Chủ đầu tư không báo cáo sự cố công trình xây dựng sẽ bị xử phạt như thế nào? Nhờ Thư Ký Luật giải đáp giúp, tôi xin cảm ơn. Đây là câu hỏi Thư Ký Luật nhận được từ anh Hồ Tấn Phát tại Thành phố Hồ Chí Minh ngày 10/5/2020.
- Hướng dẫn các bước giải quyết sự cố công trình xây dựng
- Các mức phạt đối với chủ đầu tư về an toàn trong thi công xây dựng công trình
Ảnh minh họa
Về vấn đề của anh Phát, Ban biên tập THƯ KÝ LUẬT có giải đáp như sau:
Theo quy định tại Điều 34 Luật Xây dựng 2014: “Sự cố công trình xây dựng là hư hỏng vượt quá giới hạn an toàn cho phép, làm cho công trình xây dựng hoặc kết cấu phụ trợ thi công xây dựng công trình có nguy cơ sập đổ, đã sập đổ một phần hoặc toàn bộ trong quá trình thi công xây dựng và khai thác sử dụng công trình.”
Đồng thời, Điều 47 Nghị định 46/2015/NĐ-CP quy định về báo cáo sự cố công trình xây dựng như sau:
1. Ngay sau khi xảy ra sự cố, bằng phương pháp nhanh nhất chủ đầu tư phải báo cáo tóm tắt về sự cố cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi xảy ra sự cố và cơ quan cấp trên của mình, Ủy ban nhân dân cấp xã ngay sau khi nhận được thông tin phải báo cáo cho Ủy ban nhân dân cấp huyện và cấp tỉnh về sự cố.
2. Trong vòng 24 giờ kể từ khi xảy ra sự cố, chủ đầu tư báo cáo về sự cố bằng văn bản tới Ủy ban nhân dân cấp huyện và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi xảy ra sự cố. Đối với tất cả các loại sự cố, nếu có thiệt hại về người thì chủ đầu tư gửi báo cáo cho Bộ Xây dựng và các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền khác theo quy định của pháp luật có liên quan.
Theo đó, tại Điều 21 Nghị định 139/2017/NĐ-CP quy đinh đối với hành vi vi phạm về sự cố công trình sẽ bị xử phạt như sau:
1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Không báo cáo cơ quan có thẩm quyền theo quy định khi xảy ra sự cố công trình;
b) Không tổ chức bảo vệ hiện trường sự cố công trình hoặc tự ý phá dỡ, thu dọn hiện trường khi chưa được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận;
c) Không lập hồ sơ sự cố công trình theo quy định.
2. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc báo cáo bằng văn bản với cơ quan có thẩm quyền đối với hành vi quy định tại điểm a khoản 1 Điều này;
b) Buộc lập hồ sơ sự cố công trình đối với hành vi quy định tại điểm c khoản 1 Điều này.
Như vậy, khi xảy ra sự cố công trình, chủ đầu tư và nhà thầu thi công xây dựng công trình phải có trách nhiệm thực hiện các biện pháp kịp thời để tìm kiếm, cứu hộ, bảo đảm an toàn cho người và tài sản, hạn chế và ngăn ngừa các nguy hiểm có thể tiếp tục xảy ra; tổ chức bảo vệ hiện trường sự cố và thực hiện báo cáo theo quy định tại Điều 47 Nghị định 46/2015/NĐ-CP. Nếu không thực hiện báo cáo, chủ đầu tư sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền từ 01 đến 05 triệu đồng, đồng thời, buộc báo cáo bằng văn bản với cơ quan có thẩm quyền.
Lê Hải