Khi đánh giá tác động môi trường, chủ dự án đầu tư phải thực hiện lấy ý kiến tham vấn các đối tượng nào? - Phi Trường (Ninh Thuận)
Đối tượng được tham vấn trong đánh giá tác động môi trường (Hình từ Internet)
1. Trách nhiệm thực hiện tham vấn trong đánh giá tác động môi trường
Theo điểm i khoản 1 Điều 32 Luật Bảo vệ môi trường 2020, kết quả tham vấn là một trong các nội dung chính của báo cáo đánh giá tác động môi trường.
Trách nhiệm thực hiện tham vấn trong đánh giá tác động môi trường được quy định như sau:
- Chủ dự án đầu tư phải thực hiện tham vấn đối tượng quy định tại mục 2 dưới đây, được khuyến khích tham vấn ý kiến chuyên gia trong quá trình thực hiện đánh giá tác động môi trường;
- Cơ quan, tổ chức quy định tại mục 2 dưới đây có trách nhiệm trả lời chủ dự án đầu tư bằng văn bản về nội dung được tham vấn trong thời hạn quy định; trường hợp hết thời hạn quy định mà không có văn bản trả lời thì được coi là thống nhất với nội dung tham vấn.
(Khoản 2 Điều 33 Luật Bảo vệ môi trường 2020)
2. Đối tượng được tham vấn trong đánh giá tác động môi trường
Đối tượng được tham vấn trong đánh giá tác động môi trường theo quy định tại khoản 1 Điều 26 Nghị định 08/2022/NĐ-CP bao gồm:
- Cộng đồng dân cư, cá nhân chịu tác động trực tiếp bởi tác động môi trường do các hoạt động của dự án gây ra, bao gồm:
+ Cộng đồng dân cư, cá nhân sinh sống, sản xuất, kinh doanh tại khu vực đất, mặt nước, đất có mặt nước, khu vực biển bị chiếm dụng cho việc đầu tư dự án;
+ Cộng đồng dân cư, cá nhân nằm trong phạm vi tác động trực tiếp của nước thải, khí thải, bụi, tiếng ồn, chất thải rắn, chất thải nguy hại do dự án gây ra;
+ Cộng đồng dân cư, cá nhân bị ảnh hưởng do các hiện tượng sụt lún, sạt lở, bồi lắng bờ sông, bờ biển gây ra bởi dự án;
+ Cộng đồng dân cư, cá nhân bị tác động khác, được xác định thông qua quá trình đánh giá tác động môi trường.
Việc tham vấn cộng đồng dân cư, cá nhân chịu tác động trực tiếp được thực hiện thông qua hình thức tham vấn họp lấy ý kiến.
- Cơ quan, tổ chức có liên quan trực tiếp đến dự án đầu tư, bao gồm:
+ Ủy ban nhân dân cấp xã, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã nơi thực hiện dự án;
+ Ban quản lý, chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp nơi dự án nằm trong ranh giới quản lý;
+ Cơ quan nhà nước quản lý công trình thủy lợi đối với dự án có xả nước thải vào công trình thủy lợi hoặc có chiếm dụng công trình thủy lợi;
+ Cơ quan quản lý nhà nước được giao quản lý các khu vực có yếu tố nhạy cảm về môi trường (nếu có);
+ Bộ Quốc phòng, Bộ Công an hoặc Bộ chỉ huy quân sự cấp tỉnh, Công an cấp tỉnh đối với các dự án có liên quan đến yếu tố an ninh - quốc phòng (nếu có).
Việc tham vấn các cơ quan, tổ chức có liên quan trực tiếp đến dự án đầu tư được thực hiện thông qua hình thức tham vấn bằng văn bản.
3. Nội dung tham vấn trong đánh giá tác động môi trường
Căn cứ khoản 3 Điều 33 Luật Bảo vệ môi trường 2020, nội dung tham vấn trong quá trình thực hiện đánh giá tác động môi trường bao gồm:
- Vị trí thực hiện dự án đầu tư;
- Tác động môi trường của dự án đầu tư;
- Biện pháp giảm thiểu tác động xấu đến môi trường;
- Chương trình quản lý và giám sát môi trường; phương án phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường;
- Các nội dung khác có liên quan đến dự án đầu tư: phương án cải tạo phục hồi môi trường đối với dự án khai thác khoáng sản hoặc chôn lấp chất thải, phương án bồi hoàn đa dạng sinh học đối với dự án có phương án bồi hoàn đa dạng sinh học theo quy định của pháp luật.
(Khoản 2 Điều 26 Nghị định 08/2022/NĐ-CP)
4. Hình thức tham vấn trong đánh giá tác động môi trường
Các hình thức tham vấn trong đánh giá tác động môi trường theo quy định tại khoản 3 Điều 26 Nghị định 08/2022/NĐ-CP bao gồm:
(1) Tham vấn thông qua đăng tải trên trang thông tin điện tử
- Trước khi trình cấp có thẩm quyền thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, chủ dự án gửi nội dung tham vấn báo cáo đánh giá tác động môi trường quy định tại mục 3 nêu trên đến đơn vị quản lý trang thông tin điện tử của cơ quan thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường để tham vấn các đối tượng quy định tại tại mục 2 nêu trên, trừ thông tin thuộc bí mật nhà nước, bí mật của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.
- Trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày nhận được đề nghị đăng tải của chủ dự án, đơn vị quản lý trang thông tin điện tử của cơ quan thẩm định có trách nhiệm đăng tải nội dung tham vấn.
- Việc tham vấn được thực hiện trong thời hạn 15 ngày; hết thời hạn tham vấn, đơn vị quản lý trang thông tin điện tử có trách nhiệm gửi kết quả tham vấn cho chủ dự án;
(2) Tham vấn bằng tổ chức họp lấy ý kiến
- Chủ dự án chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp xã nơi thực hiện dự án niêm yết báo cáo đánh giá tác động môi trường tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã và thông báo thời gian, địa điểm tổ chức họp tham vấn lấy ý kiến các đối tượng cộng đồng dân cư, cá nhân theo quy định tại mục 2 nêu trên trước thời điểm họp ít nhất là 05 ngày.
- Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm niêm yết báo cáo đánh giá tác động môi trường kể từ khi nhận được báo cáo đánh giá tác động môi trường cho đến khi kết thúc họp lấy ý kiến.
- Chủ dự án có trách nhiệm trình bày nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường tại cuộc họp tham vấn.
Ý kiến của các đại biểu tham dự cuộc họp và các phản hồi, cam kết của chủ dự án phải được thể hiện đầy đủ, trung thực trong biên bản họp tham vấn cộng đồng theo mẫu do Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định.
(3) Tham vấn bằng văn bản
- Chủ dự án gửi báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án đến các đối tượng cơ quan, tổ chức theo quy định tại mục 2 nêu trên kèm theo văn bản tham vấn theo mẫu quy định tại Phụ lục VI ban hành kèm theo Nghị định 08/2022/NĐ-CP.
- Các đối tượng được tham vấn bằng văn bản có trách nhiệm phản hồi bằng văn bản theo mẫu quy định tại Phụ lục VII ban hành kèm theo Nghị định 08/2022/NĐ-CP trong thời hạn không quá 15 ngày kể từ ngày nhận được văn bản tham vấn.
Trường hợp không có phản hồi trong thời hạn quy định được coi là thống nhất với nội dung tham vấn.
Văn Trọng
- Từ khóa:
- tham vấn
- Đánh giá tác động môi trường