Chuẩn mực đạo đức của Thẩm phán

Xin hỏi, đối với chuẩn mực đạo đức của Thẩm phán thì việc quy định thực hiện thế nào? - Khánh Linh (TP.HCM)

Chuẩn mực đạo đức của Thẩm phán

Chuẩn mực đạo đức của Thẩm phán (Hình từ Internet)

1. Yêu cầu chung về chuẩn mực đạo đức của Thẩm phán

Căn cứ Điều 2 Quyết định 87/QĐ-HĐTC năm 2018 quy định về yêu cầu chung như sau:

- Thẩm phán phải là người trung thành với Tổ quốc và Hiến pháp, có phẩm chất đạo đức tốt, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có tinh thần dũng cảm, kiên quyết bảo vệ công lý, liêm khiết và trung thực.

- Thẩm phán phải là tấm gương về độc lập, khách quan, công bằng, tận tụy và chỉ tuân theo pháp luật khi thi hành nhiệm vụ.

2. Chuẩn mực đạo đức của Thẩm phán

2.1. Tính độc lập

Căn cứ Điều 3 Quyết định 87/QĐ-HĐTC năm 2018 quy định về tính độc lập như sau:

- Trong quá trình giải quyết vụ việc, Thẩm phán tự quyết định trên cơ sở đánh giá của mình về tình tiết vụ việc, chứng cứ và chỉ tuân theo pháp luật; giữ gìn bản lĩnh nghề nghiệp để không bị tác động từ bất kỳ sự can thiệp nào.

- Thẩm phán phải độc lập với các thành viên của Hội đồng xét xử; độc lập với những người tiến hành tố tụng khác; độc lập với các yếu tố tác động từ trong nội bộ và bên ngoài Tòa án.

- Thẩm phán không được can thiệp vào hoạt động tố tụng của các thành viên Hội đồng xét xử và những người tiến hành tố tụng khác.

2.2. Sự liêm chính

Căn cứ Điều 4 Quyết định 87/QĐ-HĐTC năm 2018 quy định về sự liêm chính như sau:

- Thẩm phán phải liêm chính, trong sạch, thẳng thắn, trung thực.

- Thẩm phán không được lợi dụng địa vị để mưu cầu lợi ích cho mình hoặc cho người khác;

Không để các thành viên trong gia đình, cán bộ, công chức Tòa án dưới quyền quản lý của mình đòi hỏi hoặc nhận tiền, tài sản, những lợi ích khác từ bất kỳ ai vì lý do liên quan đến công việc mà Thẩm phán giải quyết.

- Thẩm phán phải công khai thu nhập cá nhân theo quy định của pháp luật.

2.3. Sự vô tư, khách quan

Tại Điều 5 Quyết định 87/QĐ-HĐTC năm 2018 quy định về sự vô tư, khách quan như sau:

- Thẩm phán phải vô tư, khách quan; thực hiện nhiệm vụ một cách đúng đắn, không vì lợi ích cá nhân, không thiên vị bất cứ bên nào trong vụ việc.

- Thẩm phán phải căn cứ vào tài liệu, chứng cứ đã được xem xét công khai tại phiên tòa, kết quả tranh tụng tại phiên tòa, các quy định của pháp luật, tập quán, tương tự pháp luật, những nguyên tắc cơ bản của pháp luật, án lệ, lẽ công bằng để giải quyết tất cả các vấn đề của vụ việc.

- Thẩm phán không được có bất cứ phát biểu hay bình luận nào tại phiên tòa, phiên họp, trước công chúng hoặc truyền thông làm ảnh hưởng tới việc giải quyết vụ việc một cách vô tư, khách quan.

2.4. Sự công bằng, bình đẳng

Căn cứ Điều 6 Quyết định 87/QĐ-HĐTC năm 2018 quy định về sự công bằng, bình đẳng như sau:

- Thẩm phán có trách nhiệm bảo đảm sự công bằng, bình đẳng để những người tham gia tố tụng thực hiện đầy đủ các quyền, nghĩa vụ của họ trong quá trình giải quyết vụ việc tại Tòa án.

- Trong quá trình giải quyết vụ việc, Thẩm phán không được và không cho phép các hành vi bất bình đẳng, phân biệt dân tộc, giới tính, tín ngưỡng, tôn giáo, thành phần xã hội, trình độ học vấn, nghề nghiệp, địa vị xã hội, hình thức sở hữu và thành phần kinh tế của cá nhân, pháp nhân.

2.5. Sự đúng mực

Tại Điều 7 Quyết định 87/QĐ-HĐTC năm 2018 quy định về sự đúng mực như sau:

- Trong mọi hoạt động của mình, Thẩm phán phải hành xử đúng mực, lịch thiệp, thận trọng; duy trì trật tự và sự tôn nghiêm trong quá trình tố tụng; luôn thể hiện sự kiên nhẫn, nhân ái đối với các bị cáo, đương sự, người tham gia tố tụng khác.

- Tại phiên tòa, phiên họp hoặc trong các văn bản tố tụng, Thẩm phán không được đưa ra những nhận định gây xúc phạm người khác.

2.6. Sự tận tụy và không chậm trễ

Tại Điều 8 Quyết định 87/QĐ-HĐTC năm 2018 quy định về sự tận tụy và không chậm trễ như sau:

- Thẩm phán phải tận tụy với công việc và cống hiến hết mình trong việc thực hiện nhiệm vụ tư pháp nhằm giải quyết nhanh nhất các vụ việc được giao.

- Khi giải quyết các vụ việc, Thẩm phán phải tuyệt đối tuân thủ các quy định của pháp luật, không để các vụ việc quá hạn luật định vì những nguyên nhân chủ quan.

2.7. Năng lực và sự chuyên cần

Căn cứ Điều 9 Quyết định 87/QĐ-HĐTC năm 2018 quy định về năng lực và sự chuyên cần như sau:

- Thẩm phán phải thường xuyên học tập, rèn luyện, tích lũy kinh nghiệm để nâng cao kiến thức pháp luật, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng xét xử, bản lĩnh nghề nghiệp và khả năng chuyên nghiệp của người Thẩm phán.

- Thẩm phán phải luôn tự cập nhật thông tin để nắm bắt đầy đủ, kịp thời, sâu sắc về sự phát triển của pháp luật, các vấn đề quan trọng của đời sống chính trị, kinh tế, xã hội trong nước và quốc tế, hỗ trợ cho việc áp dụng pháp luật đúng đắn nhất, phù hợp với lẽ phải.

- Thẩm phán phải chuyên tâm thực hiện các nhiệm vụ được giao; tích cực làm việc với tinh thần “làm hết việc, không làm hết giờ”.

Ngọc Nhi

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@lawnet.vn
3012 lượt xem
Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;