Lỏng lẻo pháp luật quản lý cà phê "không làm từ cà phê"

Việt Nam luôn được biết đến là một quốc gia có thể mạnh xuất khẩu các sản phẩm từ cà phê. Vậy mà, gần đây tình trạng cà phê “không có nguồn gốc từ cà phê” “cà phê bẩn” đã tới mức báo động, khiến người tiêu dùng hoang mang, phải chăng cà phê sạch chỉ để xuất khẩu, dân trong nước phải “uống cà phê nhân tạo”, “cà phê bẩn”? Có quy định nào quản lý hành vi này không, mức phạt ra sao?

Tại thời điểm cuối tháng 6 đầu tháng 7 vừa qua, Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam (Vinatas) đã thực hiện chương trình khảo sát hàm lượng cafein trong 253 mẫu cà phê đen tại 4 tỉnh, thành phố của Việt Nam gồm: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương và Sóc Trăng.

Mẫu khảo sát được mua ngẫu nhiên tại các địa điểm kinh doanh cà phê khác nhau gồm: Cà phê quán (cửa hàng lịch sự); quán cà phê nhỏ (quán cóc); căn tin bệnh viện; cà phê vỉa hè và xe đẩy.

Kết quả khảo sát cho thấy có tới gần 1/3 lượng cà phê được tiêu thụ (chiếm 30,04%) có hàm lượng caffeine rất thấp (dưới 1g/L), đặc biệt đáng báo động trong đó có tới 5 mẫu hoàn toàn không chứa caffeine. Các mẫu này đều được tìm thấy từ các điểm bán quen thuộc hàng ngày - cà phê nhỏ, vỉa hè, quán cóc và cà phê bệt.


Cafe Bệt - một nét văn hóa Sài Gòn

Tiêu chuẩn đối với cà phê bột

Hiện nay, cà phê bột sản xuất trên thị trường Việt Nam phải tuân thủ Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 5251:2005 về cà phê bột. Theo đó, Nguyên liệu dùng để chế biến cà phê bột, phù hợp với TCVN 5250:2015, Yêu cầu đặc tính lý – hóa đối với cà phê bột là phải có hàm lượng cafein, tính theo % khối lượng, không nhỏ hơn 1%.

Do đó, thông thường đối với hành vi sản xuất cà phê mà hàm lượng cafein không đủ 1% hoặc không có cafein sẽ bị phạt theo quy định tại Khoản 2 Điều 26 Nghị định 178/2013NĐ-CP quy định xử phạt hành chính về an toàn thực phẩm.
Theo đó Khoản 2 quy định về hành vi Vi phạm quy định khác về bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm như sau:

Hành vi sản xuất, nhập khẩu, bán ra thị trường thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm không phù hợp quy chuẩn kỹ thuật hoặc quy định an toàn thực phẩm sẽ bị phạt tiền tương ứng tỉ lệ với giá trị lô hàng vi phạm. Mức phạt tối đa đối với hành vi này là từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với trường hợp lô hàng vi phạm có giá trị từ trên 320.000.000 đồng.

Theo đánh giá chung của các doanh nghiệp Việt Nam, việc chế biến cà phê, quy trình xin cấp phép sản xuất, chế biến cà phê bột hiện nay khá chặt, phải cung cấp đủ các giấy tờ như giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm, phiếu kiểm nghiệm định kỳ; bao bì không được sử dụng bao bì tái chế. Song vẫn chưa có tiêu chuẩn về công khai thành phần cà phê bột vì trên bao bì sản phẩm chỉ công bố về hàm lượng cafein. Do đó, xuất hiện tình trạng một số cơ sở có trộn các chất phụ gia làm xuất hiện cụm từ “cà phê bắp” “cà phê đậu”…Nhưng lại chưa có quy chuẩn để kiểm tra đối chiếu, xác định. Cán bộ kiểm tra không có căn cứ xác định các thành phần trên có tỉ lệ bao nhiêu, có hay không ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng.

Thực trạng theo khảo sát, con số quán có kết quả cafein không có và rất nhỏ trên tổng các quán cà phê xe đẩy, căng tin bệnh viện và vỉa hè lên tới mức gần một nửa - 47,54%. Một tình trạng đáng báo động khi những nơi phục vụ lượng lớn người tiêu dùng lại không được kiểm định hay không thể kiểm định.  Căn cứ cho thấy, sức khỏe của người Việt Nam đang được xâm hại nghiêm trọng và pháp luật không theo kịp thực tiễn.

Nên chăng bổ sung tội danh hình sự hóa vấn đề an toàn thực phẩm?

Đối với hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm, Bộ Luật Hình sự 1999 đã có quy định tại Điều 244 về “Tội vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm”. Theo đó, “Người nào chế biến, cung cấp hoặc bán thực phẩm mà biết rõ là thực phẩm không bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh an toàn gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ của người tiêu dùng, thì bị phạt tù từ một năm đến năm  năm.

  • Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng thì bị phạt tù từ ba năm đến  mười năm.
  • Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm
  • Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công  việc nhất định từ một  năm đến năm năm.”

Theo quy định, hậu quả gây thiệt hại nghiêm trọng cho tính mạng hoặc sức khỏe của người tiêu dùng là dấu hiệu bắt buộc để định tội danh. Nhưng thực tiễn cho thấy, việc hằng ngày uống một ly cà phê bẩn, nhiều thì 2 3 ly thì không thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe theo dấu hiệu định tội tại Điều 244, mà có lẽ phải cả tháng, cả năm trời thì mới gây hậu quả nhất định. Tới khi đó, việc truy cứu trách nhiệm hình sự là điều không có khả năng.


Sản xuất cafe bẩn ở thủ phủ cafe BMT

Vấn đề an toàn thực phẩm luôn là nỗi lo từng ngày của người dân Việt Nam. Có thể nói, bán thực phẩm bẩn, không đủ tiêu chuẩn cũng khác gì tội cướp của, giết người về mức độ nghiêm trọng. Nếu được trưng cầu dân ý, biểu quyết đa số người dân đều đồng tình việc tăng mức hình sự đối với các vấn đề an toàn thực phẩm.

 

Số liệu từ Tri thức trẻ

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@lawnet.vn
2224 lượt xem
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;