Ngày 4/4/2017, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ban hành Nghị định 36/2017/NĐ-CP quy định chức năng nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ TN&MT. Nghị định có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành và thay thế Nghị định 21/2013/NĐ-CP ngày 04/03/2013 của Chính phủ. So với Nghị định 21/2013/NĐ-CP, Nghị định lần này có nhiều điểm mới quan trọng, vừa đảm bảo bao quát hết các chức năng, nhiệm vụ được giao, phân định rõ hơn nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ TN&MT với Bộ ngành khác, vừa góp phần nâng cao hiệu lực hiệu quả quản lý nhà nước về TN&MT.
Theo Nghị định, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về các lĩnh vực: Đất đai; tài nguyên nước; tài nguyên khoáng sản, địa chất; môi trường; khí tượng thủy văn; biến đổi khí hậu; đo đạc và bản đồ; quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo; viễn thám; quản lý nhà nước các dịch vụ công trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Bộ. Nghị định đã bổ sung thêm chức năng quản lý nhà nước về viễn thám và chỉnh lý cụm từ “tài nguyên và bảo vệ môi trường” đối với chức năng quản lý nhà nước về biển và hải đảo để phù hợp với Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo. Ngoài các nội dung được kế thừa của Nghị định 21/2013/NĐ-CP, Nghị định mới đã bãi bỏ một số nội dung không còn phù hợp; cập nhật, bổ sung một số nhiệm vụ để bảo đảm phù hợp với các văn bản pháp luật mới được ban hành.
Một số điểm mới trong Nghị định 36/2017/NĐ-CP
Về nhiệm vụ, quyền hạn, đối với nhóm nhiệm vụ, quyền hạn chung, Nghị định bổ sung nội dung “Trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo quyết định, chỉ thị và các văn bản khác thuộc thẩm quyền ban hành của Thủ tướng Chính phủ” để phù hợp với quy định tại Nghị định 123/2016/NĐ-CP.
Về tài nguyên nước: bổ sung các nhiệm vụ về quy hoạch khai thác, sử dụng nước; bảo vệ chất lượng nguồn nước; quan trắc, giám sát tài nguyên nước; điều phối hoạt động khai thác, sử dụng nước trên các lưu vực sông.
Về địa chất và khoáng sản: chỉnh sửa, bổ sung nhiệm vụ kiểm tra, giám sát việc khai thác khoáng sản.
Về môi trường: tách nhiệm vụ quản lý nhà nước về đa dạng sinh học thành một khoản riêng, chỉnh sửa, bổ sung một số nhiệm vụ để bảo đảm phù hợp với Luật bảo vệ môi trường năm 2014 và nhằm phân định rõ hơn với các Bộ, ngành khác về ứng phó với sự cố môi trường, quản lý chất thải, khắc phục ô nhiễm, quan trắc môi trường; kinh phí sự nghiệp môi trường.
Về bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học: nhằm nâng cao vai trò của công tác bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học trong bối cảnh thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, đồng thời để tương xứng với yêu cầu, nhiệm vụ được quy định trong Luật đa dạng sinh học, lĩnh vực bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học được tách ra thành một lĩnh vực riêng và bổ sung một số nhiệm vụ về quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học, quản lý hành lang đa dạng sinh học, khu bảo tồn thiên nhiên, bảo tồn các loài động vật hoang dã, thực vật hoang dã nguy cấp.
Về khí tượng thủy văn: chỉnh sửa, bổ sung một số nhiệm vụ nhằm hoàn thiện công tác quản lý nhà nước về khí tượng thủy văn về quan trắc, điều tra, khảo sát khí tượng thuỷ văn; các hoạt động dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn, động đất, sóng thần; lưu trữ, khai thác, sử dụng thông tin dữ liệu khí tượng thuỷ văn và giám sát biến đổi khí hậu.
Về đo đạc và bản đồ: bổ sung cụm từ “thông tin địa lý” vào tên nhóm nhiệm vụ này để bảo đảm phù hợp với nội dung, yêu cầu thực tiễn quản lý và hội nhập quốc tế; đồng thời, điều chỉnh, bổ sung, biên tập lại một số nhiệm vụ cụ thể để bảo đảm phù hợp với các quy định mới về cơ sở dữ liệu địa danh, địa giới hành chính, quản lý công trình hạ tầng về đo đạc và bản đồ.
Về quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo: thi hành Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, các nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Tài nguyên và Môi trường về lĩnh vực quản lý tổng hợp về biển và hải đảo được chỉnh sửa, bổ sung quy định một cách bao quát, tập trung vào công tác xây dựng cơ chế, chính sách; điều tra cơ bản tài nguyên biển, nghiên cứu khoa học biển và đại dương; quy hoạch phân vùng lãnh thổ biển và hải đảo làm cơ sở cho việc quản lý khai thác, sử dụng tài nguyên, đầu tư phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ chủ quyền quốc gia; các vấn đề về quản lý, khai thác biển và hải đảo liên ngành, liên tỉnh.
Về biến đổi khí hậu: chỉnh sửa, cập nhật, bổ sung một số nhiệm vụ để bảo đảm phù hợp với bối cảnh nước ta đã và đang tham gia tích cực và có trách nhiệm tại các diễn đàn lớn trên thế giới và khu vực về biến đổi khí hậu.
Về viễn thám: quy định cụ thể và chi tiết hơn, đáp ứng yêu cầu phát triển ngày càng mạnh cả về phạm vi, đối tượng quản lý của lĩnh vực viễn thám.
Về cơ cấu tổ chức của Bộ TN&MT
Cơ bản vẫn được giữ nguyên, gồm 23 đơn vị. 18 tổ chức được giữ nguyên theo Nghị định 21/2013/NĐ-CP, trong đó một số đơn vị được hợp nhất tổ chức để thu gọn đầu mối và bảo đảm thống nhất mô hình hoạt động giữa các đơn vị, gồm: Vụ Hợp tác quốc tế, Vụ Khoa học và Công nghệ, Vụ Pháp chế, Vụ Thi đua, Khen thưởng và Tuyên truyền, Vụ Tổ chức cán bộ, Thanh tra Bộ, Văn phòng Bộ, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, Tổng cục Môi trường, Tổng cục Quản lý đất đai, Cục Quản lý tài nguyên nước, Cục Viễn thám quốc gia, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường, Báo Tài nguyên và Môi trường, Tạp chí Tài nguyên và Môi trường, Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia.
Một số tổ chức được điều chỉnh tên gọi gồm: Đổi tên Cục Đo đạc và Bản đồ Việt Nam thành Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam; đổi tên Cục Công nghệ thông tin thành Cục Công nghệ thông tin và Dữ liệu tài nguyên, môi trường.
Các tổ chức được sáp nhập, kiện toàn, tổ chức lại và bổ sung vào cơ cấu tổ chức của Bộ gồm:
- Sáp nhập Vụ Kế hoạch và Vụ Tài chính thành Vụ Kế hoạch - Tài chính để thực hiện chức năng tham mưu giúp Bộ trưởng quản lý về kế hoạch, tài chính trong phạm vi quản lý nhà nước của Bộ, bảo đảm tinh gọn bộ máy theo quy định tại Nghị quyết 39-NQ/TW.
- Tổ chức lại, chuyển đổi mô hình hoạt động của Trung tâm Khí tượng Thủy văn quốc gia và tiếp nhận bộ phận quản lý nhà nước về khí tượng thủy văn tại Cục Khí tượng thủy văn và BĐKH để thành lập Tổng cục Khí tượng Thủy văn.
- Tổ chức lại và đổi tên Cục Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu thành Cục Biến đổi khí hậu sau khi chuyển bộ phận quản lý nhà nước khí tượng thủy văn về Tổng cục Khí tượng Thủy văn. Việc kiện toàn, xây dựng được tổ chức bộ máy đủ mạnh, chuyên sâu là cần thiết để có thể thực hiện các nhiệm vụ tham mưu, điều phối, triển khai hiệu quả chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về biến đổi khí hậu từ Trung ương đến địa phương, thể chế hóa các chủ trương, quan điểm, chính sách thành những văn bản quy phạm pháp luật cụ thể, đồng thời tham gia vào các hoạt động song phương, đa phương, nâng cao vị thế quốc gia trong lĩnh vực ứng phó với biến đổi khí hậu.
- Sáp nhập và tổ chức lại bộ phận thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức tại Trường Đại học TN&MT Hà Nội, Tổng cục Môi trường, Tổng cục Quản lý đất đai, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, Trung tâm Khí tượng Thủy văn quốc gia, Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu thành Trường Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ TN&MT trực thuộc Bộ. Việc hợp nhất, tổ chức lại các đơn vị đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức thuộc Bộ TN&MT thành một đơn vị trực thuộc Bộ là cần thiết để nâng cao chất lượng, hiệu quả về đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức ngành TN&MT, vừa làm giảm đầu mối tổ chức, không làm tăng biên chế, đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính và phù hợp với Quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ TN&MT đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 2283/QĐ-TTg ngày 25 tháng 9 năm 2016.
Nguồn: Bộ Tài nguyên và Môi trường