Cử nhân luật tại nước ngoài trở về Việt Nam hành nghề luật sư được không?

Hiện nay, nhiều sinh viên lựa chọn học luật tại các môi trường thế giới để có thể tiếp cận được các hệ thống pháp luật hiện đại mang tầm quốc tế. Vậy sau khi tốt nghiệp, Cử nhân luật tại nước ngoài muốn trở về nước tiếp tục đào tạo và hành nghề có gặp khó khăn gì về thủ tục không? Bài viết này sẽ giúp làm rõ vấn đề trên.

Cử nhân luật tại nước ngoài trở về Việt Nam hành nghề luật sư

Cử nhân luật tại nước ngoài trở về Việt Nam hành nghề luật sư được không? (Ảnh minh họa)

Ở nước ta, để có thể hành nghề luật, người học sẽ phải trải qua hai giai đoạn là đào tạo và chế độ tập sự. Do đó, nếu chỉ có mình tấm bằng Cử nhân luật thì chắc chắn chưa đủ điều kiện để hành nghề. Theo Điều 10, Điều 11 Luật luật sư thì để hành nghề luật sư tại Việt Nam, cá nhân phải là công dân Việt Nam trung thành với Tổ quốc, tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, có phẩm chất đạo đức tốt, có bằng cử nhân luật, đã được đào tạo nghề luật sư, đã qua thời gian tập sự hành nghề luật sư, có sức khỏe bảo đảm hành nghề luật sư thì có thể trở thành luật sư khi có Chứng chỉ hành nghề luật sư và gia nhập một Đoàn luật sư.

Mà để có Chứng chỉ hành nghề luật sư, trong điều kiện bình thường, trừ những đối tượng đặc biệt được miễn đào tạo (Điều 13, Luật luật sư), người học phải thực hiện học tập, tập sự theo trình tự như sau:

- Bằng cử nhân luật: Tốt nghiệp các trường đạo tạo ngành luật. Nước ta hiện nay có gần 50 cơ sở đào tạo luật.

- Giấy chứng nhận tốt nghiệp đào tạo nghề luật sư: Hoàn thành chương trình đào tạo nghề luật sư với thời gian 12 tháng.

- Giấy chứng nhận người tập sự hành nghề luật sư: Tập sự 12 tháng tại một tổ chức hành nghề luật sư tại Việt Nam và được Đoàn luật sư địa phương cấp giấy chứng nhận.

- Giấy chứng nhận kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư: Ban chủ nhiệm Đoàn luật sư xem xét gửi danh sách tới Liên đoàn luật sư Việt Nam để xem xét cấp giấy chứng nhận.

- Chứng chỉ hành nghề luật sư: Người đạt yêu cầu kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư có hồ sơ đề nghị cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư gửi Ban chủ nhiệm Đoàn luật sư.

Trường hợp người học đã có bằng Cử nhân luật tại nước ngoài thì có thể trở về Việt Nam tiếp tục tham gia đào tạo nghề luật sư, tập sự để có thể hành nghề. Bằng cấp hiện nay đều được công nhận toàn cầu và người học có nhiều cơ hội hơn để tiếp cận với nền tri thức quốc tế. Tuy nhiên, khi người học đã xác định hành nghề tại Việt Nam thì việc có nền tảng kiến thức về luật Việt Nam là điều quan trọng không thể thiếu, do đó, người học cần chuẩn bị kỹ lưỡng và trải qua những bỡ ngỡ ban đầu để bắt nhịp với hệ thống luật trong nước. Lưu ý khi đăng ký khóa đào tạo nghề luật sư tại Học viện Tư pháp, ngoài bản sao bằng tốt nghiệp cử nhân ở nước ngoài, Học viện Thư pháp yêu cầu người học phải có kèm theo giấy chứng nhận văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp của Cục Quản lý chất lượng của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Trường hợp người học tiếp tục được đào tạo nghề luật sư ở nước ngoài, sau đó mới về Việt Nam thì thực hiện thủ tục đề nghị công nhận Giấy chứng nhận tốt nghiệp đào tạo nghề luật sư ở nước ngoài (nộp hồ sơ đến Bộ Tư Pháp theo Điều 1, Thông tư 17/2011/TT-BTP). Hiện nay chưa có hướng dẫn cụ thể, tuy nhiên theo lộ trình như trên, người học vẫn phải tiếp tục tập sự và được hành nghề tại Việt Nam khi đạt tiêu chuẩn tại Điều 10 Luật luật sư, có Chứng chỉ hành nghề luật sư và gia nhập một Đoàn luật sư tại địa phương.

Như vậy, dù được đào tạo cử nhân luật ở trong nước hay nước ngoài thì cơ hội tiếp tục học tập và làm việc sau khi trở lại Việt Nam đều được mở rộng với tất cả mọi người.

Hoa Hồng 

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@lawnet.vn
4103 lượt xem
Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;