Nhiệm vụ của các chức danh chuyên môn trong chăm sóc điều dưỡng

Chăm sóc điều dưỡng là gì? Nhiệm vụ của các chức danh chuyên môn trong chăm sóc điều dưỡng được quy định ra sao? - Thúy Lan (Tiền Giang)

Nhiệm vụ của các chức danh chuyên môn trong chăm sóc điều dưỡng

Nhiệm vụ của các chức danh chuyên môn trong chăm sóc điều dưỡng (Hình từ Internet)

1. Chăm sóc điều dưỡng là gì?

Theo khoản 1 Điều 2 Thông tư 31/2021/TT-BYT thì chăm sóc điều dưỡng là việc nhận định, can thiệp chăm sóc, theo dõi nhằm đáp ứng các nhu cầu cơ bản của mỗi người bệnh về:

- Hô hấp;

- Tuần hoàn;

- Dinh dưỡng;

- Bài tiết;

- Vận động và tư thế;

- Ngủ và nghỉ ngơi;

- Mặc và thay đồ vải;

- Thân nhiệt;

- Vệ sinh cá nhân;

- Môi trường an toàn;

- Giao tiếp;

- Tín ngưỡng;

- Hoạt động, giải trí;

- Kiến thức bảo vệ sức khỏe.

2. Nhiệm vụ của các chức danh chuyên môn trong chăm sóc điều dưỡng 

Nhiệm vụ của các chức danh chuyên môn trong chăm sóc điều dưỡng theo Điều 9 đến Điều 19 Thông tư 31/2021/TT-BYT như sau:

2.1. Tổ chức, nhiệm vụ của Hội đồng điều dưỡng

- Hội đồng điều dưỡng do giám đốc bệnh viện ra quyết định thành lập và quy định nhiệm vụ, quy chế hoạt động.

- Cơ cấu, thành phần của Hội đồng:

+ Chủ tịch Hội đồng là lãnh đạo bệnh viện;

+ Phó chủ tịch Hội đồng:

++ Phó chủ tịch Hội đồng là phó trưởng phòng điều dưỡng và điều dưỡng trong phòng điều dưỡng;

++ Phó chủ tịch Hội đồng thường trực là trưởng phòng điều dưỡng.

+ Thành viên Hội đồng là điều dưỡng trưởng khoa, hộ sinh trưởng khoa, kỹ thuật y trưởng khoa và đại diện lãnh đạo một số khoa lâm sàng, cận lâm sàng, phòng chức năng; bảo đảm trên 50% thành viên hội đồng là điều dưỡng, hộ sinh.

- Nhiệm vụ:

+ Tham mưu cho giám đốc bệnh viện về chiến lược, định hướng, kế hoạch phát triển hoạt động điều dưỡng, hộ sinh hộ lý trợ giúp chăm sóc hằng năm và định kỳ;

+ Tham mưu cho giám đốc bệnh viện trong việc sửa đổi, bổ sung, cập nhật các quy định, hướng dẫn, quy trình chuyên môn kỹ thuật, tài liệu chuyên môn cho điều dưỡng, hộ sinh, hộ lý trợ giúp chăm sóc phù hợp với sự phát triển chung của bệnh viện, của từng chuyên khoa.

2.2. Nhiệm vụ của phòng điều dưỡng

- Xây dựng, tổ chức thực hiện kế hoạch hoạt động, hướng dẫn, quy định, quy trình chuyên môn kỹ thuật và các văn bản liên quan đến hoạt động điều dưỡng:

+ Chủ trì xây dựng, tổ chức thực hiện kế hoạch hoạt động điều dưỡng, quy định, quy trình chuyên môn kỹ thuật, các văn bản liên quan đến hoạt động điều dưỡng của bệnh viện;

+ Xây dựng các mô hình chăm sóc tại điểm b khoản 3 Điều 6 Thông tư 31/2021/TT-BYT phù hợp với nguồn lực và cơ cấu tổ chức của bệnh viện.

- Quản lý điều hành chuyên môn:

+ Tổ chức thực hiện và kiểm tra, giám sát thực hiện các hoạt động điều dưỡng quy định;

+ Định kỳ sơ kết, tổng kết, báo cáo kết quả thực hiện các hoạt động điều dưỡng theo quy định.

- Quản lý nhân sự:

+ Phối hợp các khoa, phòng liên quan xây dựng kế hoạch tuyển dụng, đề xuất tuyển dụng, bố trí, điều động điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y, hộ lý trợ giúp chăm sóc của bệnh viện;

+ Xây dựng mô tả công việc cho các thành viên của phòng điều dưỡng, điều dưỡng trưởng khoa, hộ sinh trưởng khoa, kỹ thuật y trưởng khoa, điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y, hộ lý trợ giúp chăm sóc theo quy định tại Thông tư 31/2021/TT-BYTThông tư liên tịch 26/2015/TTLT-BYT-BNV;

+ Tham gia xây dựng tiêu chí đánh giá và chịu trách nhiệm đánh giá năng lực điều dưỡng định kỳ hằng năm và trước khi tuyển dụng;

+ Tham gia đề xuất bổ nhiệm và miễn nhiệm các vị trí điều dưỡng trưởng khoa, hộ sinh trưởng khoa và kỹ thuật y trưởng khoa;

+ Tham gia đề xuất khen thưởng, kỷ luật các cá nhân, tập thể điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y, hộ lý trợ giúp chăm sóc có thành tích hoặc vi phạm theo quy định.

- Đào tạo, nghiên cứu khoa học:

+ Nghiên cứu, khảo sát phát hiện các nội dung cần cải thiện trong quản lý và tổ chức thực hiện các hoạt động điều dưỡng trong bệnh viện;

+ Thường xuyên đánh giá, đề xuất và thử nghiệm các giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động điều dưỡng trong bệnh viện;

+ Tham gia xây dựng kế hoạch và thực hiện đào tạo nâng cao năng lực hoạt động điều dưỡng cho tuyến dưới;

+ Đề xuất việc tham gia học tập nâng cao trình độ chuyên môn, thi nâng hạng của điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y theo quy định;

+ Xây dựng kế hoạch, chương trình, tài liệu và thực hiện đào tạo mới, đào tạo liên tục; tổ chức khảo sát, đánh giá, phát hiện các điểm cần cải thiện trong đào tạo;

+ Tổ chức thực hiện các hoạt động nghiên cứu khoa học, cải tiến chất lượng chăm sóc, thực hành chăm sóc dựa vào bằng chứng nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc người bệnh.

- Tham gia đề xuất mua sắm trang thiết bị, phương tiện, vật tư, thuốc, hóa chất liên quan đến hoạt động điều dưỡng, giám sát chất lượng và kiểm tra việc sử dụng, bảo quản theo quy định.

- Thực hiện các nhiệm vụ khác khi được giám đốc bệnh viện phân công.

2.3. Nhiệm vụ của trưởng phòng điều dưỡng

- Thực hiện các nhiệm vụ chung của trưởng phòng.

- Tham mưu cho giám đốc bệnh viện về hoạt động điều dưỡng trong bệnh viện.

- Xây dựng, tổ chức thực hiện kế hoạch hoạt động của phòng điều dưỡng và định kỳ sơ kết, tổng kết, báo cáo theo quy định.

- Kiểm tra và yêu cầu các khoa, phòng, nhân viên y tế, học viên, người bệnh, người nhà người bệnh và khách thăm thực hiện đúng quy định về các hoạt động điều dưỡng trong bệnh viện.

- Tổ chức và chủ trì các cuộc họp điều dưỡng trưởng định kỳ và đột xuất.

- Phối hợp các khoa, phòng liên quan trình giám đốc điều động tạm thời điều dưỡng, hộ lý trợ giúp chăm sóc khi cần theo quy định của bệnh viện để kịp thời chăm sóc và phục vụ người bệnh.

- Tham gia hội đồng kiểm soát nhiễm khuẩn, các hội đồng khác theo quy định và sự phân công của giám đốc bệnh viện.

- Thực hiện các nhiệm vụ khác theo sự phân công của giám đốc bệnh viện.

2.4. Nhiệm vụ của điều dưỡng trong phòng điều dưỡng

- Thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn phù hợp theo sự phân công của trưởng phòng điều dưỡng.

- Tổ chức kiểm tra, giám sát thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn chăm sóc điều dưỡng quy định tại Thông tư 31/2021/TT-BYT tại các đơn vị được phân công.

- Tham gia quản lý nhân sự, đào tạo, nghiên cứu khoa học và cải tiến chất lượng chăm sóc điều dưỡng theo sự phân công.

- Tham gia xây dựng, tổ chức thực hiện kế hoạch hoạt động, hướng dẫn, quy định, quy trình chuyên môn kỹ thuật và các văn bản liên quan đến hoạt động điều dưỡng của bệnh viện.

- Tham gia các hội đồng, mạng lưới hoạt động trong bệnh viện theo sự phân công.

- Định kỳ sơ kết, tổng kết, báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ được phân công theo quy định.

2.5. Nhiệm vụ của điều dưỡng trưởng khoa

- Chịu trách nhiệm trước trưởng khoa và trưởng phòng điều dưỡng về các hoạt động điều dưỡng tại khoa.

- Lập kế hoạch và tổ chức thực hiện kế hoạch hoạt động điều dưỡng tại khoa.

- Xây dựng bản mô tả vị trí việc làm và phân công nhiệm vụ của điều dưỡng, hộ lý trợ giúp chăm sóc và các vị trí khác theo chỉ đạo của trưởng khoa.

- Quản lý người bệnh: số lượng, tình trạng, diễn biến, các chỉ định điều trị, chăm sóc để kịp thời phân công và điều phối nhân lực thực hiện chăm sóc điều dưỡng.

- Tham gia đi buồng hằng ngày với lãnh đạo khoa.

- Tổ chức, chủ trì các cuộc họp điều dưỡng định kỳ, đột xuất và cuộc họp người bệnh, người nhà người bệnh khi cần thiết.

- Quản lý, đào tạo và phát triển nhân lực điều dưỡng trong khoa.

- Đề xuất nhu cầu tuyển dụng, thuyên chuyển, đào tạo điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y, hộ lý trợ giúp chăm sóc của khoa.

- Tham gia nghiên cứu khoa học, cải tiến chất lượng và chỉ đạo tuyến theo sự phân công.

- Tham gia trực và trực tiếp chăm sóc người bệnh khi cần.

- Tham gia đề xuất cung cấp, sửa chữa, bảo dưỡng cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, phương tiện, thuốc, vật tư, hóa chất phục vụ chăm sóc người bệnh và giám sát sử dụng tại khoa. Giám sát việc sử dụng và bảo quản theo quy định.

- Giám sát, kiểm tra, đánh giá việc thực hiện kế hoạch công tác điều dưỡng tại khoa và cải tiến chất lượng chăm sóc điều dưỡng.

- Định kỳ sơ kết, tổng kết, báo cáo hoạt động điều dưỡng trong khoa.

- Nhận xét, đề xuất khen thưởng, kỷ luật, tăng lương và học tập đối với điều dưỡng, hộ lý trợ giúp chăm sóc trong khoa.

- Thực hiện các nhiệm vụ khác khi được trưởng khoa và trưởng phòng điều dưỡng phân công.

2.6. Nhiệm vụ của điều dưỡng khoa lâm sàng

- Thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn phù hợp theo sự phân công của trưởng khoa và điều dưỡng trưởng khoa theo quy định tại Thông tư 31/2021/TT-BYTThông tư liên tịch 26/2015/TTLT-BYT-BNV.

- Tuân thủ đúng các quy định, quy trình chuyên môn kỹ thuật, tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp và pháp luật liên quan trong chăm sóc điều dưỡng.

- Thực hiện hoặc ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học và thực hành dựa vào bằng chứng để cải tiến chất lượng chăm sóc.

- Thực hiện đào tạo và kiểm tra, giám sát điều dưỡng mới, học viên và hộ lý trợ giúp chăm sóc khi được phân công.

- Học tập liên tục để cập nhật kiến thức, kỹ năng và ứng dụng kiến thức đã học để nâng cao chất lượng can thiệp chăm sóc điều dưỡng.

- Tham gia xây dựng kế hoạch công tác điều dưỡng tại khoa, các hướng dẫn, quy định, quy trình chuyên môn kỹ thuật và các văn bản, tài liệu liên quan của điều dưỡng theo sự phân công.

2.7. Nhiệm vụ của trưởng khoa lâm sàng

- Chịu trách nhiệm trước giám đốc bệnh viện về các hoạt động điều dưỡng tại khoa.

- Phối hợp với phòng điều dưỡng tổ chức thực hiện các hoạt động điều dưỡng tại khoa.

2.8. Nhiệm vụ của trưởng các khoa khác

- Trưởng khoa dược: tổ chức cung ứng thuốc đầy đủ, kịp thời, chất lượng thuốc thực hiện cho người bệnh theo chỉ định tại khoa lâm sàng, khoa khám bệnh; tư vấn, hỗ trợ, kiểm tra, giám sát điều dưỡng thực hiện việc quản lý và sử dụng thuốc cho người bệnh tại các khoa, phòng.

- Trưởng khoa kiểm soát nhiễm khuẩn: tổ chức và giám sát thực hiện các quy định về kiểm soát nhiễm khuẩn liên quan đến hoạt động chăm sóc người bệnh trong bệnh viện; cung cấp dụng cụ, đồ vải, vật tư đúng quy định cho hoạt động chăm sóc người bệnh và thu gom dụng cụ, đồ vải đã qua sử dụng tại khoa lâm sàng.

- Trưởng khoa dinh dưỡng: tổ chức tiếp nhận đề xuất và cung cấp chế độ dinh dưỡng phù hợp với từng người bệnh; hỗ trợ, theo dõi, giám sát việc thực hiện chế độ dinh dưỡng cho người bệnh tại các khoa lâm sàng; 

Cải tiến chất lượng chế độ dinh dưỡng của người bệnh phù hợp trên cơ sở đánh giá, đề xuất của người bệnh.

2.9. Nhiệm vụ của các trưởng phòng chức năng

- Trưởng phòng tổ chức cán bộ có nhiệm vụ xây dựng kế hoạch tuyển dụng điều dưỡng và hộ lý trợ giúp chăm sóc trên cơ sở tham khảo đề xuất của phòng điều dưỡng; phối hợp với phòng điều dưỡng điều động điều dưỡng và hộ lý trợ giúp chăm sóc giữa các khoa để bảo đảm yêu cầu chăm sóc người bệnh.

- Trưởng phòng quản lý chất lượng có nhiệm vụ phối hợp với phòng điều dưỡng xây dựng tiêu chí, thực hiện đánh giá và cải tiến chất lượng chăm sóc điều dưỡng dựa trên kết quả đánh giá.

- Trưởng phòng kế hoạch tổng hợp có nhiệm vụ phối hợp với phòng điều dưỡng xây dựng các quy định, quy trình chuyên môn liên quan hoạt động chăm sóc điều dưỡng; phối hợp kiểm tra, giám sát chất lượng chăm sóc điều dưỡng.

- Trưởng phòng vật tư - thiết bị y tế có nhiệm vụ bảo đảm cung cấp, sửa chữa kịp thời phương tiện, thiết bị, vật tư tiêu hao phục vụ chăm sóc trên cơ sở tham khảo đề xuất của phòng điều dưỡng và các đơn vị liên quan.

- Trưởng phòng hành chính - quản trị có nhiệm vụ sửa chữa kịp thời cơ sở hạ tầng, phương tiện phục vụ chăm sóc điều dưỡng.

- Trưởng phòng công tác xã hội có nhiệm vụ hỗ trợ công tác tiếp đón; hướng dẫn, hỗ trợ người bệnh khám bệnh, xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, vào viện, chuyển khoa, chuyển viện và ra viện; phối hợp với khoa lâm sàng phát hiện sớm và hỗ trợ người bệnh có hoàn cảnh khó khăn.

- Trưởng phòng tài chính kế toán có nhiệm vụ hỗ trợ thực hiện các thủ tục thanh quyết toán vào viện, ra viện cho người bệnh.

- Trưởng phòng công nghệ thông tin có nhiệm vụ thiết kế, hỗ trợ việc xây dựng và ứng dụng phần mềm trong các hoạt động điều dưỡng; quản lý người bệnh; bệnh án điện tử và sử dụng thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế và các hoạt động liên quan đến chăm sóc khác.

2.10. Nhiệm vụ của bác sĩ điều trị

- Phối hợp chặt chẽ với điều dưỡng của khoa trong việc khám, nhận định, phân cấp chăm sóc cho từng người bệnh.

- Phối hợp với điều dưỡng trong thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn chăm sóc và các hoạt động điều dưỡng theo quy định.

- Kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chỉ định điều trị của điều dưỡng.

2.11. Nhiệm vụ của giáo viên, học sinh, sinh viên thực tập

- Thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ chăm sóc điều dưỡng được quy định tại Thông tư 31/2021/TT-BYT và các nội quy, quy định của bệnh viện, của khoa nơi đến thực tập.

- Học sinh, sinh viên điều dưỡng chỉ được thực hiện các thủ thuật, kỹ thuật chuyên môn điều dưỡng trên người bệnh khi được sự cho phép, dưới sự giám sát của giáo viên hoặc điều dưỡng được giao trách nhiệm phụ trách và được sự đồng ý của người bệnh.

Quốc Đạt

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@lawnet.vn
1968 lượt xem
Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;