Dưới đây là 06 Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia mới áp dụng từ năm 2017 liên quan đến lĩnh vực Viễn thông.
Ban hành kèm theo Thông tư 26/2016/TT-BTTTT là Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCKTQG) về tiếp đất cho các trạm viễn thông (QCVN 9:2016/BTTTT) có hiệu lực áp dụng từ 01/5/2017, thay thế cho QCVN 09:2010/BTTTT quy định tại Khoản 8 Điều 1 Thông tư 18/2010/TT-BTTTT.
Quy chuẩn này quy định các yêu cầu kỹ thuật về tiếp đất cho các trạm viễn thông bao gồm yêu cầu đối với hệ thống tiếp đất, mạng liên kết trong tòa nhà, mạng liên kết các thiết bị nối hai mạng này với nhau, áp dụng cho các trạm viễn thông trong quá trình thiết kế, xây dựng, vận hành và bảo dưỡng.
Trạm viễn thông trong quy chuẩn này bao gồm các công trình sau:
- Trung tâm chuyển mạch, truyền dẫn;
- Trung tâm dữ liệu (datacenter);
- Trạm thu phát sóng vô tuyến điện cố định sử dụng trong nghiệp vụ vô tuyến điện cố định, thông tin di động, hàng không, hàng hải, dẫn đường, định vị, vệ tinh, phát chuẩn, nghiệp dư;
- Đài phát thanh, đài truyền hình
Quy chuẩn này không áp dụng cho nhà thuê bao.
Ban hành kèm theo Thông tư 27/2016/TT-BTTTT là QCKTQG về thiết bị vô tuyến trong nghiệp vụ di động hàng không băng tần 117,975-137 MHz dùng trên mặt đất sử dụng điều chế AM (QCVN 105:2016/BTTTT) có hiệu lực áp dụng từ 01/7/2017
Quy chuẩn này áp dụng cho thiết bị phát, thu phát vô tuyến VHF điều chế biên độ song biên đầy đủ sóng mang (DSB AM), với khoảng cách kênh 8,33 kHz hoặc 25 kHz dùng cho thoại tương tự để truyền thông tin cho ACARS.
Quy chuẩn này được giới hạn cho thiết bị trạm gốc mặt đất, thiết bị di động, thiết bị xách tay và thiết bị cầm tay sử dụng trên mặt đất. Các thiết bị vô tuyến này có thể hoạt động ở trong tất cả hoặc một phần của băng tần từ 117,975 MHz tới 137 MHz.
Ban hành kèm theo Thông tư 28/2016/TT-BTTTT là QCKTQG về thiết bị chỉ góc hạ cánh trong hệ thống vô tuyến dẫn đường hàng không (QCVN 104:2016/BTTTT) có hiệu lực từ ngày 01/7/2017.
Quy chuẩn quy định yêu cầu kỹ thuật áp dụng cho thiết bị chỉ góc hạ cánh trong hệ thống vô tuyến dẫn đường hàng không dùng trên mặt đất hoạt động băng tần từ 328,6 MHz đến 335,4 MHz.
Ban hành kèm theo Thông tư 29/2016/TT-BTTTT là QCKTQG về tương thích điện từ đối với thiết bị vô tuyến trong nghiệp vụ di động hàng không băng tần 117,975-137 MHz dùng trên mặt đất (QCVN 106:2016/BTTTT) có hiệu lực từ ngày 01/7/2017.
Quy chuẩn quy định các yêu cầu về tương thích điện từ (EMC), điều kiện đo kiểm, đánh giá chỉ tiêu và tiêu chí chất lượng đối với các thiết bị trạm gốc mặt đất (bao gồm cả thiết bị trạm gốc VDL Mode 2 và thiết bị trạm gốc VDL Mode 4), thiết bị di động, thiết bị xách tay và thiết bị cầm tay sử dụng trong nghiệp vụ di động hàng không hoạt động trên mặt đất trong băng tần VHF và thiết bị phụ trợ liên quan.
Các thiết bị thuộc phạm vi của quy chuẩn có các đặc tính sau:
- Hoạt động trong dải tần số 117,975 MHz đến 137 MHz, khoảng cách kênh 8,33 kHz hoặc 25 kHz;
- Sử dụng kỹ thuật điều chế DSB AM, AM A3E, GFSK hoặc D8PSK.
Ban hành kèm theo Thông tư 30/2016/TT-BTTTT là QCKTQG về thiết bị trạm gốc thông tin di động GSM (QCVN 41:2016/BTTTT), có hiệu lực từ ngày 01/5/2017, thay thế QCVN 41:2011/BTTTT quy định tại Khoản 5 Điều 1 Thông tư 29/2011/TT-BTTTT.
Quy chuẩn quy định các yêu cầu kỹ thuật đối với các thiết bị trạm gốc thông tin di động GSM hoạt động trên băng tần quy định theo bảng sau:
Ký hiệu băng tần |
Hướng truyền |
Băng tần hoạt động |
P-GSM 900 |
Hướng phát |
935 MHz – 960 MHz |
Hướng thu |
980 MHz – 915 MHz |
|
E-GSM 900 |
Hướng phát |
925 MHz – 960 MHz |
Hướng thu |
880 MHz – 915 MHz |
|
DCS 1 800 |
Hướng phát |
1 805 MHz – 1 880 MHz |
Hướng thu |
1 710 MHz – 1 785 MHz |
Ban hành kèm theo Thông tư 31/2016/TT-BTTTT là QCKTQG về tương thích điện từ đối với thiết bị trạm gốc, lặp và phụ trợ trong hệ thống thông tin di động GSM, W-CDMA FDD và LTE (QCVN 103:2016/BTTTT) có hiệu lực từ ngày 01/6/2017.
Quy chuẩn quy định các yêu cầu kỹ thuật về tương thích điện tử (EMC) cho:
- Thiết bị trạm gốc trong hệ thống GSM;
- Thiết bị trạm gốc trong hệ thống thông tin di động IMT-2000 CDMA trải phổ trực tiếp W-CDMA FDD (UTRA FDD);
- Thiết bị trạm gốc trong hệ thống LTE (E-UTRA);
- Thiết bị lặp trong hệ thống GSM;
- Thiết bị lặp trong hệ thống thông tin di động IMT-2000 CDMA trải phổ trực tiếp W-CDMA FDD (UTRA FDD);
- Thiết bị lặp trong hệ thống LTE (E-UTRA) và thiết bị phụ trợ liên quan.