Hội Người cao tuổi Việt Nam là gì? Nhiệm vụ, quyền hạn của Hội Người cao tuổi Việt Nam

Hội Người cao tuổi Việt Nam là tổ chức gì? Nhiệm vụ, quyền hạn của Hội Người cao tuổi Việt Nam quy định thế nào? - Thùy Trang (Tiền Giang)

Hội Người cao tuổi Việt Nam là gì? Nhiệm vụ, quyền hạn của Hội Người cao tuổi Việt Nam

Hội Người cao tuổi Việt Nam là gì? Nhiệm vụ, quyền hạn của Hội Người cao tuổi Việt Nam (Hình từ Internet)

Về vấn đề này, LawNet giải đáp như sau:

1. Hội Người cao tuổi Việt Nam là gì?

Theo khoản 1 Điều 3 Điều lệ ban hành kèm theo Quyết định 972/QĐ-BNV ngày 24/3/2017 thì Hội Người cao tuổi Việt Nam là tổ chức xã hội, hoạt động trong phạm vi cả nước, trong lĩnh vực người cao tuổi theo quy định của pháp luật.

2. Nhiệm vụ, quyền hạn của Hội Người cao tuổi Việt Nam

Nhiệm vụ, quyền hạn của Hội Người cao tuổi Việt Nam theo Điều 7 và Điều 8 Điều lệ ban hành kèm theo Quyết định 972/QĐ-BNV ngày 24/3/2017 như sau:

2.1. Nhiệm vụ của Hội Người cao tuổi Việt Nam

- Thực hiện nhiệm vụ quy định tại Điều 27 Luật Người cao tuổi, gồm:

+ Tập hợp, đoàn kết, động viên người cao tuổi tham gia sinh hoạt Hội Người cao tuổi, góp phần thực hiện các chương trình kinh tế - văn hóa - xã hội; giáo dục thế hệ trẻ, xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc;

+ Làm nòng cốt trong phong trào toàn dân chăm sóc, phụng dưỡng, phát huy vai trò người cao tuổi;

+ Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của hội viên là người cao tuổi;

+ Nghiên cứu nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của người cao tuổi để kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

+ Đại diện cho người cao tuổi Việt Nam tham gia các tổ chức quốc tế, các hoạt động đối ngoại nhân dân vì lợi ích của Tổ quốc và của người cao tuổi.

- Tham gia xây dựng, bảo vệ trật tự và an toàn xã hội; tham gia tổ chức thực hiện tháng hành động vì người cao tuổi Việt Nam.

- Thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật.

2.2. Quyền hạn của Hội Người cao tuổi Việt Nam

- Tham gia với Đảng, Nhà nước xây dựng cơ chế, chính sách liên quan trực tiếp đến người cao tuổi và thi hành Hiến pháp, Luật Người cao tuổi.

- Tham gia thực hiện một số hoạt động, dịch vụ thuộc lĩnh vực hoạt động của Hội theo quy định của pháp luật.

- Tư vấn, giám sát các chính sách, chương trình, đề tài, dự án do cơ quan nhà nước yêu cầu về các vấn đề thuộc lĩnh vực người cao tuổi và hoạt động của Hội theo quy định của Điều lệ Hội và quy định của pháp luật.

3. Quy định về tổ chức Hội Người cao tuổi Việt Nam

Quy định về tổ chức Hội Người cao tuổi Việt Nam theo Điều 12 Điều lệ ban hành kèm theo Quyết định 972/QĐ-BNV ngày 24/3/2017 như sau:

- Hội Người cao tuổi Việt Nam:

+ Đại hội đại biểu toàn quốc;

+ Ban Chấp hành;

+ Ban Kiểm tra;

+ Ban Thường vụ.

+ Văn phòng các ban chuyên môn và pháp nhân thuộc Hội.

- Ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi chung là tỉnh) và ở quận, huyện, thị xã, thành phố (gọi chung là huyện) trực thuộc tỉnh:

+ Ban Đại diện Hội Người cao tuổi tỉnh, huyện;

+ Hội Người cao tuổi tỉnh, huyện (mô hình thí điểm) tại 13 tỉnh.

- Hội Người cao tuổi xã, phường, thị trấn (gọi chung là cơ sở).

- Chi hội, tổ hội người cao tuổi thuộc Hội Người cao tuổi cơ sở tại địa bàn thôn, ấp, bản, làng, phum, sóc, tổ dân phố, khu dân cư hoặc tương đương.

4. Quy định về Ban chấp hành Hội Người cao tuổi Việt Nam

Theo Điều 14 Điều lệ ban hành kèm theo Quyết định 972/QĐ-BNV ngày 24/3/2017 quy định về Ban chấp hành Hội Người cao tuổi Việt Nam như sau:

- Ban Chấp hành Hội Người cao tuổi Việt Nam do Đại hội hiệp thương dân chủ bầu ra. Số lượng Ủy viên Ban Chấp hành do Đại hội quyết định. Ủy viên Ban Chấp hành thôi tham gia công tác Hội hoặc không còn đủ sức khỏe để tham gia công tác Hội thì:

Đương nhiên rút khỏi Ban Chấp hành. Ban Thường vụ làm các thủ tục cần thiết và báo cáo Ban Chấp hành trong kỳ họp gần nhất.

- Ban Chấp hành là cơ quan lãnh đạo của Hội giữa hai kỳ Đại hội, có nhiệm vụ:

+ Tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội, Điều lệ Hội, các chủ trương công tác quan trọng của Hội;

+ Chỉ đạo phong trào thi đua yêu nước “Tuổi cao - gương sáng”, hiến kế, hiến công vì quê hương đất nước;

+ Bầu Ban Thường vụ với số lượng ủy viên do Ban Chấp hành quyết định; bầu Chủ tịch, các Phó Chủ tịch trong số ủy viên Ban Thường vụ; bầu bổ sung ủy viên Ban Chấp hành khi có yêu cầu nhưng không quá 1/3 (một phần ba) số ủy viên do Đại hội bầu.

+ Ban Chấp hành họp thường kỳ 1 (một) năm 1 (một) lần, họp bất thường khi cần.

- Nguyên tắc hoạt động của Ban Chấp hành:

+ Ban Chấp hành hoạt động theo Quy chế của Ban Chấp hành, tuân thủ quy định của pháp luật và Điều lệ Hội;

+ Các cuộc họp của Ban Chấp hành hợp lệ khi có trên 1/2 (một phần hai) tổng số ủy viên Ban Chấp hành tham gia dự họp. Các nghị quyết, quyết định của Ban Chấp hành được thông qua khi có trên 1/2 (một phần hai) tổng số ủy viên Ban Chấp hành dự họp biểu quyết tán thành. Ban Chấp hành quyết định biểu quyết bằng hình thức giơ tay hoặc bỏ phiếu kín.

Lê Trương Quốc Đạt

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@lawnet.vn
3608 lượt xem
Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;