Công chứng viên phải mang theo Thẻ công chứng viên khi hành nghề công chứng. Vậy, hành vi cho thuê, mượn thẻ công chứng viên sẽ bị xử phạt ra sao?
Cho thuê, mượn thẻ công chứng viên bị xử lý thế nào? (Hình từ internet)
1. Quy trình đăng ký hành nghề và cấp thẻ công chứng viên
Theo Điều 4 Thông tư 01/2021/TT-BTP quy định thủ tục đăng ký hành nghề công chứng và cấp Thẻ công chứng viên như sau
- Nộp trực tiếp hoặc gửi qua hệ thống bưu chính 01 bộ hồ sơ đăng ký hành nghề và cấp Thẻ cho công chứng viên của tổ chức mình đến Sở Tư pháp nơi đăng ký hoạt động. Hồ sơ bao gồm các giấy tờ sau đây:
+ Giấy đề nghị đăng ký hành nghề và cấp Thẻ công chứng viên (Mẫu TP-CC-06).
+ Quyết định bổ nhiệm hoặc bổ nhiệm lại công chứng viên.
+ 01 ảnh chân dung cỡ 2cm x 3cm của công chứng viên được đề nghị đăng ký hành nghề và cấp Thẻ.
+ Giấy tờ chứng minh công chứng viên là hội viên Hội công chứng viên tại địa phương.
+ Giấy tờ chứng minh nơi cư trú của công chứng viên tại tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi tổ chức hành nghề công chứng đăng ký hoạt động.
+ Quyết định thu hồi Chứng chỉ hành nghề luật sư, Chứng chỉ hành nghề đấu giá, quyết định miễn nhiệm Thừa phát lại, giấy tờ chứng minh đã chấm dứt công việc thường xuyên khác.
Giấy tờ chứng minh đã được Sở Tư pháp xóa đăng ký hành nghề ở tổ chức hành nghề công chứng trước đó hoặc văn bản cam kết chưa đăng ký hành nghề công chứng kể từ khi được bổ nhiệm, bổ nhiệm lại công chứng viên.
Trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Tư pháp ra quyết định đăng ký hành nghề và cấp Thẻ công chứng viên; trường hợp từ chối phải thông báo bằng văn bản có nêu rõ lý do.
Trong thời hạn 03 ngày, kể từ ngày ra quyết định, Sở Tư pháp gửi quyết định cho người được đăng ký hành nghề và tổ chức hành nghề công chứng đã nộp hồ sơ đề nghị đăng ký hành nghề.
Đồng thời đăng tải trên phần mềm quản lý công chứng của Bộ Tư pháp và Cổng thông tin điện tử Sở Tư pháp thông tin về họ, tên của công chứng viên, số và ngày cấp Thẻ công chứng viên, tên tổ chức hành nghề công chứng nơi công chứng viên hành nghề.
Phôi Thẻ công chứng viên do Bộ Tư pháp phát hành.
- Công chứng viên chỉ được ký văn bản công chứng sau khi được Sở Tư pháp đăng ký hành nghề và cấp Thẻ công chứng viên.
Sau khi đăng ký hành nghề và cấp Thẻ công chứng viên, công chứng viên không được làm việc theo hợp đồng tại công ty khác, giữ chức danh lãnh đạo các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp hoặc tham gia các công việc mà thường xuyên phải làm việc trong giờ hành chính khác.
2. Mức phạt hành vi cho thuê, mượn thẻ công chứng viên
Theo Điều 15 Nghị định 82/2020/NĐ-CP quy định mức phạt tiền đối với cá nhân vi phạm hoạt động hành nghề công chứng như sau:
- Phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 15 triệu đồng đối với hành vi cho người khác sử dụng thẻ công chứng viên để hành nghề công chứng.
- Phạt tiền từ 15 triệu đồng đến 25 triệu đồng đối với hành vi sử dụng thẻ công chứng viên của người khác để hành nghề công chứng.
- Áp dụng phạt bổ sung đối với hành vi vi phạm là tước quyền sử dụng thẻ công chứng viên từ 06 tháng đến 09 tháng đối với hành vi vi phạm tại điểm c khoản 4 Điều Điều 15 Nghị định 82/2020/NĐ-CP.
Ngoài ra, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả như sau: Buộc tổ chức hành nghề công chứng đang lưu trữ hồ sơ công chứng thông báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền, nghĩa vụ liên quan về hành vi vi phạm.
Lưu ý: Tổ chức có hành vi vi phạm tương tự cá nhân thì mức phạt tiền bằng 02 lần so với cá nhân.
Như vậy, hành vi cho người khác thuê, mượn thẻ công chứng có thể bị phạt tiền đến 15 triệu đồng và tước quyền sử dụng thẻ công chứng viên từ 06 tháng đến 09 tháng.
Chí Nhân