Một số điểm mới của Luật Quản lý nợ công (sửa đổi)

Luật Quản lý nợ công (sửa đổi) gồm 10 chương với 63 điều, quy định về quản lý nợ công bao gồm hoạt động vay, sử dụng vốn vay, trả nợ và nghiệp vụ quản lý nợ công; có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2018 và thay thế Luật Quản lý nợ công số 29/2009/QH12.

Tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV đã thông qua 06 Luật, trong đó có Luật Quản lý nợ công (sửa đổi).

Nợ công quy định tại Luật này bao gồm: Nợ Chính phủ, nợ được Chính phủ bảo lãnh, nợ chính quyền địa phương.

Luật được áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động vay, sử dụng vốn vay, trả nợ và nghiệp vụ quản lý nợ công.

Ảnh minh họa

Một số điểm sửa đổi, bổ sung quan trọng tại Luật này so với trước đây là:

- Nhiệm vụ chủ trì, tổ chức, thực hiện vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài… trước đây được giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư nay được giao về Bộ Tài chính. Điều này phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Bộ Tài chính, đúng tinh thần, chủ trương của Đảng và Nhà nước về cải cách bộ máy hành chính theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả trên nguyên tắc một tổ chức có thể làm nhiều việc, một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì và chịu trách nhiệm chính.

- Luật cũng lần đầu quy định về chỉ tiêu an toàn nợ công, kế hoạch vay, trả nợ công 5 năm, chương trình quản lý nợ công 3 năm và kế hoạch vay, trả nợ hàng năm với những nội dung, trình tự cụ thể việc lập, quyết định và trách nhiệm của các cơ quan liên quan đối với các chỉ tiêu đề ra. Trong đó, hạn mức bảo lãnh Chính phủ trong 5 năm, hạn mức bảo lãnh và cho vay lại hàng năm được quy định chi tiết.

- Luật quy định làm rõ thông tin báo cáo, thời gian báo cáo và trách nhiệm của các cơ quan liên quan trong việc cung cấp và công bố thông tin nợ công. Đây là điểm mới so với Luật Quản lý nợ công năm 2009.

- Luật Quản lý nợ công 2017 đã bổ sung khái niệm mới về “ngưỡng cảnh báo nợ công” quy định tại điều 21. Cụ thể, bên cạnh khái niệm trần nợ công đã có trước đây, Luật có thêm khái niệm ngưỡng để cảnh báo khi mức nợ công tiến gần đến mức trần và theo đó thực hiện các biện pháp để xử lý, kiểm soát. Mức ngưỡng nợ công do Quốc hội quyết định trong từng thời kỳ.

- So với Luật hiện hành, điều kiện được bảo lãnh chính phủ được siết chặt đối với từng nhóm đối tượng, bổ sung quy định về quản lý rủi ro bảo lãnh chính phủ. Việc quản lý nợ chính quyền địa phương cũng được quy định chặt chẽ, xác định rõ trách nhiệm, điều kiện vay và trả nợ của chính quyền địa phương.

Đáng chú ý, về xử lý vi phạm pháp luật trong quản lý nợ công, theo Luật, người đứng đầu cơ quan, tổ chức phải giải trình và chịu trách nhiệm khi để xảy ra vi phạm pháp luật của cơ quan, tổ chức. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, người đứng đầu cơ quan, tổ chức bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@lawnet.vn
769 lượt xem
Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;