Người khuyết tật là gì? Chính sách dạy nghề và việc làm với người khuyết tật quy định ra sao? - Kim Ánh (Long An)
- Điều kiện thành lập trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập
- Nghiên cứu chính sách chi trả BHYT với người khuyết tật dùng dụng cụ phục hồi chức năng
- Điều kiện cấp giấy phép hoạt động chăm sóc người khuyết tật
- Người khuyết tật là ai? Thủ tục xác định mức độ khuyết tật
- Mức chi hỗ trợ phẫu thuật chỉnh hình cho người khuyết tật
Chính sách dạy nghề và việc làm với người khuyết tật (Hình từ Internet)
1. Người khuyết tật là gì?
Theo khoản 1 Điều 2 Luật Người khuyết tật 2010 thì người khuyết tật là người bị khiếm khuyết một hoặc nhiều bộ phận cơ thể hoặc bị suy giảm chức năng được biểu hiện dưới dạng tật khiến cho lao động, sinh hoạt, học tập gặp khó khăn.
2. Chính sách dạy nghề với người khuyết tật
Việc dạy nghề với người khuyết tật theo Điều 32 Luật Người khuyết tật 2010 như sau:
- Nhà nước bảo đảm để người khuyết tật được tư vấn học nghề miễn phí, lựa chọn và học nghề theo khả năng, năng lực bình đẳng như những người khác.
- Cơ sở dạy nghề có trách nhiệm cấp văn bằng, chứng chỉ, công nhận nghề đào tạo khi người khuyết tật học hết chương trình đào tạo và đủ điều kiện theo quy định của thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước về dạy nghề.
- Cơ sở dạy nghề tổ chức dạy nghề cho người khuyết tật phải bảo đảm điều kiện dạy nghề cho người khuyết tật và được hưởng chính sách ưu đãi theo quy định của pháp luật.
- Người khuyết tật học nghề, giáo viên dạy nghề cho người khuyết tật được hưởng chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật.
3. Chính sách việc làm với người khuyết tật
Chính sách việc làm với người khuyết tật theo Điều 33 Luật Người khuyết tật 2010 như sau:
- Nhà nước tạo điều kiện để người khuyết tật phục hồi chức năng lao động, được tư vấn việc làm miễn phí, có việc làm và làm việc phù hợp với sức khỏe và đặc điểm của người khuyết tật.
- Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân không được từ chối tuyển dụng người khuyết tật có đủ tiêu chuẩn tuyển dụng vào làm việc hoặc đặt ra tiêu chuẩn tuyển dụng trái quy định của pháp luật nhằm hạn chế cơ hội làm việc của người khuyết tật.
- Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân sử dụng lao động là người khuyết tật tùy theo điều kiện cụ thể bố trí sắp xếp công việc, bảo đảm điều kiện và môi trường làm việc phù hợp cho người khuyết tật.
- Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân sử dụng lao động là người khuyết tật phải thực hiện đầy đủ quy định của pháp luật về lao động đối với lao động là người khuyết tật.
- Tổ chức giới thiệu việc làm có trách nhiệm tư vấn học nghề, tư vấn và giới thiệu việc làm cho người khuyết tật.
- Người khuyết tật tự tạo việc làm hoặc hộ gia đình tạo việc làm cho người khuyết tật được vay vốn với lãi suất ưu đãi để sản xuất kinh doanh, được hướng dẫn về sản xuất, chuyển giao công nghệ, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm theo quy định của Chính phủ.
4. Thông tin, truyền thông và giáo dục với người khuyết tật
Thông tin, truyền thông và giáo dục với người khuyết tật theo Điều 13 Luật Người khuyết tật 2010 như sau:
- Thông tin, truyền thông, giáo dục về vấn đề khuyết tật nhằm phòng ngừa, giảm thiểu khuyết tật; nâng cao nhận thức, thay đổi thái độ và hành vi về vấn đề khuyết tật; chống kỳ thị, phân biệt đối xử người khuyết tật.
- Nội dung thông tin, truyền thông, giáo dục về vấn đề khuyết tật bao gồm:
+ Quyền, nghĩa vụ của người khuyết tật;
+ Đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về người khuyết tật;
+ Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân, gia đình đối với người khuyết tật;
+ Nguyên nhân dẫn đến khuyết tật và các biện pháp phòng ngừa, giảm thiểu khuyết tật;
+ Chống kỳ thị, phân biệt đối xử người khuyết tật.
- Thông tin, truyền thông, giáo dục về vấn đề khuyết tật phải bảo đảm chính xác, rõ ràng, thiết thực; phù hợp với truyền thống văn hóa, đạo đức xã hội.
- Trách nhiệm thông tin, truyền thông, giáo dục về vấn đề khuyết tật:
+ Cơ quan, tổ chức trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm thông tin, truyền thông, giáo dục về vấn đề khuyết tật;
+ Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm tổ chức thực hiện công tác thông tin, truyền thông, giáo dục về vấn đề khuyết tật cho nhân dân trên địa bàn địa phương;
+ Các cơ quan thông tin đại chúng có trách nhiệm ưu tiên về dung lượng, vị trí đăng trên báo in, báo điện tử; về thời điểm, thời lượng phát sóng thông tin, truyền thông, giáo dục về vấn đề khuyết tật trên đài phát thanh, đài truyền hình theo quy định của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông.
Quốc Đạt
- Từ khóa:
- người khuyết tật