ trong từng công trình và đồng bộ với các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội. Bảo đảm công khai, minh bạch, tiết kiệm, hiệu quả; phòng, chống tham nhũng, lãng phí, thất thoát và tiêu cực khác trong hoạt động đầu tư xây dựng.
Luật mới cũng đã bổ sung thêm một số nguyên tắc trong hoạt động ĐTXD: Phân định rõ chức năng quản lý nhà nước trong hoạt động ĐTXD với chức năng quản lý của chủ đầu tư phù hợp với từng loại nguồn vốn sử dụng. Tổ chức, cá nhân khi tham gia hoạt động xây dựng phải có đủ các điều kiện năng lực phù hợp với loại dự án; loại, cấp công trình xây dựng và công việc theo quy định của luật này. Sử dụng hợp lý nguồn lực, tài nguyên tại khu vực có dự án, bảo đảm đúng mục đích, đối tượng và trình tự ĐTXD (Điều 4).
* Loại và cấp công trình xây dựng:
Theo quy định trong luật, công trình xây dựng được phân theo loại và cấp công trình. Loại công trình được xác định theo công năng sử dụng gồm công trình dân dụng, công trình công nghiệp, công trình giao thông, công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn, công trình hạ tầng kỹ thuật và công trình quốc phòng, an ninh.
Cấp công trình được xác định theo từng loại công trình căn cứ vào quy mô, mục đích, tầm quan trọng, thời hạn sử dụng, vật liệu sử dụng và yêu cầu kỹ thuật xây dựng công trình. Cấp công trình gồm cấp đặc biệt, cấp I, cấp II, cấp III, cấp IV và các cấp khác theo quy định của Chính phủ.
* Sửa đổi, bổ sung quy định áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật:
Theo quy định của luật, hoạt động đầu tư xây dựng phải tuân thủ quy chuẩn kỹ thuật quốc gia. Tiêu chuẩn được áp dụng trong hoạt động đầu tư xây dựng theo nguyên tắc tự nguyện, trừ các tiêu chuẩn được viện dẫn trong quy chuẩn kỹ thuật hoặc văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan. Tiêu chuẩn áp dụng cho công trình phải được người quyết định đầu tư xem xét, chấp thuận khi quyết định đầu tư.
Việc áp dụng tiêu chuẩn phải bảo đảm các yêu cầu: Phù hợp với yêu cầu của quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và quy định của pháp luật có liên quan. Bảo đảm tính đồng bộ, tính khả thi của hệ thống tiêu chuẩn được áp dụng.
Việc áp dụng giải pháp kỹ thuật, công nghệ, vật liệu mới trong hoạt động hoạt động đầu tư phải đáp ứng yêu cầu của quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và quy định của pháp luật có liên quan. Bộ Xây dựng, Bộ Quản lý công trình xây dựng chuyên ngành phải xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia áp dụng cho công trình xây dựng chuyên ngành theo quy định pháp luật về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật (Điều 6).
* Chủ đầu tư:
Đây là nội dung mới được quy định tại Luật Xây dựng 2014. Theo đó, chủ đầu tư do người quyết định đầu tư quyết định trước khi lập dự án hoặc khi phê duyệt dự án. Tùy thuộc nguồn vốn sử dụng cho dự án, chủ đầu tư được xác định cụ thể như sau: Đối với dự án sử dụng vốn NSNN và vốn nhà nước ngoài ngân sách, chủ đầu tư là cơ quan, tổ chức được người quyết định đầu tư giao quản lý, sử dụng vốn để đầu tư xây dựng. Đối với dự án sử dụng vốn vay, chủ đầu tư là cơ quan, tổ chức, cá nhân vay vốn để đầu tư xây dựng. Đối với dự án thực hiện theo hình thức hợp đồng dự án, hợp đồng đối tác công tư, chủ đầu tư là doanh nghiệp dự án do nhà đầu tư thỏa thuận thành lập theo quy định pháp luật. Dự án không thuộc đối tượng trên do tổ chức, cá nhân sở hữu vốn làm chủ đầu tư.
Căn cứ điều kiện cụ thể của dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước, người quyết định đầu tư dự án giao cho Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng chuyên ngành, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực làm chủ đầu tư; trường hợp không có Ban quản lý dự án thì người quyết định đầu tư lựa chọn cơ quan, tổ chức có đủ điều kiện để làm chủ đầu tư. Chủ đầu tư chịu trách nhiệm trước pháp luật và người quyết định đầu tư trong phạm vi các quyền và nghĩa vụ của mình theo quy định này và quy định khác của pháp luật có liên quan (Điều 7).
(Còn nữa)
Nguồn: Bình Phước Online
- Từ khóa:
- Luật Xây dựng 2014