Chính sách hỗ trợ để xây nhà ở, tránh bão, lụt miền Trung năm 2020

Hiện nay, miền Trung là nơi chịu nhiều ảnh hưởng của bão, mưa to, gió lớn dẫn đến tốc mái nhiều ngôi nhà gây thiệt hại hàng trăm tỷ đồng. Theo đó, Nhà nước đã có những chính sách hỗ trợ xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt cho người dân các tỉnh miền Trung.

Thông tư 16/2014/TT-BXD

Chính sách hỗ trợ để xây nhà ở, tránh bão, lụt miền Trung năm 2020 (Ảnh minh họa)

1. Đối tượng nào được hỗ trợ nhà ở phòng, tránh bão, lụt?

Theo Điều 1 Thông tư 16/2014/TT-BXD của Bộ Xây dựng hướng dẫn thực hiện Quyết định 48/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt khu vực miền trung quy định các cơ quan chức năng tổ chức triển khai thực hiện hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt tại khu vực nông thôn hoặc đang cư trú tại các thôn, làng, buôn, bản, ấp, phum sóc trực thuộc phường, thị trấn; xã trực thuộc thị xã, thành phố thuộc 14 tỉnh, thành phố: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận. 

Cụ thể, tại Điều 3 Thông tư 16/2014/TT-BXD quy định đối tượng được hỗ trợ nhà ở phòng, tránh bão, lụt phải đáp ứng các điều kiện sau đây:

- Là hộ nghèo theo chuẩn nghèo theo quy định, có trong danh sách hộ nghèo do Ủy ban nhân dân cấp xã quản lý từ 15/10/2014 và là hộ độc lập có thời gian tách hộ đến ngày 15/10/2014 tối thiểu 02 năm.

- Hộ chưa có nhà ở kiên cố hoặc hộ có nhà ở kiên cố nhưng chưa có sàn sử dụng cao hơn mực nước ngập lụt thường xuyên xảy ra tại khu vực nhà ở. Mức ngập lụt quy định tối thiểu là 1,5m và được xác định tính từ nền nhà đến mực nước ngập lụt cao nhất tại vị trí xây dựng. Khu vực có mực nước ngập lụt thường xuyên là khu vực có tần suất ngập lụt tối thiểu là 2 năm liên tiếp hoặc 3 năm ngập lụt không liên tiếp trong vòng 5 năm trở lại đây. Mức ngập lụt và khu vực có mực nước ngập lụt thường xuyên do cơ quan chuyên môn được UBND cấp tỉnh giao theo dõi xác định.

- Trường hợp hộ gia đình là hộ nghèo theo chuẩn nghèo, có trong danh sách hộ nghèo do Ủy ban nhân dân cấp xã quản lý đã được hỗ trợ nhà ở theo các chương trình, chính sách hỗ trợ nhà ở khác của Nhà nước, địa phương và các tổ chức, đoàn thể nhưng chưa có sàn vượt lũ thì thuộc đối tượng được hỗ trợ, trừ trường hợp là đối tượng được hỗ trợ nhà ở cho hộ gia đình mà người có công với cách mạng, thân nhân liệt sỹ hiện đang ở và có hộ khẩu thường trú tại nhà ở đó trước ngày 15/6/2013. 

Hộ gia đình cư trú trong vùng bị ảnh hưởng của bão nhưng không bị ngập lụt theo quy định trên thì không thuộc diện đối tượng được hỗ trợ.

Như vậy, các đối tượng thuộc các tỉnh thành Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên chịu ảnh hưởng của bão khi đáp ứng các điều kiện trên thì được Nhà nước hỗ trợ để xây nhà ở, tránh bão, lụt. 

2. Mức hỗ trợ để xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt khu vực miền Trung

Theo khoản 3 Điều 4 Thông tư 18/2015/TT-BTC hướng dẫn công tác lập dự toán, quản lý, cấp phát, thanh toán, quyết toán nguồn vốn hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt khu vực miền trung quy định mức hỗ trợ về nhà ở từ ngân sách nhà nước (ngân sách trung ương và ngân sách địa phương) để xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt (bao gồm xây dựng mới hoặc cải tạo, nâng tầng) như sau:

  • 16 triệu đồng/hộ đang cư trú tại các thôn đặc biệt khó khăn;

  • 14 triệu đồng/hộ đang cư trú tại các đơn vị hành chính thuộc vùng khó khăn;

  • 12 triệu đồng/hộ đang cư trú tại vùng còn lại.

3. Trình tự lập và phê duyệt danh sách hộ nghèo được hỗ trợ xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt

Theo Điều 4 Thông tư 18/2015/TT-BTC quy định trình tự lập và phê duyệt danh sách hộ nghèo được hỗ trợ xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt được thực hiện như sau:

- Thôn tổ chức bình xét các hộ gia đình nghèo đề nghị hỗ trợ xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt. Trưởng thôn tổ chức họp để phổ biến nội dung chính sách hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt đến các hộ dân; tổ chức bình xét các hộ gia đình nghèo đề nghị được hỗ trợ xây dựng nhà ở phòng, tránh bão lụt trên cơ sở danh sách hộ nghèo do UBND cấp xã đang quản lý.

Lưu ý: Cuộc họp phải có đại diện tối thiểu của 60% số hộ gia đình trong thôn và có sự tham gia của đại diện chính quyền cấp xã, đại diện Mặt trận Tổ quốc cấp xã và trưởng thôn. Việc bình xét theo nguyên tắc dân chủ, công khai, công bằng, minh bạch. Hộ được đưa vào danh sách đề nghị hỗ trợ phải được trên 50% số người tham dự cuộc họp đồng ý (theo hình thức biểu quyết giơ tay hoặc bỏ phiếu kín). Các thôn hướng dẫn các hộ dân có tên trong danh sách đã được phê duyệt làm đơn đăng ký hỗ trợ xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt. Danh sách các hộ gia đình nghèo đề nghị được hỗ trợ xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt của thôn được sắp xếp theo thứ tự ưu tiên và được công khai tại thôn. Tùy theo đặc điểm, điều kiện và tình hình cụ thể, các địa phương có thể thực hiện hỗ trợ trước cho những hộ gia đình đảm bảo điều kiện và đã sẵn sàng cho việc xây dựng nhà ở để đảm bảo tiến độ quy định.

- UBND cấp xã có trách nhiệm rà soát, tổng hợp nhu cầu của các thôn (danh sách, số lượng hộ, vốn xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt) gửi UBND cấp huyện phê duyệt.

- UBND cấp huyện tổng hợp và phê duyệt theo thẩm quyền danh sách hộ nghèo được hỗ trợ xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt; đồng thời báo cáo UBND cấp tỉnh.

- Trên cơ sở báo cáo của UBND cấp huyện, UBND cấp tỉnh giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan lập và trình UBND cấp tỉnh phê duyệt Đề án hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt trên địa bàn tỉnh hoặc thành phố trực thuộc trung ương theo hướng dẫn của Bộ Xây dựng. Sau khi phê duyệt, UBND cấp tỉnh gửi Đề án về Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Ngân hàng Chính sách xã hội để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Ngoài được hỗ trợ bằng tiền mặt, Nhà nước còn hỗ trợ vay vốn để xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt khu vực miền Trung

Theo Điều 5 – Điều 8 Thông tư 41/2014/TT-NHNN hướng dẫn việc cho vay của Ngân hàng Chính sách xã hội quy định về việc cho vay đối với hộ nghèo để xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt khu vực miền Trung, cụ thể như sau:

- Lãi suất cho vay áp dụng: 3%/năm.

- Thời hạn cho vay: 10 năm.

Trong đó thời gian ân hạn trả nợ gốc, lãi là 05 năm tính từ thời điểm hộ gia đình bắt đầu nhận khoản vốn vay đầu tiên.

- Trả nợ gốc và lãi vốn vay:

  • Ngân hàng Chính sách xã hội và hộ gia đình vay vốn thỏa thuận về số tiền và các kỳ hạn trả nợ gốc; các kỳ hạn trả nợ lãi;

  • Hộ gia đình vay vốn thực hiện trả nợ gốc, lãi vốn vay từ năm thứ 6. Mức trả nợ mỗi năm tối thiểu bằng 20% tổng số vốn đã vay;

  • Hộ gia đình vay vốn được trả nợ gốc và lãi vốn vay trước hạn.

Các hộ gia đình thuộc các tỉnh miền Trung chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của bão cần lưu ý các quy định trên để được hưởng chính sách hỗ trợ xây nhà ở phòng, tránh bão, lụt trong giai đoạn khó khăn này.

Lê Vy

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@lawnet.vn
2742 lượt xem
Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;