Luật Quốc phòng số 22/2018/QH14 được Quốc hội khóa XIV, Kỳ họp thứ năm thông qua ngày 8-6-2018, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2019. Đây là cơ sở quan trọng nhằm tạo hành lang pháp lý cho sự nghiệp quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Luật Quốc phòng 2018 có 7 chương, 40 điều là sự kế thừa Luật Quốc phòng 2005, thể chế đầy đủ quan điểm, chủ trương của Đảng về quốc phòng, quân sự (QP, QS) bảo vệ Tổ quốc; cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013, bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật có liên quan, có nhiều sự phát triển mới phù hợp với đặc điểm tình hình thế giới, khu vực và thực tiễn nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Luật Quốc phòng 2018 là đạo luật cơ bản về QP, QS, bảo vệ Tổ quốc, điều chỉnh các pháp luật khác về QP, QS có liên quan như: Luật Dân quân tự vệ, Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, Luật Nghĩa vụ quân sự... Đồng thời, Luật Quốc phòng có quan hệ chặt chẽ với các luật về kinh tế-xã hội (KT-XH). Các nội dung của luật thể hiện rõ nét chiến lược quốc phòng, chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình hiện nay. Luật Quốc phòng 2018 tiếp tục thể hiện nguyên tắc nhất quán: Đảng lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt, Chính phủ điều hành, Chủ tịch nước thống lĩnh về lực lượng vũ trang (LLVT); xác định đường lối về chiến tranh nhân dân, về quốc phòng toàn dân (QPTD) là chủ đạo. Luật Quốc phòng 2018 quy định đầy đủ, toàn diện hơn về quốc phòng của đất nước, nhất là các hoạt động quốc phòng, nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của đất nước, đáp ứng hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Lãnh đạo Cục Dân quân tự vệ (Bộ Tổng Tham mưu) và Bộ tư lệnh Quân khu 7 kiểm tra công tác quốc phòng, quân sự tại Công ty TNHH Cao su Phú Riềng, Tập đoàn Cao su Việt Nam năm 2017. Ảnh: KHÁNH CHI.
Luật Quốc phòng năm 2018 giao Chính phủ quy định 10 nội dung, cụ thể: Chỉ huy, mối quan hệ phối hợp, công tác bảo đảm và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức về phòng thủ quân khu; chỉ huy, mối quan hệ phối hợp, công tác bảo đảm và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức về khu vực phòng thủ; việc tổ chức xây dựng kế hoạch và biện pháp thực hiện động viên quốc phòng theo quy định của Chính phủ; phòng thủ dân sự; kết hợp quốc phòng với KT-XH và KT-XH với quốc phòng; công tác quốc phòng ở bộ, ngành Trung ương và địa phương; việc thi hành quyết định ban bố, công bố, bãi bỏ tình trạng khẩn cấp về quốc phòng; nhiệm vụ, quyền hạn của người chỉ huy đơn vị quân đội, cơ quan, tổ chức, địa phương liên quan thi hành lệnh thiết quân luật, lệnh bãi bỏ lệnh thiết quân luật; trình tự ban bố lệnh giới nghiêm; trách nhiệm, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương liên quan thi hành lệnh giới nghiêm; khi xảy ra tình huống phức tạp về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội; đấu tranh phòng, chống tội phạm; tham gia phòng, chống, khắc phục sự cố, thiên tai, dịch bệnh, việc sử dụng LLVT.
Để bảo đảm Luật Quốc phòng đến ngày 01-01-2019 có hiệu lực thi hành một cách hiệu quả, ngay sau khi Quốc hội thông qua luật, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ đã phối hợp rà soát các nội dung luật giao Chính phủ quy định (có 10 nội dung luật giao Chính phủ quy định); trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định giao nhiệm vụ cho các bộ có liên quan chủ trì soạn thảo các nghị định của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Quốc phòng. Hiện nay, Bộ Quốc phòng đã, đang xây dựng và trình Chính phủ quyết định phê duyệt kế hoạch triển khai thi hành Luật Quốc phòng. Trên cơ sở đó, các bộ, ngành và chính quyền địa phương cấp tỉnh tổ chức kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật về quốc phòng và văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan, báo cáo về Bộ Quốc phòng để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ; đề xuất sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ, ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật để phù hợp với luật. Cùng với xây dựng các nghị định của Chính phủ, Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với bộ, ngành liên quan xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ đề án tuyên truyền, phổ biến, tập huấn Luật Quốc phòng và tổ chức tập huấn Luật Quốc phòng cho cán bộ chủ trì các cấp ở Trung ương và địa phương.
Quốc phòng là công cuộc giữ nước bằng sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, trong đó sức mạnh quân sự là đặc trưng, LLVT làm nòng cốt. Luật Quốc phòng 2018 có phạm vi điều chỉnh rộng, liên quan đến trách nhiệm thuộc lĩnh vực quản lý Nhà nước và hoạt động của tất cả cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị. Để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong việc ban hành cơ chế, chính sách chung phù hợp với yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thì vấn đề quan trọng quyết định là các cấp, các ngành, các địa phương phải làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, quán triệt và triển khai thực hiện đúng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đã quy định trong luật để Luật Quốc phòng thực sự là khung pháp lý, làm cơ sở để tăng cường thể chế pháp quyền, nâng cao sức mạnh tổng hợp của cả nước đối với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN thời kỳ mới. Đây là hành lang pháp lý nhằm xây dựng nền QPTD vững mạnh toàn diện, phát huy sức mạnh tổng hợp của đất nước để bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ nhân dân, Đảng, Nhà nước và chế độ XHCN; bảo vệ công cuộc đổi mới, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; bảo vệ nền văn hóa dân tộc; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định chính trị, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội. Luật Quốc phòng sẽ góp phần làm ổn định chính trị, xã hội tạo điều kiện thuận lợi để phát triển KT-XH, không làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, kinh doanh. Mặt khác, Luật Quốc phòng có ý nghĩa rất quan trọng, là cơ sở để mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân nhận thức đúng đắn, chống lại các quan điểm sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch về chức năng, nhiệm vụ của Quân đội nhân dân trong thời gian qua, nhất là về thực hiện chức năng lao động sản xuất, kết hợp quốc phòng với KT-XH…
Trung tướng NGUYỄN DUY NGUYÊN, Cục trưởng Cục Dân quân tự vệ, Bộ Tổng Tham mưu
Báo Quân đội nhân nhân