Cá nhân, tổ chức phải chuẩn bị những loại giấy tờ gì để làm hồ sơ đề nghị cấp giấy phép hoạt động in xuất bản phẩm? - Minh Thanh (Ninh Thuận)
Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép hoạt động in xuất bản phẩm (Hình từ Internet)
1. Điều kiện để cấp giấy phép hoạt động in xuất bản phẩm
Điều kiện để cấp giấy phép hoạt động in xuất bản phẩm bao gồm:
- Người đứng đầu cơ sở in phải là công dân Việt Nam, thường trú tại Việt Nam, có nghiệp vụ quản lý hoạt động in xuất bản phẩm và đáp ứng các tiêu chuẩn khác theo quy định của pháp luật;
- Có mặt bằng sản xuất, thiết bị để thực hiện một hoặc các công đoạn chế bản, in và gia công sau in xuất bản phẩm;
- Bảo đảm các điều kiện về an ninh, trật tự, vệ sinh môi trường theo quy định của pháp luật;
- Phù hợp với quy hoạch phát triển mạng lưới cơ sở in xuất bản phẩm.
(Khoản 1 Điều 32 Luật Xuất bản 2012, sửa đổi tại Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch 2018)
2. Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép hoạt động in xuất bản phẩm
Theo khoản 2 Điều 32 Luật Xuất bản 2012, hồ sơ đề nghị cấp giấy phép hoạt động in xuất bản phẩm được quy định như sau:
- Đơn đề nghị cấp giấy phép hoạt động in xuất bản phẩm theo mẫu quy định;
- Bản sao có chứng thực một trong các loại giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy chứng nhận đầu tư hoặc quyết định thành lập cơ sở in;
- Tài liệu chứng minh về việc có mặt bằng sản xuất và thiết bị để thực hiện một trong các công đoạn chế bản in, in và gia công sau in xuất bản phẩm;
- Sơ yếu lý lịch của người đứng đầu cơ sở in theo mẫu quy định;
- Bản sao có chứng thực văn bằng do cơ sở đào tạo chuyên ngành in cấp hoặc giấy chứng nhận bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý hoạt động in xuất bản phẩm do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp;
- Bản sao có chứng thực giấy chứng nhận đủ điều kiện an ninh - trật tự, vệ sinh môi trường do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp.
3. Thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động in xuất bản phẩm
Cụ thể tại khoản 3 Điều 32 Luật Xuất bản 2012 quy định về thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động in xuất bản phẩm như sau:
- Bộ Thông tin và Truyền thông cấp giấy phép cho cơ sở in của cơ quan, tổ chức ở trung ương;
- Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp giấy phép cho cơ sở in ở địa phương.
4. Các trường hợp thu hồi giấy phép hoạt động in xuất bản phẩm
Giấy phép hoạt động in xuất bản phẩm bị thu hồi nếu thuộc các trường hợp được quy định tại khoản 8 Điều 32 Luật Xuất bản 2012, cụ thể như sau:
- Cơ sở in xuất bản phẩm không đáp ứng đủ các điều kiện quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều 32 Luật Xuất bản 2012 trong quá trình hoạt động;
- Cơ sở in có các thay đổi quy định tại khoản 6 Điều 32 Luật Xuất bản 2012 mà không làm thủ tục đổi giấy phép.
5. Điều kiện nhận in xuất bản phẩm
Việc nhận in xuất bản phẩm được thực hiện theo quy định sau đây:
- Đối với xuất bản phẩm thực hiện thông qua nhà xuất bản thì phải có quyết định xuất bản (bản chính) và bản thảo có chữ ký duyệt của tổng giám đốc (giám đốc) nhà xuất bản;
- Đối với tài liệu không kinh doanh của cơ quan, tổ chức Việt Nam, tổ chức nước ngoài không thực hiện qua nhà xuất bản thì phải có giấy phép xuất bản (bản chính) và bản thảo có đóng dấu của cơ quan cấp giấy phép quy định tại Điều 25 Luật Xuất bản 2012;
- Đối với xuất bản phẩm in gia công cho nước ngoài phải có giấy phép in gia công và bản mẫu xuất bản phẩm đặt in gia công có đóng dấu của cơ quan cấp giấy phép quy định tại Điều 34 Luật Xuất bản 2012.
Bên cạnh đó, việc nhận in xuất bản phẩm phải có hợp đồng theo quy định của pháp luật giữa cơ sở in với nhà xuất bản hoặc cơ quan, tổ chức được cấp giấy phép xuất bản tài liệu không kinh doanh.
Số lượng xuất bản phẩm được in phải được thể hiện trong hợp đồng và phải phù hợp với quyết định xuất bản hoặc giấy phép xuất bản tài liệu không kinh doanh.
(Điều 33 Luật Xuất bản 2012)
Thanh Rin
- Từ khóa:
- Xuất bản phẩm
- in xuất bản phẩm