Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 ghi nhận quyền có tài sản riêng của con. Tuy nhiên, nhiều bậc phụ huynh cho rằng tiền riêng của con thì mặc định do cha mẹ giữ. Vậy dưới góc độ pháp luật thì cha mẹ có được giữ tiền riêng của con không?
- 05 tiêu chí ứng xử trong gia đình (mới nhất)
- Mới: Cha mẹ cố ý bỏ rơi con sẽ bị phạt đến 25 triệu đồng
- Cha mẹ phân biệt giữa con trai và con gái bị phạt tới 5 triệu đồng
Cha mẹ có được giữ tiền riêng của con không? (Ảnh minh họa)
1. Cha mẹ có được giữ tiền riêng của con không?
Theo khoản 1 Điều 75 Luật Hôn nhân và Gia đình quy định tài sản riêng của con bao gồm:
- Tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng;
- Thu nhập do lao động của con;
- Hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng của con;
- Thu nhập hợp pháp khác.
Đồng thời, tài sản được hình thành từ tài sản riêng của con cũng là tài sản riêng của con.
Theo quy định này thì con hoàn toàn có quyền tài sản riêng đối với các loại tài sản nêu trên.
Căn cứ Điều 76 Luật Hôn nhân và Gia đình, việc quản lý tài sản riêng của con sẽ phụ thuộc vào độ tuổi của con, cụ thể như sau:
- Con từ đủ 15 tuổi trở lên có thể tự mình quản lý tài sản riêng hoặc nhờ cha mẹ quản lý.
- Con dưới 15 tuổi, con mất năng lực hành vi dân sự do cha mẹ quản lý. Cha mẹ có thể ủy quyền cho người khác quản lý tài sản riêng của con. Tài sản riêng của con do cha mẹ hoặc người khác quản lý được giao lại cho con khi con từ đủ 15 tuổi trở lên hoặc khi con khôi phục năng lực hành vi dân sự đầy đủ, trừ trường hợp cha mẹ và con có thỏa thuận khác.
Như vậy, cha mẹ được giữ tiền riêng của con khi con dưới 15 tuổi và giao lại cho con khi con từ đủ 15 tuổi trở lên. Khi con từ đủ 15 tuổi trở lên, con hoàn toàn có quyền tự mình quản lý tài sản riêng trừ khi con nhờ cha mẹ quản lý hộ.
Mặt khác, lưu ý rằng cha mẹ không quản lý tài sản riêng của con trong trường hợp sau:
- Con đang được người khác giám hộ theo quy định của Bộ luật dân sự;
- Người tặng cho tài sản hoặc để lại tài sản thừa kế theo di chúc cho người con đã chỉ định người khác quản lý tài sản đó hoặc trường hợp khác theo quy định của pháp luật.
- Trong trường hợp cha mẹ đang quản lý tài sản riêng của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự mà con được giao cho người khác giám hộ thì tài sản riêng của con được giao lại cho người giám hộ quản lý theo quy định của Bộ luật dân sự.
Ngoài ra, pháp luật cũng quy định việc định đoạt tài sản riêng của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự, cụ thể:
- Khi con dưới 15 tuổi, cha mẹ hoặc người giám hộ quản lý tài sản riêng của con có quyền định đoạt tài sản đó vì lợi ích của con, nếu con từ đủ 09 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.
- Con từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi có quyền định đoạt tài sản riêng, trừ trường hợp tài sản là bất động sản, động sản có đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng hoặc dùng tài sản để kinh doanh thì phải có sự đồng ý bằng văn bản của cha mẹ hoặc người giám hộ.
Trong trường hợp con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự thì việc định đoạt tài sản riêng của con do người giám hộ thực hiện.
2. Mức phạt đối với hành vi chiếm đoạt tài sản riêng của con
Tại khoản 1 Điều 58 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định như sau:
Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi chiếm đoạt tài sản riêng của thành viên gia đình.
Như vậy, khi cha mẹ có hành vi chiếm đoạt tài sản riêng của con có thể bị phạt tiền từ 20 - 30 triệu đồng. Mức phạt này đã tăng mạnh so với quy định cũ tại điểm a khoản 2 Điều 56 Nghị định 167/2013/NĐ-CP (từ 500.000 đồng - 1 triệu đồng).
3. Cha mẹ giữ tiền lì xì của con có bị phạt đến 30 triệu đồng?
Như quy định nêu trên, chỉ khi có hành vi chiếm đoạt tài sản riêng của thành viên trong gia đình (cha, mẹ, vợ, chồng, con đẻ, con nuôi, anh, chị, em…) thì mới bị phạt tiền từ 20 – 30 triệu đồng.
Đồng thời, để khẳng định cha, mẹ giữ tiền lì xì của con bị phạt đến 30 triệu đồng theo quy định trên thì cần phải xem xét đây có phải là hành vi “chiếm đoạt tài sản riêng của con” hay không.
Vì trong thực tế, mục đích cha mẹ giữ tiền lì xì của con thường xuất phát từ các nguyên nhân: để con tiết kiệm tiền hoặc dùng tiền lì xì để chi tiêu các hoạt động cần thiết cho con như cho trẻ mua quần áo, sách vở, đóng học phí… Rất hiếm trường hợp, cha mẹ giữ tiền lì xì của con vì muốn chiếm đoạt tài sản của con. Do đó, không phải mọi trường hợp, cha mẹ giữ hết tiền lì xì của con đều bị phạt đến 30 triệu đồng.
Bảo Ngọc