Đây là nội dung đáng chú ý được quy định tại Luật Thanh niên 2020, được Quốc hội chính thức thông qua ngày 16/6/2020, thay thế Luật Thanh niên 2005.
Theo Điều 1 và Khoản 1 Điều 4 Luật Thanh niên 2020 quy định: “Thanh niên là công dân Việt Nam từ đủ 16 tuổi đến 30 tuổi. Thanh niên là lực lượng xã hội to lớn, xung kích, sáng tạo, đi đầu trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; có vai trò quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập quốc tế và xây dựng chủ nghĩa xã hội.”
Luật Thanh niên 2020: Thủ tướng phải đối thoại với thanh niên mỗi năm một lần (Hình minh họa)
Bên cạnh đó, Luật Thanh niên 2020 cũng quy định chi tiết việc đối thoại với thanh niên nhằm tăng tương tác giữa nhà nước với đội ngũ thanh niên hiện nay, cụ thể:
- Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm đối thoại với thanh niên ít nhất mỗi năm một lần về các vấn đề liên quan đến thanh niên; người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân có trách nhiệm đối thoại với thanh niên theo yêu cầu của tổ chức thanh niên quy định tại Luật Thanh niên 2020.
- Người có trách nhiệm đối thoại với thanh niên chỉ đạo chuẩn bị kế hoạch, chương trình đối thoại và công bố công khai trên cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử hoặc niêm yết tại trụ sở cơ quan, tổ chức, đơn vị chậm nhất là 30 ngày trước ngày tổ chức đối thoại; giải quyết theo thẩm quyền hoặc kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền giải quyết các kiến nghị của thanh niên thông qua hoạt động đối thoại.
- Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày đối thoại, nội dung kết luận đối thoại phải được công khai trên cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử hoặc niêm yết tại trụ sở cơ quan, tổ chức, đơn vị và gửi đến các cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan; trường hợp nội dung đối thoại phức tạp, liên quan đến nhiều lĩnh vực thì thời hạn này là 15 ngày.
Ngoài việc đối thoại với thanh niên được Quốc hội đưa vào Luật Thanh niên 2020, thì Luật này cũng ấn định tháng 3 hằng năm là Tháng Thanh niên. Tháng Thanh niên được tổ chức nhằm phát huy tinh thần xung kích, tình nguyện, sáng tạo của thanh niên để tham gia hoạt động vì lợi ích của cộng đồng, xã hội và vận động tổ chức, cá nhân đầu tư, phát triển thanh niên.
Xem thêm các quy định mới tại Luật Thanh niên 2020, có hiệu lực từ 01/01/2020, thay thế Luật Thanh niên 2005.
Lê Hải
- Từ khóa:
- Luật Thanh niên 2020