Để bảo đảm cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu, bình ổn thị trường hàng hóa dịp cuối năm 2020 và dịp Tết Nguyên đán 2021, Bộ Công thương đã ban hành Chỉ thị 15/CT-BCT yêu cầu giảm giá mặt hàng thịt lợn cho người dân.
Giảm giá mặt hàng thịt lợn cho dịp cuối năm và Tết Nguyên đán 2021 (Ảnh minh họa)
Năm 2020, dịch bệnh Covid-19 đã tác động đến toàn bộ nền kinh tế trong nước và thế giới. Hoạt động sản xuất, kinh doanh bị đình trệ ảnh hưởng lớn đến thu nhập và đời sống của người dân. Việt Nam là một trong những nước kiểm soát dịch bệnh tốt, luôn bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu cho người dân, kể cả trong giai đoạn dịch bệnh bùng phát, áp dụng cách ly toàn xã hội.
Đồng thời, trong tình hình hiện nay, khi dịch bệnh Covid-19 vẫn chưa được kiểm soát hoàn toàn, tình hình chính trị và quan hệ thương mại giữa các nước lớn còn diễn biến phức tạp, thời tiết bất ổn (mưa lũ liên tục tại các tỉnh miền Trung), dịch bệnh Covid-19 và dịch tả lợn Châu Phi vẫn tiềm ẩn nguy cơ tái nhiễm trở lại đã và có thể tác động bất lợi đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân. Thị trường hàng hóa thế giới và trong nước sẽ còn nhiều diễn biến khó lường.
Do đó, để bảo đảm cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu, bình ổn thị trường hàng hóa dịp cuối năm 2020 và dịp Tết Nguyên đán 2021, đồng thời, làm tiền đề để thực hiện các mục tiêu kinh tế vĩ mô năm 2021 của Chính phủ, tại Chỉ thị 15/CT-BCT Bộ Công Thương đã yêu cầu thực hiện các công viêc sau đây:
-
Có phương án bảo đảm nguồn cung cấp thịt lợn cho thị trường và thực hiện việc giảm giá thành phẩm tương ứng cho người tiêu dùng. Trong trường hợp cần thiết, cần có phương án nhập khẩu các mặt hàng thịt gia súc từ nước ngoài để bình ổn thị trường dịp cuối năm và Tết Nguyên đán 2021.
-
Có phương án hoặc đề xuất phương án để bảo đảm nguồn cung, ổn định thị trường các mặt hàng nông sản thực phẩm thiết yếu nói chung và mặt hàng thịt lợn nói riêng dịp cuối năm và Tết Nguyên đán 2021, bảo đảm sản xuất theo đúng quy hoạch và theo khuyến cáo của các bộ, ngành hữu quan, tránh tình trạng dư thừa hoặc thiếu hụt cục bộ, ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường hàng hóa trong nước nói chung và thị trường thực phẩm nói riêng, chủ động có phương án nhập khẩu nếu cần thiết.
-
Có phương án bảo đảm nguồn cung cấp lợn thịt cho thị trường và thực hiện việc giảm giá thành phẩm tương ứng cho người tiêu dùng. Trong trường hợp cần thiết, cần có phương án nhập khẩu các mặt hàng thịt gia súc từ nước ngoài để bình ổn thị trường.
-
Đẩy mạnh triển khai các hoạt động thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” nhằm hỗ trợ sản xuất trong nước và thúc đẩy lưu thông hàng hóa kết hợp cung ứng hàng hóa bình ổn thị trường dịp Tết Nguyên đán 2021 cho các địa bàn dân cư nhất là vùng sâu, vùng xa.
-
Tổ chức các chuyến bán hàng về nông thôn, vùng sâu, vùng xa, chuẩn bị tốt nguồn hàng chính sách, hàng hỗ trợ và các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, mặt hàng phục vụ Tết nguyên đán 2021 để cung ứng sớm và đầy đủ cho nhân dân các vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo và đặc biệt chú trọng công tác cung ứng hàng hóa cho các vùng bị thiệt hại do bão, lũ thời gian vừa qua với lượng đủ, giá cả hợp lý, chất lượng bảo đảm.
Như vậy, có thể thấy, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 tác động đến toàn bộ nền kinh tế nước ta và tình hình diễn biến mưa lũ liên tục tại các tỉnh miền Trung làm cho người dân gặp nhiều khó khăn, Bộ Công thương đã yêu cầu giảm giá thịt lợn cho người dân vào dịp cuối năm và Tết Nguyên đán 2021, nhằm mục đích cung ứng đầy đủ cho nhân dân các vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo và đặc biệt là nhân dân bị thiệt hại nặng nề từ lũ lụt ở các tỉnh miền Trung. Đồng thời, Bộ Công thương yêu cầu các doanh nghiệp chăn nuôi bảo đảm nguồn cung cấp thịt lợn cho người tiêu dùng trong bối cảnh dịch tả heo châu Phi có dấu hiệu quay trở lại, trong trường hợp cần thiết sẽ nhập khẩu thịt lợn từ nước ngoài để bình ổn thị trường dịp cuối năm và Tết Nguyên đán 2021.
Ty Na
- Từ khóa:
- Chỉ thị 15/CT-BCT
- Tết Nguyên đán 2021