Luật Lâm nghiệp: Cơ sở để phát triển kinh tế rừng bền vững

Luật Lâm nghiệp đã được thông qua ngày 15/11/2017, tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV. Trong Luật Lâm nghiệp, từng loại chủ rừng được quy định rất rõ ràng và theo hướng tăng quyền cho những người trực tiếp bỏ công sức ra trồng rừng và bảo vệ rừng.

Ảnh minh họa (Nguồn VOV)

Dựa trên cơ sở kế thừa Luật Bảo vệ và Phát triển rừng 2004, Luật Lâm nghiệp bao gồm 12 Chương, 108 Điều quy định về quản lý, bảo vệ, phát triển, sử dụng rừng; chế biến và thương mại lâm sản.

So với Luật Bảo vệ và Phát triển rừng 2004 thì Luật Lâm nghiệp bổ sung 4 chương mới: chế biến, thương mại lâm sản; khoa học và công nghệ, hợp tác quốc tế về lâm nghiệp; định giá rừng, đầu tư, tài chính trong lâm nghiệp; quản lý nhà nước về lâm nghiệp và kiểm lâm.

Chế biến và thương mại lâm sản được coi như một trong những thế mạnh trong chuỗi giá trị sản phẩm lâm nghiệp. Khẳng định chế biến lâm sản không phải là ngành kinh doanh có điều kiện, Luật tập trung quy định rõ chính sách phát triển lâm sản theo hướng hỗ trợ doanh nghiệp hợp tác, liên doanh, liên kết với chủ rừng để tạo vùng nguyên liệu, quản lý rừng bền vững, tiêu thụ sản phẩm, ứng dụng khoa học và công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, công nghệ mới và các giải pháp tăng trưởng xanh, nâng cao giá trị gia tăng, ưu tiên phát triển công nghiệp hỗ trợ trong chế biến lâm sản. Nhà nước hỗ trợ hoạt động xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, phát triển thị trường, thông tin thị trường lâm sản trong nước và quốc tế.

Luật Lâm nghiệp quy định 2 nhóm hình thức sở hữu rừng: rừng sở hữu toàn dân do Nhà nước là đại diện chủ sở hữu và rừng sở hữu của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư. Mở rộng hơn quyền hưởng lợi của chủ rừng đối với rừng tự nhiên phục hồi, rừng nghèo. Rừng là nguồn tài nguyên thiên nhiên có khả năng tái sinh nên việc quy định rõ các hình thức sở hữu rừng nhằm thừa nhận thành quả lao động, kết quả đầu tư của người làm nghề rừng; tạo động lực khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư vào rừng nghèo và hưởng lợi từ rừng; bảo đảm quản lý rừng tốt hơn, hiệu quả hơn.

Luật cũng quy định về hình thức cho thuê rừng, thay thế cho việc giao rừng có thu tiền sử dụng rừng. Nhà nước cho các tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân thuê rừng sản xuất; đối với rừng đặc dụng, rừng phòng hộ chỉ áp dụng hình thức cho thuê môi trường rừng và thuộc quyền của chủ rừng. Nhà nước bảo đảm nguồn lực cho hoạt động quản lý, bảo vệ và phát triển rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và các hoạt động phục vụ quản lý nhà nước về lâm nghiệp. Nhà nước bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư hoạt động lâm nghiệp.

Về tổ chức quản lý ngành lâm nghiệp, Luật đã đổi mới quy định khung về cơ quan có chức năng tham mưu quản lý nhà nước chuyên ngành về lâm nghiệp và tổ chức kiểm lâm. Trên cơ sở đó quy định chi tiết về chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức và hoạt động của các cơ quan này linh hoạt với yêu cầu của thực tiễn hoạt động lâm nghiệp. Đối với kiểm lâm, Luật cũng bổ sung quy định cụ thể hơn về một số cơ chế, chính sách, đồng thời thêm thẩm quyền để bảo đảm hành lang pháp lý cần thiết cho lực lượng kiểm lâm tổ chức hoạt động bảo vệ rừng, đấu tranh, phòng ngừa, ngăn chặn hành vi xâm hại rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng hiệu quả hơn.

Quản lý rừng bền vững cả về diện tích rừng, chất lượng rừng, đảm bảo hài hòa các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng an ninh, bảo tồn đa dạng sinh học, nâng cao giá trị dịch vụ môi trường rừng, ứng phó với biến đổi khí hậu. Chủ rừng phải thực hiện các quy định của Nhà nước về quản lý rừng bền vững, bảo đảm kinh doanh rừng lâu dài, liên tục; tối ưu hóa hiệu quả kinh tế, xã hội, môi trường; chủ rừng là tổ chức phải xây dựng, thực hiện phương án quản lý rừng bền vững; Nhà nước quy định bộ tiêu chí quản lý rừng bền vững và tổ chức thực hiện cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững. Quản lý chặt chẽ việc chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên. Không chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên, trừ trường hợp phục vụ quốc phòng, an ninh, các trường hợp cấp thiết khác theo quy định của Chính phủ.

Đối với việc đóng và mở cửa rừng tự nhiên, phải bảo đảm nguyên tắc quản lý rừng bền vững, bảo tồn tài nguyên rừng và đa dạng sinh học; bảo đảm công khai và minh bạch; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các bên liên quan khi thực hiện đóng, mở cửa rừng tự nhiên.

Luật cũng đề cập xã hội hóa hoạt động lâm nghiệp; bảo đảm hài hòa giữa lợi ích của Nhà nước với lợi ích của chủ rừng, tổ chức, cá nhân hoạt động lâm nghiệp. Bảo đảm tổ chức liên kết theo chuỗi từ bảo vệ, phát triển, sử dụng rừng, chế biến và thương mại lâm sản để nâng cao giá trị rừng. Bảo đảm công khai, minh bạch, sự tham gia của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư liên quan trong hoạt động lâm nghiệp…

Luật Lâm nghiệp có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2019. Luật Bảo vệ và phát triển rừng số 29/2004/QH11 hết hiệu lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành.

Nguồn: Kiểm sát

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@lawnet.vn
1002 lượt xem
Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;