Một số nội dung cơ bản của Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật

Ngày 25/11/2013, tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật ( gọi tắt là Luật BV & KDTV) thay thế Pháp lệnh BV & KDTV số 36/2001/PL-UBTVQH10 ngày 08/8/2001. Luật được Chủ tịch nước ký Lệnh công bố ngày 29/11/2013 và bắt đầu có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2015.

Luật bảo vệ và kiểm dịch thực vật 2013 gồm có 5 Chương, 77 điều với một số nội dung cơ bản sau: 

1. Phạm vi điều chỉnh: Luật này quy định về hoạt động phòng, chống sinh vật gây hại thực vật; kiểm dịch thực vật; quản lý thuốc bảo vệ thực vật.

2. Đối tượng điều chỉnh: Do hoạt động BV & KDTV có thể liên quan đến hợp tác quốc tế, vì vậy, luật quy định áp dụng đối với tổ chức, cá nhân trong nước và tổ chức, cá nhân nước ngoài có liên quan đến hoạt động BV & KDTV tại Việt Nam.

3. Chính sách của Nhà nước về hoạt động BV & KDTV: Đầu tư phát triển nguồn nhân lực; xây dựng, nâng cấp cơ sở vật chất - kỹ thuật cho cơ quan BV & KDTV; xây dựng và phát triển hệ thống thông tin, dự báo và cảnh báo sinh vật gây hại; nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ hiện đại để tạo ra thuốc bảo vệ thực vật sinh học, thuốc bảo vệ thực vật ít độc hại, giống cây trồng chống chịu sinh vật gây hại và các biện pháp quản lý sinh vật gây hại theo hướng bền vững. Hỗ trợ xây dựng các vùng không nhiễm sinh vật gây hại; xây dựng và phát triển các loại hình tổ chức dịch vụ bảo vệ thực vật gắn với dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp theo hướng chuyên nghiệp phục vụ sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn; chống dịch, ổn định đời sống và khôi phục sản xuất sau khi dịch hại xảy ra trên diện rộng, gây thiệt hại lớn. Khuyến khích xây dựng khu công nghiệp sản xuất thuốc bảo vệ thực vật, hệ thống thu gom, xử lý thuốc bảo vệ thực vật và bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng; sản xuất, sử dụng bao gói thuốc bảo vệ thực vật từ vật liệu dễ tái chế; tập huấn, phổ biến sử dụng thuốc an toàn, hiệu quả cho người sử dụng thuốc. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế, bảo đảm nguồn lực để thực hiện các cam kết quốc tế trong lĩnh vực BV & KDTV; khuyến khích công nhận và thừa nhận lẫn nhau trong hoạt động BV & KDTV.

4. Về phòng, chống sinh vật gây hại thực vật: Điều 14 đã quy định cụ thể các yêu cầu của phòng chống sinh vật gây hại bao gồm: chủ động thực hiện các biện pháp quản lý tổng hợp sinh vật gây hại bao gồm sử dụng giống cây trồng chống chịu sinh vật gây hại, vệ sinh đồng ruộng, bố trí thời vụ, sử dụng phân bón, mật độ hợp lý và các biện pháp khác thân thiện với môi trường nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho cây trồng sinh trưởng, phát triển, tăng sức đề kháng, hạn chế sự phát sinh, phát triển của sinh vật gây hại, bảo vệ và phát triển sinh vật có ích. Thường xuyên theo dõi, phát hiện sớm, áp dụng các biện pháp phòng ngừa kịp thời, hiệu quả, không để sinh vật gây hại lây lan; coi trọng biện pháp canh tác, biện pháp sinh học, vật lý, cơ giới và kinh nghiệm truyền thống của nhân dân. Chủ động thực hành nông nghiệp tốt trong phòng, chống sinh vật gây hại thực vật. Chỉ sử dụng biện pháp hóa học khi đã áp dụng các biện pháp quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này nhưng mật độ sinh vật gây hại vẫn gia tăng có nguy cơ gây thiệt hại đến năng suất, chất lượng cây trồng. Biện pháp phòng, chống sinh vật gây hại thực vật phải được phổ biến, tuyên truyền, tập huấn sâu rộng trong nhân dân, bảo đảm an toàn đối với người, thực vật, động vật và môi trường.

5. Về kiểm dịch thực vật: Kiểm dịch thực vật được thực hiện đối với vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật nhập khẩu, xuất khẩu, quá cảnh và kiểm dịch thực vật nội địa theo quy định tại Luật này, trừ trường hợp được miễn trừ kiểm dịch thực vật theo quy định của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Trong từng thời kỳ, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành các danh mục sau đây: Danh mục vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật; Danh mục vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật phải phân tích nguy cơ dịch hại trước khi nhập khẩu vào Việt Nam; Danh mục đối tượng kiểm dịch thực vật; Danh mục đối tượng phải kiểm soát.

6. Về quản lý thuốc bảo vệ thực vật: Thuốc bảo vệ thực vật là loại hàng hóa kinh doanh có điều kiện và phải được quản lý theo danh mục. Hàng năm, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam và Danh mục thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng tại Việt Nam. Tổ chức, cá nhân được nhập khẩu, sản xuất, buôn bán, sử dụng thuốc có trong Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam. Tổ chức, cá nhân nhập khẩu thuốc bảo vệ thực vật trong trường hợp phải có giấy phép nhập khẩu quy định tại khoản 2 Điều 67 thì chỉ được sử dụng đúng mục đích ghi trong giấy phép.

Ngoài ra, Luật bảo vệ và kiểm dịch thực vật 2013 còn quy định cụ thể các điều kiện hoạt động dịch vụ bảo vệ thực vật, hành nghề xử lý vật thể kiểm dịch thực vật, khảo nghiệm, sản xuất, buôn bán thuốc bảo vệ thực vật để các tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện đều có thể tham gia các hoạt động này.

Nguồn: sotuphapqnam.gov.vn

 

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@lawnet.vn
775 lượt xem
Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;