Nghị định 83/2017/NĐ-CP quy định chế độ, chính sách cho người cứu nạn, cứu hộ phòng cháy, chữa cháy (PCCC) (bao gồm người tham gia, người được huy động và người làm nhiệm vụ trực) như sau:
Đối với người tham gia cứu nạn, cứu hộ; cán bộ, đội viên đội dân phòng; đội PCCC cơ sở và chuyên ngành tham gia cứu nạn, cứu hộ:
Người được huy động tham gia cứu nạn, cứu hộ, cán bộ, đội viên Đội dân phòng, Đội PCCC cơ sở và chuyên ngành khi tham gia các hoạt động cứu nạn, cứu hộ thì được hưởng các chế độ, chính sách như khi tham gia chữa cháy quy định tại Nghị định 79/2014/NĐ-CP. Cụ thể:
- Nếu thời gian chữa cháy dưới 02 giờ: Được bồi dưỡng một khoản tiền bằng 0,5 ngày lương cơ sở;
- Nếu thời gian chữa cháy từ 02 giờ đến dưới 04 giờ: Được bồi dưỡng một khoản tiền bằng 0,75 ngày lương cơ sở.
- Nếu thời gian chữa cháy từ 04 giờ trở lên hoặc chữa cháy nhiều ngày thì cứ 04 giờ được bồi dưỡng một khoản tiền bằng 01 ngày lương cơ sở. Nếu tham gia chữa cháy vào ban đêm từ 22 giờ - 6 giờ sáng thì được tính gấp 2 lần.
Trường hợp bị tai nạn, bị thương:
- Được thanh toán tiền khám bệnh, chữa bệnh;
- Bị tai nạn làm suy giảm khả năng lao động: Được xét trợ cấp tùy theo mức độ suy giảm khả năng lao động;
- Bị chết thì được hưởng trợ cấp tiền tuất, tiền mai táng phí.
- Nếu bị thương thuộc trường hợp quy định tại Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng thì được xét hưởng chính sách thương binh hoặc như thương binh.
- Nếu bị chết thuộc trường hợp quy định tại Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng thì được xét công nhận là liệt sỹ.
Đặc biệt:
- Đội trưởng, Đội phó đội PCCC cơ sở không chuyên trách ngoài việc được hưởng nguyên lương và các khoản phụ cấp khác (nếu có) còn được hưởng hỗ trợ thường xuyên do cơ quan, tổ chức quản lý chi trả với mức hỗ trợ cho từng chức danh nhưng không thấp hơn hệ số 0,3 lương cơ sở.
- Cán bộ, đội viên đội dân phòng khi tham gia huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ PCCC, mỗi ngày được hưởng trợ cấp một khoản tiền bằng 1,5 ngày lương cơ sở;
- Cán bộ, đội viên đội PCCC cơ sở và chuyên ngành trong thời gian tham gia huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ PCCC được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương và các khoản phụ cấp khác (nếu có) và mỗi ngày được hưởng một khoản tiền bồi dưỡng bằng 0,5 ngày lương.
Đối với sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ, học viên, công nhân Công an thuộc lực lượng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ:
Sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ, học viên, công nhân Công an thuộc lực lượng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ ngoài việc được hưởng chế độ, chính sách theo quy định đối với sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ Cảnh sát nhân dân còn được hưởng:
- Chế độ định lượng ăn cao, bồi dưỡng khi tập luyện, khi cứu nạn, cứu hộ;
- Chế độ, chính sách như đối với người làm các ngành, nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, nguy hiểm, độc hại theo quy định pháp luật.
Đối với người làm nhiệm vụ trực cứu nạn, cứu hộ:
Người trực cứu nạn, cứu hộ được hưởng chế độ trực ban đêm (bắt đầu từ 22 giờ) theo mức hưởng quy định tại khoản 1 Điều 18 Nghị định 30/2017/NĐ-CP. Cụ thể:
- Mức 1: Trực có thời gian từ 04 giờ/01 ngày trở lên được hưởng mức tiền ăn thêm/01 ngày bằng 4% nhân với lương cơ sở theo quy định hiện hành;
- Mức 2: Trực có thời gian từ 02 giờ đến dưới 04 giờ được hưởng mức tiền ăn thêm bằng 2% nhân với lương cơ sở theo quy định hiện hành.
Đối với người được huy động làm nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ
Người không hưởng lương từ NSNN trong thời gian được huy động thực hiện nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ theo quyết định của cấp có thẩm quyền được hưởng chế độ theo mức hưởng quy định tại điểm a và b khoản 1 Điều 19 Nghị định 30/2017/NĐ-CP. Cụ thể:
- Được trợ cấp ngày công lao động từng ngành nghề theo mức do UBND cấp tỉnh quy định:
- Đối với lao động phổ thông, mức trợ cấp ngày công thấp nhất bằng 0,1 lần mức lương cơ sở;
- Đối với lao động có liên quan trực tiếp đến chất phóng xạ, tác nhân sinh học, hóa chất độc hại mức trợ cấp thấp nhất bằng 0,1 lần mức lương cơ sở;
- Nếu làm nhiệm vụ từ 22 giờ ngày hôm trước đến 06 giờ sáng ngày hôm sau được tính gấp đôi;
- Làm nhiệm vụ trong điều kiện có yếu tố độc hại, nguy hiểm thì được bồi dưỡng tại chỗ theo quy định pháp luật;
- Khi làm nhiệm vụ cách xa nơi cư trú, không có điều kiện đi, về hàng ngày thì được cấp huy động bố trí nơi ăn, nghỉ, hỗ trợ phương tiện, chi phí đi lại hoặc thanh toán tiền tàu xe một lần đi và về; được hỗ trợ tiền ăn theo mức do UBND cấp tỉnh quy định;
Người được hưởng lương từ NSNN, trong thời gian được huy động thực hiện nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ theo quyết định của cấp có thẩm quyền được cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc trả nguyên lương và các khoản phụ cấp, được thanh toán phụ cấp đi đường và tiền tàu xe, khi làm việc trong môi trường độc hại và nơi có phụ cấp khu vực, được hưởng theo chế độ hiện hành.
Cán bộ, chiến sĩ CAND được huy động thực hiện nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ theo quyết định của cấp có thẩm quyền được hưởng chế độ như đối với người được huy động làm nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ không hưởng lương từ NSNN.
Đối với những người tham gia cứu nạn, cứu hộ bị ốm đau, tai nạn và chết:
Chế độ, chính sách đối với người bị ốm đau, tai nạn thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 20 Nghị định 30/2017/NĐ-CP. Cụ thể:
- Đối với người đang tham gia BHXH bắt buộc mà ốm đau, bị tai nạn, bị thương hoặc chết thì được giải quyết chế độ theo quy định về BHXH; an toàn vệ sinh lao động và pháp luật về BHYT;
- Đối với người không tham gia BHXH bắt buộc:
- Bị ốm đau: Trong khi làm nhiệm vụ nếu chưa tham gia đóng BHYT thì được thanh toán tiền khám chữa bệnh như tiêu chuẩn của người tham gia đóng BHYT;
- Bị tai nạn:
- Được thanh toán chi phí y tế trong quá trình sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị ổn định thương tật, xuất viện;
- Sau khi điều trị được cơ quan chức năng giới thiệu đi giám định khả năng lao động tại Hội đồng giám định y khoa;
- Trường hợp người chưa tham gia đóng BHXH bị suy giảm khả năng lao động 5% thì được hưởng 05 lần mức lương cơ sở, sau đó cứ suy giảm thêm 1% thì được hưởng thêm 0,5 lần mức lương cơ sở;
- Người bị tai nạn bị mất một hay nhiều bộ phận cơ thể hoặc chức năng, biểu hiện dưới những dạng tật khác nhau, làm suy giảm khả năng hoạt động, khiến cho việc lao động, sinh hoạt, học tập gặp nhiều khó khăn được hưởng các chế độ ưu đãi theo quy định của pháp luật đối với người tàn tật;
- Trường hợp bị chết, kể cả chết trong thời gian điều trị lần đầu, nếu người bị chết chưa tham gia đóng BHXH, thì người trực tiếp mai táng được nhận tiền mai táng bằng 10 lần mức lương cơ sở và gia đình của người đó được trợ cấp một lần bằng 36 lần mức lương cơ sở.
Đối với người bị thương, hy sinh
Người tham gia cứu nạn, cứu hộ khi làm nhiệm vụ cứu người, cứu tài sản của Nhà nước, của nhân dân, nếu bị thương, hy sinh thì được xem xét để hưởng các chế độ, chính sách ưu đãi theo quy định của pháp luật.
Xem thêm Nghị định 83/2017/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 04/10/2017, thay thế Quyết định 44/2012/QĐ-TTg ngày 15/10/2012.