Hướng dẫn thực hiện phòng vệ thương mại trong Hiệp định RCEP

Bộ Công thương vừa ban hành Thông tư 07/2022/TT-BCT hướng dẫn thực hiện các biện pháp phòng vệ thương mại trong Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (Hiệp định RCEP).

Theo đó, hướng dẫn thực hiện các biện pháp phòng vệ thương mại trong Hiệp định RCEP như sau:

Hướng dẫn thực hiện phòng vệ thương mại trong Hiệp định RCEP

Hướng dẫn thực hiện phòng vệ thương mại trong Hiệp định RCEP (Ảnh minh họa)

1. Biện pháp chống bán phá và chống trợ cấp

1.1 Phương pháp tính toán biên độ bán phá giá

- Khi tính toán biên độ bán phá giá theo một trong các cách sau đây, Cơ quan điều tra phải tính gộp tất cả các biên độ riêng lẻ, dù có kết quả dương hay âm, vào biên độ chung của mỗi nhà sản xuất, xuất khẩu nước ngoài:

+ So sánh giữa giá trị bình quân gia quyền của giá thông thường với giá trị bình quân gia quyền của giá xuất khẩu;

+ So sánh giữa giá thông thường với giá xuất khẩu trên cơ sở từng giao dịch;

- Quy định này không hạn chế quyền của Cơ quan điều tra trong việc tính toán biên độ bán phá giá theo cách so sánh giữa giá trị bình quân gia quyền của giá thông thường với giá xuất khẩu trên cơ sở từng giao dịch với điều kiện tồn tại sự khác biệt đáng kể của giá xuất khẩu giữa những người mua, khu vực địa lý và thời điểm xuất khẩu.

1.2 Thông báo

- Cơ quan điều tra có nghĩa vụ thông báo trước ít nhất 07 ngày cho bên liên quan về kế hoạch và nội dung điều tra tại chỗ để xác minh các thông tin do bên liên quan cung cấp với điều kiện việc thông báo không ảnh hưởng tới thời hạn điều tra vụ việc theo quy định.

- Cơ quan điều tra có nghĩa vụ thông báo bằng văn bản cho nước Thành viên bị điều tra về việc nhận được Hồ sơ yêu cầu điều tra chống bán phá giá ít nhất 07 ngày trước khi Bộ trưởng Bộ Công Thương quyết định điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá.

- Cơ quan điều tra có nghĩa vụ thông báo bằng văn bản cho nước Thành viên bị điều tra về việc nhận được Hồ sơ yêu cầu điều tra chống trợ cấp ít nhất 20 ngày trước khi Bộ trưởng Bộ Công Thương quyết định điều tra áp dụng biện pháp chống trợ cấp.

Khi có yêu cầu từ Chính phủ nước Thành viên liên quan, Cơ quan điều tra có nghĩa vụ cung cấp bản không bảo mật Hồ sơ yêu cầu điều tra chống trợ cấp.

1.3 Công bố các dữ liệu trọng yếu

- Chậm nhất 10 ngày trước khi có Quyết định cuối cùng, Cơ quan điều tra có nghĩa vụ công bố bằng văn bản các dữ liệu trọng yếu trong dự thảo kết luận điều tra cuối cùng.

Các bên liên quan có quyền đưa ra ý kiến trong thời gian quy định tại khoản 1 Điều 9 Nghị định 10/2018/NĐ-CP. Cơ quan điều tra sẽ xem xét và phản hồi ý kiến của các bên liên quan trong kết luận điều tra cuối cùng của vụ việc.

- Dữ liệu trọng yếu bao gồm một số dữ liệu làm cơ sở quyết định áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại phù hợp với quy định về thông tin mật theo pháp luật hiện hành.

2. Biện pháp tự vệ RCEP chuyển tiếp

2.1 Nguyên tắc áp dụng biện pháp tự vệ RCEP chuyển tiếp

- Tại cùng một thời điểm, không áp dụng đồng thời biện pháp tự vệ RCEP chuyển tiếp và biện pháp tự vệ theo quy định tại Điều 91 Luật Quản lý ngoại thương đối với cùng một hàng hóa nhập khẩu được hưởng thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt theo Hiệp định RCEP.

Cụ thể, các biện pháp tự vệ theo Điều 91 Luật Quản lý ngoại thương bao gồm:

+ Áp dụng thuế tự vệ;

+ Áp dụng hạn ngạch nhập khẩu;

+ Áp dụng hạn ngạch thuế quan;

+ Cấp giấy phép nhập khẩu;

+ Các biện pháp tự vệ khác.

- Biện pháp tự vệ RCEP chuyển tiếp không được áp dụng ngoài giai đoạn chuyển tiếp.

(Giai đoạn chuyển tiếp là giai đoạn từ khi Hiệp định RCEP có hiệu lực cho đến hết 08 năm sau ngày hoàn thành việc xóa bỏ hoặc cắt giảm thuế quan đối với từng loại hàng hóa theo Biểu cam kết thuế quan của Việt Nam trong Hiệp định RCEP).

2.2 Hồ sơ yêu cầu áp dụng biện pháp tự vệ RCEP chuyển tiếp

Bao gồm:

- Đơn yêu cầu áp dụng biện pháp tự vệ RCEP chuyển tiếp;

- Các giấy tờ, tài liệu có liên quan theo quy định tại Điều 47 Nghị định 10/2018/NĐ-CP.

2.3 Áp dụng biện pháp tự vệ RCEP chuyển tiếp

- Trong trường hợp cần thiết, trên cơ sở kết luận điều tra sơ bộ, Bộ trưởng Bộ Công Thương quyết định áp dụng biện pháp tự vệ RCEP chuyển tiếp tạm thời. Việc áp dụng biện pháp tự vệ RCEP chuyển tiếp tạm thời thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 95 Luật Quản lý ngoại thương và Điều 52 Nghị định 10/2018/NĐ-CP.

- Biện pháp tự vệ RCEP chuyển tiếp tạm thời và biện pháp tự vệ RCEP chuyển tiếp được áp dụng gồm:

+ Đình chỉ việc tiếp tục giảm thuế suất thuế nhập khẩu theo quy định của Hiệp định RCEP; hoặc

+ Áp dụng thuế tự vệ dưới hình thức thuế nhập khẩu bổ sung đối với hàng hóa bị điều tra.

Tổng mức thuế nhập khẩu theo Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định RCEP và thuế tự vệ không vượt quá mức thấp hơn của thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi có hiệu lực tại thời điểm áp dụng biện pháp này hoặc thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi được áp dụng vào ngày ngay trước ngày Hiệp định RCEP có hiệu lực.

2.4 Thời hạn áp dụng biện pháp tự vệ RCEP chuyển tiếp

- Không vượt quá 03 năm bao gồm cả thời gian áp dụng biện pháp tự vệ RCEP chuyển tiếp tạm thời.

- Trong trường hợp thời hạn áp dụng biện pháp tự vệ RCEP chuyển tiếp, bao gồm cả thời gian áp dụng biện pháp tự vệ RCEP chuyển tiếp tạm thời dài hơn 01 năm, biện pháp tự vệ RCEP chuyển tiếp phải được giảm dần mức độ áp dụng.

- Biện pháp tự vệ RCEP chuyển tiếp có thể được gia hạn không vượt quá 01 năm trên cơ sở kết quả rà soát cuối kỳ.

Quy trình, thủ tục rà soát cuối kỳ biện pháp tự vệ RCEP chuyển tiếp thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 96 Luật Quản lý ngoại thương và Điều 69 Nghị định 10/2018/NĐ-CP.

- Sau khi hết thời hạn áp dụng biện pháp tự vệ RCEP chuyển tiếp, mức thuế nhập khẩu áp dụng cho hàng hóa liên quan thực hiện theo Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định RCEP có hiệu lực tại thời điểm chấm dứt áp dụng biện pháp tự vệ RCEP chuyển tiếp đó.

2.5 Các trường hợp không áp dụng biện pháp tự vệ RCEP chuyển tiếp

- Biện pháp tự vệ RCEP chuyển tiếp tạm thời và biện pháp tự vệ RCEP chuyển tiếp sẽ không áp dụng cho hàng hóa có xuất xứ từ nước Thành viên đáp ứng các điều kiện sau:

+ Thị phân nhập khẩu hàng hóa liên quan có xuất xứ từ nước Thành viên đó xét về khối lượng, số lượng không vượt quá 3% tổng nhập khẩu hàng hóa đó từ tất cả các nước Thành viên;

+ Tổng thị phần nhập khẩu hàng hóa liên quan có xuất xứ từ các nước Thành viên nêu trên xét về khối lượng, số lượng không vượt quá 9% tổng nhập khẩu hàng hóa đó từ tất cả các nước Thành viên.

- Biện pháp tự vệ RCEP chuyển tiếp tạm thời và biện pháp tự vệ RCEP chuyển tiếp sẽ không được áp dụng cho hàng hóa có xuất xứ từ nước Thành viên kém phát triển.

Việc xác định danh sách nước Thành viên kém phát triển thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 15 Nghị định 10/2018/NĐ-CP và theo quy định của Hiệp định RCEP.

- Không áp dụng biện pháp tự vệ RCEP chuyển tiếp trong thời hạn 01 năm kể từ ngày việc cắt giảm thuế hoặc xóa bỏ thuế quan đầu tiên có hiệu lực đối với hàng hóa có xuất xứ từ các nước Thành viên theo cam kết trong Hiệp định RCEP.

- Không tái áp dụng biện pháp tự vệ RCEP chuyển tiếp đối với hàng hóa nhập khẩu đã bị áp dụng biện pháp tự vệ RCEP chuyển tiếp trong một khoảng thời gian bằng với thời gian áp dụng biện pháp tự vệ RCEP chuyển tiếp trước đó hoặc trong 01 năm kể từ khi hết hạn biện pháp đó, tùy theo thời gian nào dài hơn.

Thông tư 07/2022/TT-BCT có hiệu lực từ ngày 08/5/2022.

Bảo Ngọc

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@lawnet.vn
354 lượt xem
Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;