Một số nội dung chủ yếu và điểm mới của Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015

Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, lần đầu tiên được Quốc hội khóa X ban hành vào ngày 26/6/1999, vào giai đoạn đầu của thời kỳ đổi mới đất nước; đến nay đã hơn 15 năm. Từ đó đến nay, nhận thức về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước trong thời kỳ hội nhập quốc tế đã có nhiều thay đổi. Để phù hợp và thống nhất với Hiến pháp năm 2013, quy định rõ hơn về trách nhiệm, quyền hạn, nhiệm vụ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Luật hóa vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, cơ chế và điều kiện đảm bảo để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hoạt động; khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 1999. Ngày 09/6/2015, tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, đã thông qua Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam mang số: 75/2015/QH13, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2016.

Về cấu trúc của Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015 gồm: 08 chương- 41 điều (nhiều hơn Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 1999, 4 chương - 23 điều). Để công tác Mặt trận đạt kết quả tốt, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay, đòi hỏi Ủy ban MTTQ các cấp cần quán triệt, thực hiện tốt các nội dung chủ yếu và những điểm mới của Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015, cụ thể như sau:

1. Về tổ chức

Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam 2015, dành riêng một điều quy định về tổ chức của MTTQ Việt Nam từ Trung ương đến địa phương (Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 1999 chưa quy định rõ và thống nhất mà chỉ quy định trong Điều lệ, tính pháp lý chưa cao);

- Ở Trung ương có Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam;

- Ở cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã có Ủy ban MTTQ Việt Nam cùng cấp.

- Ở mỗi cấp có Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam

2. Quan hệ giữa MTTQ Việt Nam với Nhà nước, Nhân dân và các tổ chức

Bên cạnh việc hoàn thiện quy định về quan hệ giữa MTTQ Việt Nam với Nhà nước, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015, còn quy định rõ quan hệ giữa Mặt trận với Nhân dân và các tổ  chức tại Điều 8 và Điều 9.

- MTTQ Việt Nam đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; mở rộng và đa dạng hóa các hình thức tập hợp đoàn kết Nhân dân.

 - Nhân dân tham gia tổ chức và hoạt động của MTTQ Việt Nam; giám sát hoạt động của MTTQ Việt Nam, để bảo đảm MTTQ Việt Nam thực hiện đầy đủ quyền và trách nhiệm theo quy định của pháp luật.

 - Quan hệ giữa MTTQ Việt Nam với tổ chức kinh tế, sự nghiệp là quan hệ tự nguyện, nhằm mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

3. Tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc

MTTQ Việt Nam tập hợp, đoàn kết mọi người Việt Nam ở trong nước và ở nước ngoài, không phân biệt thành phần giai cấp, tầng lớp xã hội, dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo, quá khứ thông qua các phương thức:

- Tuyên truyền, vận động Nhân dân;

- Đoàn kết, hợp tác với các tổ chức hợp pháp của Nhân dân;

- Phát huy tính tích cực của cá nhân tiêu biểu trong các giai cấp, tầng lớp xã hội, dân tộc, tôn giáo;

- Kết nạp, phát triển thành viên của MTTQ Việt Nam;

- Tuyên truyền, vận động người Việt Nam định cư ở nước ngoài đoàn kết cộng đồng, giúp đỡ nhau trong cuộc sống, tôn trọng pháp luật nước sở tại; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa, truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

Xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân thông qua việc, phối hợp giữa MTTQ Việt Nam với cơ quan Nhà nước và việc phối hợp, thống nhất hành động giữa các thành viên của MTTQ Việt Nam

4. MTTQ Việt Nam đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân, thông qua các hình thức

- Phản ánh ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân tại các kỳ họp Quốc hội, kỳ họp HĐND các cấp;

- Phối hợp tổ chức tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp;

- Tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện quyền làm chủ, thực hiện chính sách, pháp luật;

 - Tiếp công dân, tham gia công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, đặc xá, cử bào chữa viên Nhân dân.

 5. Quy định mới trong việc MTTQViệt Nam tham gia xây dựng Nhà nước

Theo quy định tại Điều 23 Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam 2015, MTTQ Việt Nam tham gia phòng, chống tham nhũng, lãng phí với các nội dung sau:

- Tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí;

- Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền áp dụng biện pháp phòng ngừa tham nhũng, lãng phí; xác minh vụ việc tham nhũng, lãng phí; xử lý người có hành vi tham nhũng, lãng phí;

- Kiến nghị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền bảo vệ, khen thưởng đối với người có công phát hiện, tố cáo hành vi tham nhũng, lãng phí.

6. Hoạt động giám sát

MTTQ Việt Nam giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật có liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân, quyền và trách nhiệm của MTTQ Việt Nam Tăng thêm các hình thức giám sát sau:

- Nghiên cứu, xem xét văn bản của cơ quan có thẩm quyền liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân;

- Tổ chức đoàn giám sát;

- Thông qua hoạt động của Ban thanh tra nhân dân được thành lập ở cấp xã, Ban giám sát đầu tư của cộng đồng.

7. Hoạt động phản biện xã hội

Phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam là việc nhận xét, đánh giá, nêu chính kiến, kiến nghị đối với dự thảo văn bản pháp luật, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án, đề án của cơ quan Nhà nước.

Việc phản biện này sẽ thực hiện thông qua 3 phương pháp: 

- Tổ chức hội nghị phản biện xã hội.

- Gửi dự thảo văn bản được phản biện đến các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để lấy ý kiến phản biện xã hội.

- Tổ chức đối thoại trực tiếp giữa MTTQ Việt Nam với cơ quan, tổ chức có dự thảo văn bản được phản biện xã hội.

Trên đây là một số điểm mới của Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015 so với Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 1999, chúng tôi nghiên cứu và biên tập, để cán bộ MTTQ các cấp nắm vững và triển khai có hiệu quả ở cơ sở.

Nguồn: mattrantoquoc.vinhphuc.gov.vn

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@lawnet.vn
1231 lượt xem
Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;