Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10 năm 2016 diễn ra ngày 29/10/2016 vừa qua, Chính phủ đánh giá tình hình kinh tế - xã hội tháng 10 và 10 tháng năm 2016 chuyển biến tích cực trên hầu hết các lĩnh vực. Nền kinh tế tiếp tục đà phục hồi và phát triển, một số ngành công nghiệp đạt mức tăng trưởng cao hơn so với cùng kỳ năm trước. Song bên cạnh đó, vẫn còn tồn tại không ít những khó khăn và thách thức.
Trước bối cảnh này, Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương khắc phục khó khăn, khai thác tối đa tiềm năng, phát huy thế mạnh của từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa bàn, trong đó tập trung một số nhiệm vụ trọng tâm như sau:
Cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh
Theo Nghị quyết 97/NQ-CP, Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương tiến hành rà soát cụ thể từng tiêu chí, chỉ số do Ngân hàng Thế giới và Diễn đàn kinh tế thế giới công bố xếp hạng năm 2016; phân tích, giải trình về các chỉ số bị xuống hạng và các chỉ số còn ở mức thấp; có kế hoạch, giải pháp cụ thể để cải thiện thứ hạng trong năm 2017. Mọi công tác phải báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ, đồng thời gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, xem xét để chuẩn bị cho Hội nghị toàn quốc về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh sắp tới.
Kiềm chế nợ xấu mới phát sinh, ổn định tỷ giá và thanh khoản
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ động, linh hoạt trong việc điều hành chính sách tiền tệ, tạo mọi điều kiện để người dân và doanh nghiệp tiếp cận tín dụng với lãi suất hợp lý. Đồng thời phải kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng; theo dõi sát diễn biến nợ xấu và có giải pháp kiềm chế nợ xấu mới phát sinh, bảo đảm ổn định tỷ giá và thanh khoản của hệ thống ngân hàng vào dịp cuối năm.
Khuyến khích đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương xây dựng, đề xuất cơ chế, chính sách ưu đãi, khuyến khích đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài từ các tập đoàn kinh tế đa quốc gia, các doanh nghiệp nhỏ và vừa có tiềm lực mạnh, công nghệ tiên tiến, tham gia chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp Việt Nam; nghiên cứu, quy hoạch các cụm kinh tế, thí điểm xây dựng mô hình đặc khu kinh tế tạo liên kết giữa các doanh nghiệp nước ngoài và doanh nghiệp Việt Nam cùng tham gia vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu. Hoàn thiện chính sách hỗ trợ và khuyến khích khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp
Không tăng giá điện, giá dịch vụ y tế hai tháng cuối năm 2016
Bên cạnh công tác quản lý thuế, tài sản công, tránh lạm phát Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính không tăng giá điện, giá dịch vụ y tế trong hai tháng còn lại của năm 2016, tăng cường công tác chống buôn lậu và gian lận thương mại dịp cuối năm.
Không để thiếu hàng, sốt giá trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán
Bộ Công Thương theo dõi sát diễn biến thị trường trong nước và thế giới; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu; chuyển dịch cơ cấu hàng hóa xuất khẩu; nâng cao tỷ trọng sản xuất hàng xuất khẩu từ nguyên liệu trong nước; đẩy mạnh sản xuất các mặt hàng có tiềm năng xuất khẩu lớn. Tích cực đàm phán với các nước nhập khẩu có liên quan để tháo gỡ các hàng rào kỹ thuật, đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường ASEAN.
Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia để người dân và doanh nghiệp nắm bắt kịp thời. Đặc biệt luôn đảm bảo đủ hàng hóa tiêu dùng thiết yếu, không để xảy ra thiếu hàng, sốt giá trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán.
Giảm phí BOT tối thiểu ở 19 trạm thu phí trong năm 2016
Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án, công trình giao thông trọng điểm và chuẩn bị các dự án mới; nghiên cứu, đề xuất cơ chế đặc thù về quản lý, thực hiện đầu tư các nút giao thông quan trọng trên địa bàn thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Tăng cường công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông và chuẩn bị phương án bảo đảm phương tiện vận tải phục vụ Nhân dân dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán. Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính chỉ đạo tiếp tục giảm phí BOT tối thiểu ở 19 trạm thu phí trong năm 2016.
Xử lý nghiêm tình trạng lạm dụng, trục lợi bảo hiểm y tế
Bộ Y tế cần chú trọng tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh, nhất là những dịch bệnh theo mùa, có khả năng lây lan cao. Bên cạnh việc thực hiện đúng lộ trình bảo hiểm y tế cần kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm tình trạng lạm dụng, trục lợi bảo hiểm y tế trong khám chữa bệnh. Công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cũng cần được chú trọng.
Chấm dứt tình trạng nợ, đọng thông tư
Bộ Tư pháp kiểm soát chặt chẽ việc đề xuất xây dựng các dự án luật, pháp lệnh mới, bảo đảm sự cần thiết, hiệu quả, đủ nguồn lực xây dựng và triển khai. Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền pháp luật và thi hành pháp luật. Rà soát, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc ban hành thông tư của các bộ, cơ quan ngang bộ, chấm dứt tình trạng nợ đọng.