Không sử dụng tiền gửi tiết kiệm để giao dịch thanh toán

Đây là nội dung được đề cập tại Dự thảo Thông tư hướng dẫn giao dịch tiền gửi tiết kiệm (gọi tắt là Dự thảo) do Ngân hàng Nhà nước ban hành.

 

Dự thảo hướng dẫn các giao dịch tiền gửi tiết kiệm bằng đồng Việt Nam, ngoại tệ giữa tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài với cá nhân. So với Quyết định 1160/2004/QĐ-NHNN, Dự thảo quy định chi tiết, cụ thể hơn về đối tượng nhận tiền gửi tiết kiệm, gửi tiền gửi tiết kiệm như sau:

  • Đối tượng nhận tiền gửi tiết kiệm là tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (trừ tổ chức tín dụng phi ngân hàng) được thành lập và hoạt động tại Việt Nam theo Luật Các tổ chức tín dụng; Ngân hàng chính sách được thực hiện việc nhận tiền gửi tiết kiệm theo quy định của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của ngân hàng chính sách và quy định tại Thông tư này; Tổ chức tài chính vi mô thực hiện việc nhận tiền gửi tiết kiệm theo quy định về tổ chức và hoạt động của tổ chức tài chính vi mô và quy định tại Thông tư này.
  • Đối tượng gửi tiền gửi tiết kiệm là người cư trú là công dân Việt Nam thực hiện giao dịch tiền gửi tiết kiệm bằng đồng Việt Nam và bằng ngoại tệ phù hợp với quy định của pháp luật.

Theo đó người thực hiện giao dịch tiền gửi tiết kiệm được xác định theo độ tuổi và năng lực hành vi dân sự:

  • Cá nhân từ đủ 18 tuổi trở lên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của pháp luật Việt Nam;
  • Cá nhân từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi không bị hạn chế năng lực hành vi dân sự được tự xác lập thực hiện giao dịch dân sự theo quy định của Bộ luật dân sự;
  • Cá nhân chưa đủ 15 tuổi, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, người hạn chế năng lực hành vi dân sự theo quy định của pháp luật Việt Nam thực hiện giao dịch tiền gửi tiết kiệm thông qua người đại diện theo pháp luật.

 

Điểm đáng lưu ý ở Dự thảo đó chính là quy định về giao dịch liên quan đến tiền gửi tiết kiệm. Tại Quyết định 1160/2004/QĐ-NHNN, tài khoản tiền gửi tiết kiệm được phép sử dụng trong trường hợp chuyển khoản thanh toán tiền vay của chính chủ sở hữu tiền gửi tiết kiệm hoặc đồng chủ sở hữu tiền gửi tiết kiệm tại tổ chức nhận tiền gửi tiết kiệm đó; hoặc chuyển khoản sang tài khoản khác do chính chủ sở hữu tiền gửi tiết kiệm hoặc đồng chủ sở hữu tiền gửi tiết kiệm là chủ tài khoản tại tổ chức nhận tiền gửi tiết kiệm đó.

Tuy nhiên, Dự thảo đã bỏ đi trường hợp này và thống nhất quy định không được phép sử dụng tiền gửi tiết kiệm để phát hành séc và thực hiện các giao dịch thanh toán trong mọi trường hợp.

Bên cạnh đó, Dự thảo cũng đã đưa ra quy định mới, tạo điều kiện để các doanh nghiệp duy trì và hoạt động, đó là việc sử dụng tiền tiết kiệm để làm tài sản bảo đảm trong giao dịch bảo đảm. Khi sử dụng tiền gửi tiết kiệm làm tài sản bảo đảm, khách hàng được quyền thỏa thuận trong trường hợp đến hạn mà không trả được nợ thì tiền gửi tiết kiệm của khách hàng được sử dụng để thanh toán nghĩa vụ đến hạn. Trong hoạt động giao dịch tiền gửi tiết kiệm liên quan đến ủy quyền, thừa kế hoặc chuyển quyền sở hữu thì Tổ chức tín dụng sẽ hướng dẫn khách hàng cách thức thực hiện giao dịch ủy quyền, thừa kế, chuyển quyền sở hữu theo đúng quy định của pháp luật.

Hiện Dự thảo đang được lấy ý kiến trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ.

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@lawnet.vn
1399 lượt xem
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;