Né tránh báo chí, gây khó khăn cho báo chí trong tiếp cận thông tin,... là hiện tượng mà dư luận đã nhiều lần lên tiếng phê phán. Vì thế, cùng với việc Chính phủ ban hành Nghị định 09/2017/NĐ-CP quy định chi tiết việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của các cơ quan hành chính nhà nước, hy vọng hiện tượng trên sớm được khắc phục.
Cách đây ít năm, một cuộc khảo sát ý kiến của 279 nhà báo, phóng viên tại 19 tỉnh, thành phố về mức độ phản hồi của cơ quan chức năng với báo chí cho kết quả: 75% không nhận được phản hồi hoặc phản hồi quá chậm theo luật định (30 ngày); trong số phản hồi đúng hạn (25%) thì có đến 78% mang tính chất chung chung, thiếu cụ thể. Cũng vấn đề này, các ý kiến phát biểu tại Hội thảo “Nâng cao mức độ phản hồi của cơ quan nhà nước đối với kiến nghị, phê bình của tổ chức, công dân trên báo chí” cho thấy tình trạng im lặng của cơ quan nhà nước trước vấn đề báo chí phản ánh là khá phổ biến. Đại diện một số tờ báo cho biết, hằng năm số đơn thư kiến nghị, khiếu nại, tố cáo,... của người dân do báo chí chuyển đến cơ quan nhà nước để xử lý giải quyết rất nhiều, nhưng tỷ lệ phản hồi chỉ chiếm khoảng 30%. Tuy nhiên, cũng cần đề cập hiện tượng nhà báo lạm dụng thẩm quyền, đưa ra yêu cầu vô lý với tổ chức, cá nhân mà sự kiện liên quan Phó Trưởng Cơ quan đại diện phía nam của Báo Đời sống và Pháp luật vừa qua là một thí dụ điển hình.
Để khắc phục tình trạng một số ban, ngành còn né tránh, ngại tiếp xúc với báo chí; đùn đẩy, từ chối tiếp xúc khi phóng viên đặt vấn đề, hẹn lịch làm việc; không cung cấp danh sách người phát ngôn hay người được ủy quyền phát ngôn; khi có sự kiện, vấn đề quan trọng có tác động lớn đến xã hội thuộc phạm vi quản lý của cơ quan, đơn vị thì chưa chủ động, kịp thời thông tin…, thời gian qua tại một số địa phương, việc hợp tác và cung cấp thông tin cho báo chí đã được các cấp, các ngành quan tâm.
Tháng 4-2016, UBND tỉnh Đắc Lắc đã có văn bản gửi thủ trưởng các sở, ban, ngành và chủ tịch UBND huyện, thị xã, thành phố về thực hiện Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí. UBND tỉnh Đắc Lắc yêu cầu các đơn vị liên quan nghiêm túc chấn chỉnh, khắc phục các hạn chế, khi cần thiết phải thông tin trên báo chí về các sự kiện, vấn đề quan trọng nhằm cảnh báo kịp thời và định hướng dư luận; khi cơ quan báo chí hoặc cơ quan quản lý nhà nước về báo chí có yêu cầu phát ngôn thì người phát ngôn hoặc người được ủy quyền có trách nhiệm phát ngôn, cung cấp thông tin kịp thời, chính xác trong thời gian sớm nhất (khoảng một ngày) từ khi vụ việc xảy ra hoặc khi được yêu cầu.
Ở tỉnh Phú Thọ, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thị Tuyết Chinh, chia sẻ quan điểm chỉ đạo của địa phương về việc bảo đảm cho hoạt động tác nghiệp của nhà báo: “Trong thời gian tới, Sở Thông tin và Truyền thông sẽ tập trung chỉ đạo công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về báo chí để các cơ quan nhà nước, các đoàn thể chính trị - xã hội, cán bộ và nhân dân ngày càng nhận thức sâu sắc hơn về vai trò của báo chí trong đời sống xã hội, theo dõi, thực hiện sự giám sát hoạt động của các cơ quan báo chí, thông tin theo các quy định của pháp luật. Tăng cường trách nhiệm trong việc xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở nhà báo, phóng viên hoạt động nghề nghiệp đúng pháp luật. Phối hợp với Hội Nhà báo theo dõi, nắm tình hình hoạt động tác nghiệp của phóng viên, không để xảy ra tình trạng cản trở phóng viên tác nghiệp đúng quy định; đồng thời xử lý nghiêm minh nếu xảy ra vi phạm”...
Báo chí cần thông tin kịp thời, chính xác về các vấn đề thời sự, thiết thực, được người dân quan tâm nhưng khi cơ quan có liên quan tìm cách né tránh, bất hợp tác, gây cản trở các nhà báo trong quá trình tác nghiệp thì ở một mức độ nào đó, điều này có thể bị coi là hành vi vi phạm pháp luật. Thực tế cho thấy, nhiều năm qua Chính phủ rất nỗ lực chỉ đạo thực hiện minh bạch thông tin tới người dân thông qua báo chí, thể hiện bằng: Quy chế Phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí (ban hành kèm theo Quyết định 25/2013/QĐ-TTg ngày 4-5-2013 của Thủ tướng Chính phủ); Luật Báo chí sửa đổi 2016 (có hiệu lực từ ngày 1-1-2017), trong đó Khoản 3, Điều 6 về Nội dung quản lý nhà nước về báo chí quy định rõ hai vấn đề: “Tổ chức thông tin cho báo chí; quản lý thông tin của báo chí”. Như vậy cung cấp thông tin cho báo chí là vấn đề luật định. Và nội dung này tiếp tục được làm rõ tại Nghị định 09/2017/NĐ-CP (Nghị định) do Chính phủ ban hành ngày 9-2-2017 quy định chi tiết việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của các cơ quan hành chính nhà nước. Điều 3 của Nghị định về người thực hiện phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí được xác định cụ thể:
“1. Người thực hiện phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; tổng cục thuộc bộ, cơ quan ngang bộ; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, gồm: a) Người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước; b) Người được người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước giao nhiệm vụ phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí thường xuyên (sau đây gọi chung là người phát ngôn); c) Người có trách nhiệm thuộc cơ quan hành chính nhà nước được người đứng đầu ủy quyền thực hiện phát ngôn (sau đây gọi chung là người được ủy quyền phát ngôn) hoặc giao nhiệm vụ phối hợp cùng người phát ngôn thực hiện phát ngôn hoặc cung cấp thông tin cho báo chí về những vấn đề cụ thể được giao.
2. Người thực hiện phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của các cục, các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và các tổ chức, cấp tỉnh thuộc cơ quan trung ương được tổ chức theo ngành dọc đặt tại địa phương, gồm: a) Người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước; b) Trường hợp người đứng đầu cơ quan hành chính không thể thực hiện phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí thì ủy quyền cho cấp phó là người được giao phụ trách cơ quan thực hiện việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí.
3. Người thực hiện phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của Ủy ban nhân dân cấp huyện và Ủy ban nhân dân cấp xã, gồm: a) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện và cấp xã; b) Trường hợp Chủ tịch Ủy ban nhân dân không thể thực hiện phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí thì ủy quyền cho cấp phó của mình thực hiện việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí”.
Không chỉ quy định người thực hiện phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí, Nghị định còn quy định họ tên, chức vụ, số điện thoại, địa chỉ email của người phát ngôn phải được công bố bằng văn bản cho cơ quan quản lý nhà nước về báo chí, phải được đăng tải trên cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử của cơ quan hành chính nhà nước; ủy quyền phát ngôn phải thực hiện bằng văn bản, chỉ áp dụng trong từng vụ việc và có thời hạn. Bên cạnh đó, Điều 10 về Xử lý vi phạm cũng nêu rõ: “Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan không thực hiện, thực hiện không đúng hoặc thực hiện không đầy đủ các quy định trong Nghị định này thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật”. Về Nghị định 09/2017/NĐ-CP, điểm mới nhất trong nghị định này có lẽ là quy định về phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí trong những trường hợp đột xuất, bất thường. Điều này đặt kỳ vọng cho việc báo chí sẽ có được những thông tin chính thống trong các trường hợp khẩn thiết, khi mà công luận và bạn đọc đang rất cần được biết. Nghị định 09 được đánh giá đã “mở đường”, tạo điều kiện thuận lợi để các nhà báo khi tác nghiệp sẽ không còn tình cảnh chầu chực chờ thông tin từ cơ quan chức năng, cũng như sẽ bớt bị “làm khó” vì nhu cầu thông tin được đáp ứng đúng theo luật định. Tuy nhiên các quy định của Nghị định chỉ thật sự phát huy hiệu quả nếu có sự hợp tác nghiêm túc của các cơ quan chức năng, việc cung cấp thông tin không mang tính hình thức, quanh co, đối phó.
Công khai, minh bạch thông tin là một tiêu chí xác định sự phát triển của một xã hội văn minh. Sự chậm trễ, thiếu chủ động trong cung cấp thông tin có thể dẫn đến các hệ lụy khó lường, gây nghi ngờ trong dư luận, tạo cơ hội cho các phần tử cơ hội, thù địch lợi dụng xuyên tạc, chống phá đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước. Tin rằng từ nỗ lực của Chính phủ, với ý thức nghiêm túc về thẩm quyền, trách nhiệm của nhà báo và sự hợp tác tích cực của các cơ quan, ban, ngành, các địa phương,... tình trạng nêu trên sẽ sớm được khắc phục, qua đó nâng cao tính minh bạch xã hội, đáp ứng nhu cầu thông tin lành mạnh của nhân dân.
Nguồn: Nhân dân
- Từ khóa:
- Nghị định 09/2017/NĐ-CP
- Luật Báo chí 2016