Các loại hình dịch vụ chuyển giao công nghệ

Xin cho tôi hỏi dịch vụ chuyển giao công nghệ có những loại hình dịch vụ nào? - Quốc Thắng (Khánh Hòa)

Các loại hình dịch vụ chuyển giao công nghệ

Các loại hình dịch vụ chuyển giao công nghệ (Hình từ Internet)

1. Thế nào là chuyển giao công nghệ?

Theo khoản 7 Điều 2 Luật Chuyển giao công nghệ 2017, chuyển giao công nghệ là chuyển nhượng quyền sở hữu công nghệ hoặc chuyển giao quyền sử dụng công nghệ từ bên có quyền chuyển giao công nghệ sang bên nhận công nghệ.

Trong đó, chuyển giao công nghệ bao gồm:

- Chuyển giao công nghệ trong nước là việc chuyển giao công nghệ được thực hiện trong lãnh thổ Việt Nam.

- Chuyển giao công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam là việc chuyển giao công nghệ qua biên giới vào lãnh thổ Việt Nam.

- Chuyển giao công nghệ từ Việt Nam ra nước ngoài là việc chuyển giao công nghệ từ lãnh thổ Việt Nam qua biên giới ra nước ngoài.

(Khoản 8, 9 và 10 Điều 2 Luật Chuyển giao công nghệ 2017)

2. Các loại hình dịch vụ chuyển giao công nghệ

Cụ thể tại Điều 45 Luật Chuyển giao công nghệ 2017, các loại hình dịch vụ chuyển giao công nghệ bao gồm:

- Môi giới chuyển giao công nghệ là hoạt động hỗ trợ tìm kiếm đối tác để thực hiện chuyển giao công nghệ. (Khoản 20 Điều 2Luật Chuyển giao công nghệ 2017)

- Tư vấn chuyển giao công nghệ là hoạt động hỗ trợ lựa chọn, ứng dụng công nghệ; khai thác thông tin công nghệ, thông tin sáng chế, kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; đàm phán, ký kết và thực hiện chuyển giao công nghệ. (Khoản 21 Điều 2 Luật Chuyển giao công nghệ 2017)

- Đánh giá công nghệ là hoạt động xác định trình độ, hiệu quả kinh tế, tác động của công nghệ đến môi trường, kinh tế - xã hội. (Khoản 17 Điều 2 Luật Chuyển giao công nghệ 2017)

- Thẩm định giá công nghệ là việc cơ quan, tổ chức có chức năng thẩm định giá công nghệ xác định giá trị bằng tiền của công nghệ phù hợp với giá thị trường tại một địa điểm, thời điểm nhất định, phục vụ cho mục đích nhất định theo tiêu chuẩn thẩm định giá. (Khoản 18 Điều 2 Luật Chuyển giao công nghệ 2017)

- Giám định công nghệ là hoạt động xác định các chỉ tiêu của công nghệ đạt được trong quá trình ứng dụng so với các chỉ tiêu đã được các bên thỏa thuận. (Khoản 19 Điều 2 Luật Chuyển giao công nghệ 2017)

- Xúc tiến chuyển giao công nghệ là hoạt động thúc đẩy cơ hội chuyển giao công nghệ; cung ứng dịch vụ quảng cáo, trưng bày, giới thiệu công nghệ; tổ chức chợ, hội chợ, triển lãm công nghệ, điểm kết nối cung cầu công nghệ, trung tâm giao dịch công nghệ. (Khoản 22 Điều 2 Luật Chuyển giao công nghệ 2017)

3. Quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ chuyển giao công nghệ

3.1. Quyền của tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ chuyển giao công nghệ

Tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ chuyển giao công nghệ có các quyền sau đây:

- Yêu cầu người sử dụng dịch vụ cung cấp thông tin, tài liệu cần thiết cho việc cung ứng dịch vụ chuyển giao công nghệ;

- Hưởng thu nhập từ kinh doanh dịch vụ và lợi ích khác từ việc cung ứng dịch vụ chuyển giao công nghệ theo thỏa thuận;

- Sử dụng cộng tác viên, chuyên gia phục vụ hoạt động dịch vụ chuyển giao công nghệ;

- Hưởng quyền sử dụng cơ sở dữ liệu về công nghệ theo quy định của pháp luật;

- Yêu cầu người sử dụng dịch vụ bồi thường thiệt hại do lỗi của người sử dụng dịch vụ gây ra;

- Hợp tác, liên doanh với tổ chức, cá nhân để tiến hành hoạt động dịch vụ chuyển giao công nghệ;

- Tham gia hội nghề nghiệp trong nước, quốc tế theo quy định của pháp luật;

- Các quyền khác theo quy định Luật Chuyển giao công nghệ 2017 và pháp luật có liên quan.

Tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động môi giới, tư vấn, xúc tiến chuyển giao công nghệ có các quyền quy định trên và được hưởng lợi nhuận từ việc sử dụng, chuyển giao quyền sử dụng, chuyển nhượng, góp vốn bằng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước.

(Điều 46 Luật Chuyển giao công nghệ 2017)

3.2. Nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ chuyển giao công nghệ

Tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ chuyển giao công nghệ có nghĩa vụ sau đây:

- Thực hiện hợp đồng dịch vụ chuyển giao công nghệ đã giao kết;

- Chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện dịch vụ chuyển giao công nghệ của mình;

- Bồi thường thiệt hại do lỗi của mình gây ra cho bên sử dụng dịch vụ chuyển giao công nghệ;

- Bảo quản, giao lại cho bên sử dụng dịch vụ tài liệu, phương tiện được giao sau khi hoàn thành dịch vụ theo thỏa thuận;

- Thông báo kịp thời cho bên sử dụng dịch vụ về thông tin, tài liệu không đủ để hoàn thành dịch vụ;

- Giữ bí mật thông tin theo thỏa thuận trong hợp đồng dịch vụ chuyển giao công nghệ;

- Thực hiện nghĩa vụ về tài chính, nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

Đối với tổ chức đánh giá, thẩm định giá, giám định công nghệ, ngoài nghĩa vụ quy định tại trên còn có nghĩa vụ sau đây:

- Đăng ký đáp ứng điều kiện hoạt động dịch vụ đánh giá, thẩm định giá, giám định công nghệ theo quy định của pháp luật;

- Hằng năm, gửi báo cáo kết quả hoạt động đánh giá, thẩm định giá, giám định công nghệ tới cơ quan quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ.

(Điều 47 Luật Chuyển giao công nghệ 2017)

Thanh Rin

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@lawnet.vn
549 lượt xem
Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;