Giấy phép xây dựng có thời hạn là một trong 04 loại giấy phép xây dựng chính thức được công nhận tại Luật Xây dựng sửa đổi 2020 . Vậy theo Luật này, điều kiện và thủ tục đề nghị cấp loại giấy phép này được quy định như thế nào?
Giấy phép xây dựng có thời hạn: Điều kiện và thủ tục đề nghị cấp phép (Ảnh minh họa)
Trước tiên, THƯ KÝ LUẬT xin làm rõ thế nào là Giấy phép xây dựng, Giấy phép xây dựng có thời hạn:
- Giấy phép xây dựng: là văn bản pháp lý do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho chủ đầu tư để xây dựng mới, sửa chữa, cải tạo, di dời công trình. (theo khoản 17 Điều 3 Luật Xây dựng 2014)
- Giấy phép xây dựng có thời hạn: là giấy phép xây dựng cấp cho xây dựng công trình, nhà ở riêng lẻ được sử dụng trong thời hạn nhất định theo kế hoạch thực hiện quy hoạch xây dựng. (theo khoản 18 Điều 3 Luật Xây dựng 2014)
Tại khoản 3 Điều 89 Luật Xây dựng 2014 phân loại Giấy phép xây dựng gồm: Giấy phép xây dựng mới; Giấy phép sửa chữa, cải tạo; Giấy phép di dời công trình nhưng không đề cập đến Giấy phép xây dựng có thời hạn. Sửa đổi quy định này, Luật Xây dựng sửa đổi 2020 đã bổ sung Giấy phép xây dựng có thời hạn là một trong 04 loại giấy phép xây dựng từ 01/01/2021.
Công trình xây dựng phải có giấy phép xây dựng do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho chủ đầu tư trừ trường hợp được miễn. Trường hợp công trình xây dựng không có giấy phép xây dựng sẽ bị buộc phá dỡ theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 118 Luật Xây dựng sửa đổi 2020.
Điều kiện và thủ tục đề nghị cấp Giấy phép xây dựng có thời hạn:
(1) Điều kiện đề nghị cấp Giấy phép xây dựng có thời hạn xem thêm Tại đây.
(2) Thủ tục đề nghị cấp Giấy phép xây dựng có thời hạn:
Giấy phép xây dựng có thời hạn được cấp theo quy trình cấp phép xây dựng như sau:
Bước 1: Nộp hồ sơ
Chủ đầu tư nộp 02 bộ hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xây dựng cho cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng.
Bước 2: Tiếp nhận hồ sơ
Cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng có trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ của tổ chức, cá nhân đề nghị cấp giấy phép xây dựng; kiểm tra hồ sơ; ghi giấy biên nhận đối với trường hợp hồ sơ đáp ứng theo quy định hoặc hướng dẫn để chủ đầu tư hoàn thiện hồ sơ đối với trường hợp hồ sơ không đáp ứng theo quy định.
Bước 3: Thẩm định hồ sơ, kiểm tra thực địa
Bước 4: Lấy ý kiến của cơ quan quản lý nhà nước
Bước 5: Cơ quan quản lý nhà nước được hỏi ý kiến trả lời
Bước 6: Cấp giấy phép xây dựng
Thời hạn: Trong thời gian 30 ngày đối với giấy phép xây dựng có thời hạn. Trường hợp đến thời hạn cấp giấy phép nhưng cần phải xem xét thêm thì cơ quan cấp giấy phép xây dựng phải thông báo bằng văn bản cho chủ đầu tư biết lý do, đồng thời báo cáo cấp có thẩm quyền quản lý trực tiếp xem xét và chỉ đạo thực hiện, nhưng không được quá 10 ngày kể từ ngày hết hạn 30 ngày.
Cơ quan có thẩm quyền cấp phép:
- Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp giấy phép xây dựng đối với công trình thuộc đối tượng có yêu cầu phải cấp giấy phép xây dựng trên địa bàn tỉnh, trừ công trình thuộc thẩm quyền của Uỷ ban nhân dân cấp huyện.
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phân cấp, ủy quyền cho Sở Xây dựng, Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế, Ủy ban nhân dân cấp huyện cấp giấy phép xây dựng thuộc chức năng và phạm vi quản lý của cơ quan này.
- Ủy ban nhân dân cấp huyện cấp giấy phép xây dựng đối với công trình cấp III, cấp IV và nhà ở riêng lẻ trên địa bàn do mình quản lý.
Thùy Trâm
- Từ khóa:
- Luật Xây dựng sửa đổi 2020