Cho tôi hỏi cổ đông lớn là gì? Cổ đông lớn phải thực hiện công bố thông tin trong trường hợp nào? – Thanh Bình (TP. HCM)
Cổ đông lớn là gì? Nghĩa vụ công bố thông tin của cổ đông lớn (Hình từ Internet)
1. Cổ đông lớn là gì?
Theo khoản 18 Điều 4 Luật Chứng khoán 2019, cổ đông lớn là cổ đông sở hữu từ 5% trở lên số cổ phiếu có quyền biểu quyết của một tổ chức phát hành.
Trong đó, vốn có quyền biểu quyết là phần vốn góp hoặc cổ phần, theo đó người sở hữu có quyền biểu quyết về những vấn đề thuộc thẩm quyền quyết định của Hội đồng thành viên hoặc Đại hội đồng cổ đông. (Khoản 33 Điều 4 Luật Doanh nghiệp 2020)
2. Cổ đông lớn có phải thực hiện công bố thông tin?
Các đối tượng công bố thông tin theo quy định tại khoản 1 Điều 118 Luật Chứng khoán 2019 bao gồm:
- Công ty đại chúng;
- Tổ chức phát hành trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng;
- Tổ chức niêm yết trái phiếu doanh nghiệp;
- Công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, chi nhánh công ty chứng khoán và công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam;
- Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam và công ty con, Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam;
- Cổ đông lớn, nhóm người có liên quan sở hữu từ 5% trở lên số cổ phiếu có quyền biểu quyết của công ty đại chúng; nhà đầu tư, nhóm người có liên quan sở hữu từ 5% trở lên chứng chỉ quỹ của quỹ đóng;
- Cổ đông sáng lập trong thời gian bị hạn chế chuyển nhượng của công ty đại chúng, công ty đầu tư chứng khoán đại chúng;
- Người nội bộ của công ty đại chúng, người nội bộ của quỹ đại chúng, công ty đầu tư chứng khoán đại chúng theo quy định tại khoản 45 Điều 4 Luật Chứng khoán 2019 và người có liên quan của người nội bộ;
- Nhóm nhà đầu tư nước ngoài có liên quan sở hữu từ 5% trở lên số cổ phiếu có quyền biểu quyết của 01 tổ chức phát hành hoặc từ 5% trở lên chứng chỉ quỹ của quỹ đóng;
- Đối tượng khác theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tài chính.
Như vậy, cổ đông lớn thuộc đối tượng phải thực hiện công bố thông tin theo quy định trên.
3. Nguyên tắc công bố thông tin
Điều 119 Luật Chứng khoán 2019 quy định về nguyên tắc công bố thông tin như sau:
- Việc công bố thông tin phải đầy đủ, chính xác, kịp thời.
- Đối tượng công bố thông tin phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung thông tin công bố.
Trường hợp có thay đổi nội dung thông tin đã công bố, đối tượng công bố thông tin phải công bố kịp thời, đầy đủ nội dung thay đổi và lý do thay đổi so với thông tin đã công bố trước đó.
- Đối tượng quy định tại Điều 118 Luật Chứng khoán 2019 khi công bố thông tin phải đồng thời báo cáo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và tổ chức nơi chứng khoán đó niêm yết, đăng ký giao dịch về nội dung thông tin công bố.
- Việc công bố thông tin của tổ chức phải do người đại diện theo pháp luật hoặc người được ủy quyền công bố thông tin thực hiện. Việc công bố thông tin của cá nhân do cá nhân tự thực hiện hoặc ủy quyền cho tổ chức hoặc cá nhân khác thực hiện.
- Đối tượng công bố thông tin có trách nhiệm bảo quản, lưu giữ thông tin đã công bố, báo cáo theo quy định của pháp luật.
4. Trường hợp công bố thông tin của cổ đông lớn
Theo Điều 127 Luật Chứng khoán 2019, cổ đông lớn phải thực hiện công bố thông tin trong các trường hợp sau:
- Tổ chức, cá nhân, nhóm người có liên quan, nhóm nhà đầu tư nước ngoài có liên quan phải công bố thông tin khi trở thành hoặc không còn là cổ đông lớn của công ty đại chúng, công ty đầu tư chứng khoán đại chúng.
- Tổ chức, cá nhân, nhóm người có liên quan, nhóm nhà đầu tư nước ngoài có liên quan là cổ đông lớn phải công bố thông tin khi có thay đổi về số lượng cổ phiếu sở hữu qua các ngưỡng 1% số cổ phiếu có quyền biểu quyết của công ty đại chúng, công ty đầu tư chứng khoán đại chúng.
- Quy định trên không áp dụng đối với các trường hợp sau:
+ Thay đổi tỷ lệ nắm giữ cổ phiếu có quyền biểu quyết phát sinh do công ty đại chúng mua lại cổ phiếu của chính mình hoặc phát hành thêm cổ phiếu;
+ Quỹ hoán đổi danh mục thực hiện giao dịch hoán đổi;
+ Trường hợp khác theo quy định của pháp luật.
Văn Trọng
- Từ khóa:
- cổ đông lớn