Theo dự định, Luật chuyển đổi giới tính sẽ được khởi động vào 1-2 năm nữa, theo đó người chuyển giới muốn được công nhận giới tính phải từ 18 tuổi trở lên, độc thân và có chứng nhận chuyển giới của bệnh viện.
Bộ luật Dân sự 2015 cho phép cá nhân được chuyển đổi giới tính: “Việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật. Cá nhân đã chuyển đổi giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch; có quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã được chuyển đổi …”. Đây là một trong những quyền nhân thân mới của cá nhân mà trước đây chưa được quy định và cho phép. Có thể thấy rằng quy định tiến bộ này góp phần tạo điều kiện và môi trường lành mạnh cho số ít cá nhân được sống thật, sống đúng với giới tính của mình, tạo hành lang pháp lý chống phân biệt đối xử về giới tính giữa con người với con người.
Song Bộ luật dân sự 2015 cho phép chuyển đổi giới tính nhưng Luật hôn nhân và gia đình 2014 lại không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính, như vậy rõ ràng các quy định pháp luật ở đây còn bất cập, mâu thuẫn với nhau. Trước đây, tại Quyết định 243/QĐ-TTg ngày 05/02/2016 Thủ tướng Chính phủ đã có yêu cầu Bộ Y tế nghiên cứu và xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về chuyển đổi giới tính. Nhưng cho tới thời điểm hiện nay chưa có một quy định cụ thể nào hướng dẫn chi tiết việc chuyển đổi giới tính của cá nhân hay nói một cách khác là quy định về quyền, nghĩa vụ của người chuyển giới trong các quan hệ dân sự, quan hệ xã hội để đảm bảo họ không bị kỳ thị, phân biệt đối xử về địa vị pháp lý, địa vị xã hội.
Mới đây, tại Hội thảo tham vấn ý kiến cộng đồng về dự thảo báo cáo đánh giá tác động chính sách của Dự án Luật chuyển đổi giới tính do Bộ Y tế tổ chức, vấn đề độ tuổi được chuyển đổi giới tính nhận được nhiều sự quan tâm.
Theo ý kiến của TS Nguyễn Huy Quang - Vụ trưởng Pháp chế (Bộ Y tế): Độ tuổi là một yếu tố quan trọng vì ở độ tuổi từ 18 trở lên, cá nhân đã có đủ năng lực hành vi dân sự, có thể tự mình xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự trong mọi giao dịch, quan hệ dân sự mà không cần ai đứng ra bảo lãnh hay cho phép. Giả sử bản thân có nhu cầu, mong muốn được thay đổi giới tính thì không cần phải thông qua ý kiến của bố mẹ, gia đình.
Ngoài ra, việc chuyển đổi giới tính cũng cần phải có chứng nhận y tế của bệnh viện. Khi đưa Luật chuyển đổi giới tính vào áp dụng và thực hiện, các cá nhân sẽ phải đến cơ sở khám chữa bệnh được cấp quyền, trình giấy chứng nhận về y học đã chuyển đổi giới tính để xem xét và khám sơ bộ. Nếu được cấp giấy chứng nhận chuyển đổi giới tính, lúc đó, cá nhân sẽ ra cơ quan hộ tịch để thay đổi họ tên, giới tính, làm lại giấy khai sinh.
TS Nguyễn Huy Quang cho rằng nên công nhận chuyển giới với trường hợp đã sử dụng hormone hoặc đã can thiệp ngoại khoa như phẫu thuật ngực hoặc cơ quan sinh dục. Đối với các trường hợp không có can thiệp y tế thì không công nhận. Nhằm đề phòng trường hợp tâm lý chưa thực sự chuẩn bị hoặc có người muốn chuyển giới để trốn tránh nghĩa vụ về pháp luật, trốn tránh trách nhiệm về pháp lý, hay chỉ là học đòi, bắt chước người khác.
Nguồn: Báo Công lý