Luật Khoa học và Công nghệ 2013 (được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 5 thông qua ngày 18/6/2013) sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2014. Nhiều vấn đề mới trong Luật thể hiện quan điểm đổi mới toàn diện cơ chế quản lý hoạt động khoa học và công nghệ theo tinh thần Nghị quyết số 20 – NQ/TW của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Khóa XI về phát triển Khoa học và Công nghệ phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Một số nội dung mới liên quan trực tiếp đến các hoạt động nghiên cứu phát triển công nghệ (R&D), chuyển giao, ứng dụng công nghệ đã được đề cập trong Luật, đó là:
1. Bồi dưỡng, trọng dụng nhân lực KH&CN
Luật Khoa học và Công nghệ 2013 đã đưa ra những quy định cụ thể trong việc đào tạo, bồi dưỡng và thu hút nhân lực KH&CN – nguồn lực trực tiếp để thực hiện các hoạt động nghiên cứu phát triển công nghệ.
Đối với người tham gia nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, tại Điều 64, Luật quy định được hưởng chính sách ưu đãi về thuế theo quy định của pháp luật về thuế đối với thu nhập từ việc thực hiện hợp đồng nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; thu nhập từ sản phẩm làm ra từ công nghệ mới lần đầu áp dụng tại Việt Nam, sản phẩm đang trong thời kỳ sản xuất thử nghiệm; được miễn trách nhiệm dân sự đối với các thiệt hại do rủi ro trong quá trình R&D gây ra (Điều 23).
Cũng tại Điều 23, đối với nhà khoa học đầu ngành, ngoài những ưu đãi của người được bổ nhiệm vào các chức danh khoa học, chức danh công nghệ, còn được: ưu tiên giao chủ trì thực hiện nhiệm vụ KH&CN quan trọng; thành lập nhóm nghiên cứu xuất sắc trong lĩnh vực chuyên môn của mình và được cấp hoặc hỗ trợ kinh phí cho hoạt động của nhóm này; được hỗ trợ kinh phí tham gia các hội nghị, hội thảo khoa học trong nước và quốc tế thuộc lĩnh vực chuyên môn.
Đối với nhà khoa học trẻ tài năng, ngoài những ưu đãi của người được bổ nhiệm vào các chức danh khoa học, còn được: ưu tiên xét cấp học bổng để nâng cao trình độ ở trong nước, ngoài nuớc; thành lập nhóm nghiên cứu xuất sắc trong lĩnh vực chuyên môn của mình và được cấp hoặc hỗ trợ kinh phí cho hoạt động của nhóm này; được hỗ trợ kinh phí tham gia các hội nghị, hội thảo trong nước và quốc tế thuộc lĩnh vực chuyên môn.
2. Tài chính và đầu tư cho KH&CN
Thời gian qua, nhiều công trình nghiên cứu và ý kiến cho rằng vướng mắc về cơ chế tài chính và đầu tư cho KH&CN là vướng mắc lớn nhất hiện nay trong hoạt động KH&CN. Chính vì vậy Luật Khoa học và Công nghệ 2013 đã đưa ra những quy định theo hướng nâng cao hiệu quả phân bổ, quản lý và sử dụng nguồn kinh phí từ NSNN, huy động mạnh mẽ nguồn vốn xã hội và các nguồn vốn nước ngoài đầu tư cho phát triển KH&CN, làm nổi bật vị trí, vai trò của doanh nghiệp trong hoạt động KH&CN và đổi mới sáng tạo, quy định cụ thể hơn về những ưu đãi thuế và tín dụng cho hoạt động KH&CN.
3. Đối với kinh phí từ nguồn NSNN
Quán triệt tinh thần Nghị quyết số 20-NQ/TW, tại Điều 49, Luật quy định Nhà nước bảo đảm chi cho KH&CN từ 2% trở lên trong tổng chi NSNN hàng năm và tăng dần theo yêu cầu phát triển của sự nghiệp KH&CN. Đáng chú ý là việc sử dụng NSNN trong việc mua kết quả R&D, hỗ trợ nhập khẩu công nghệ nguồn, công nghệ cao, thiết kế, thuê chuyên gia trong nuớc và nước ngoài thuộc các lĩnh vực ưu tiên; áp dụng cơ chế khoán chi cho các hoạt động KH&CN sử dụng NSNN; cơ chế đầu tư đặc biệt để thực hiện các dự án KH&CN đặc biệt, quy mô lớn phục vụ quốc phòng, an ninh hoặc có tác động mạnh đến năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm quốc gia.
4. Doanh nghiệp đầu tư cho phát triển KH&CN và phát triển doanh nghiệp KH&CN
Để huy động mọi nguồn lực xã hội đầu tư cho phát triển KH&CN, đặc biệt là doanh nghiệp, Điều 56 Luật quy định: doanh nghiệp phải dành kinh phí đầu tư nhằm đổi mới, nâng cao trình độ công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm; kinh phí đầu tư phát triển KH&CN của doanh nghiệp được tính vào giá thành sản phẩm.
Đồng thời, Luật quy định các doanh nghiệp nhà nước phải thành lập Quỹ phát triển KH&CN. Doanh nghiệp ngoài nhà nước được khuyến khích trích thu nhập tính thuế để thành lập Quỹ phát triển KH&CN của mình (nhưng không quy định mức tối đa được trích) hoặc đóng góp vào Quỹ phát triển KH&CN của ngành, địa phương và được hưởng quyền lợi theo quy định của Quỹ. Doanh nghiệp được toàn quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong việc quản lý, sử dụng quỹ đúng mục đích thành lập.
Để khuyến khích phát triển loại hình doanh nghiệp KH&CN, Luật quy định doanh nghiệp KH&CN được hưởng ưu đãi: được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền xem xét, giao quyền sử dụng hoặc quyền sở hữu kết quả KH&CN thuộc sở hữu nhà nước; được miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp như doanh nghiệp thành lập mới từ dự án đầu tư thuộc lĩnh vực công nghệ cao kể từ khi có thu nhập chịu thuế theo quy định của Chính phủ; được miễn lệ phí trước bạ khi đăng ký quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà; được ưu tiên thuê đất, cơ sở hạ tầng trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, khu công nghệ cao; được hưởng các chính sách ưu đãi về tín dụng đầu tư của Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Quỹ Đổi mới công nghệ Quốc gia và các quỹ khác để thực hiện dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh; được ưu tiên sử dụng trang thiết bị phục vụ cho hoạt động R&D tại các Phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia, cơ sở ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp, cơ sở nghiên cứu KH&CN của Nhà nước.
Trong trường hợp doanh nghiệp ứng dụng kết quả R&D để đổi mới, nâng cao trình độ công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hoá còn được các quỹ của Nhà nước trong lĩnh vực KH&CN tài trợ, cho vay với lãi suất ưu đãi, hỗ trợ lãi suất vay, bảo lãnh để vay vốn.
5. Ứng dụng kết quả R&D và phổ biến kiến thức KH&CN
Để tạo điều kiện cho việc ứng dụng kết quả R&D, Luật quy định trách nhiệm triển khai ứng dụng kết quả R&D của bên đề xuất đặt hàng hoặc đặt hàng thực hiện nhiệm vụ KH&CN sử dụng NSNN. Trường hợp tổ chức, cá nhân chủ trì thực hiện nhiệm vụ KH&CN không thực hiện trách nhiệm ứng dụng kết quả R&D sẽ không được tham gia thực hiện nhiệm vụ KH&CN sử dụng NSNN trong thời hạn ba năm kể từ ngày bị xử lý vi phạm.
Đồng thời, Luật quy định về việc khuyến khích ứng dụng kết quả R&D vào sản xuất, đời sống là một trong những tiêu chí chủ yếu để đánh giá năng lực của tác giả, người đứng đầu tổ chức KH&CN, doanh nghiệp; là căn cứ để Nhà nước ưu tiên khi xét tuyển chọn, giao thực hiện nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách nhà nước; được các quỹ của Nhà nước trong lĩnh vực KH&CN xét hỗ trợ kinh phí hoạt động KH&CN. Tổ chức, cá nhân ứng dụng kết quả R&D và khai thác, sử dụng các sáng chế, đặc biệt công nghệ cao để đổi mới quản lý KT-XH, đổi mới công nghệ và nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hoá được hưởng ưu đãi về thuế, tín dụng và các ưu đãi khác. Bên cạnh đó, Luật cũng quy định các dự án đầu tư, chương trình phát triển KT-XH sử dụng NSNN phải lập hạng mục chi cho ứng dụng, nghiên cứu và phát triển phục vụ xây dựng luận cứ khoa học trong các giai đoạn chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư và giải quyết các vấn đề KH&CN phát sinh trong quá trình thực hiện; quy định mục đích chi NSNN nhằm đẩy mạnh ứng dụng KH&CN tại địa phương; quy định phổ biến kiến thức, truyền thông KH&CN.
6. Quyền sở hữu kết quả R&D và phân chia lợi ích kết quả R&D sử dụng NSNN
Để đảm bảo quyền lợi nhà khoa học, nhất là đối với các R&D sử dụng NSNN, Luật quy định về quyền sở hữu kết quả R&D, trong đó quy định đối với kết quả R&D thuộc sở hữu nhà nước được đại diện chủ sở hữu nhà nước xét giao toàn bộ hoặc một phần quyền sở hữu, quyền sử dụng cho tổ chức chủ trì thực hiện nhiệm vụ KH&CN hoặc tổ chức có khả năng thương mại hóa kết quả nghiên cứu KH&CN. Đồng thời, lợi nhuận thu được từ việc sử dụng, chuyển giao quyền sử dụng, chuyển nhượng, góp vốn bằng kết quả R&D sử dụng NSNN được chia cho tác giả tối thiểu 30%; phần còn lại được phân chia giữa chủ sở hữu, cơ quan chủ trì và người môi giới.
7. Hội nhập quốc tế về KH&CN
Nhằm tận dụng các nguồn lực quốc tế về KH&CN, bên cạnh các quy định về đa dạng hóa các hoạt động hội nhập quốc tế, Luật Khoa học và Công nghệ 2013 đưa ra một số quy định về các biện pháp thúc đẩy hội nhập quốc tế về KH&CN như: xây dựng một số tổ chức, nhóm nghiên cứu KH&CN đạt tiêu chuẩn khu vực, quốc tế; tăng cường hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về KH&CN, hệ thống phòng thí nghiệm trọng điểm đạt tiêu chuẩn khu vực, quốc tế; kết nối mạng thông tin tiên tiến, hiện đại của khu vực và quốc tế về nghiên cứu và đào tạo; hoàn thiện cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ để các tổ chức, cá nhân Việt Nam tham gia các hoạt động hội nhập quốc tế về KH&CN; xây dựng cơ chế, chính sách thu hút tổ chức, cá nhân nước ngoài tham gia phát triển KH&CN Việt Nam.
Nguồn: Cục Ứng dụng và phát triển công nghệ
- Từ khóa:
- Khoa học công nghệ