Xin cho tôi hỏi thế nào là khuyến nông? Hoạt động khuyến nông trong nông nghiệp được thể hiện qua các hình thức nào? - Khánh Hiệp (Hậu Giang)
Các hình thức hoạt động khuyến nông trong nông nghiệp (Hình từ Internet)
1. Thế nào là khuyến nông?
Theo khoản 1 Điều 2 Nghị định 83/2018/NĐ-CP, khuyến nông là hoạt động chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, thông tin, truyền bá kiến thức và đào tạo tay nghề cho nông dân nhằm nâng cao năng lực và hiệu quả sản xuất, kinh doanh nông nghiệp, bảo vệ môi trường và xây dựng nông thôn mới.
2. Các hình thức hoạt động khuyến nông trong nông nghiệp
Hình thức hoạt động khuyến nông trong nông nghiệp bao gồm:
- Hình thức hoạt động khuyến nông trong nông nghiệp ở trung ương
+ Chương trình khuyến nông trung ương (từ 05 đến 10 năm);
+ Kế hoạch nhiệm vụ khuyến nông thường xuyên (hàng năm);
+ Chương trình, kế hoạch chuyển giao công nghệ trong nông nghiệp khác do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt.
- Hình thức hoạt động khuyến nông trong nông nghiệp ở địa phương
+ Chương trình khuyến nông địa phương (từ 03 đến 05 năm);
+ Kế hoạch khuyến nông địa phương (hàng năm);
+ Chương trình, kế hoạch chuyển giao công nghệ trong nông nghiệp khác do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phê duyệt.
Trong đó, các hình thức hoạt động khuyến nông trên được thực hiện theo phương thức giao nhiệm vụ hoặc đặt hàng theo quy định của pháp luật hiện hành.
(Điều 11 Nghị định 83/2018/NĐ-CP)
3. Nguyên tắc hoạt động khuyến nông
Hoạt động khuyến nông được thực hiện dựa trên các nguyên tắc theo quy định tại Điều 4 Nghị định 83/2018/NĐ-CP, cụ thể như sau:
- Xuất phát từ nhu cầu của sản xuất, thị trường và định hướng phát triển nông nghiệp của Nhà nước.
- Phát huy vai trò chủ động, tích cực, tự nguyện và trách nhiệm giải trình của các tổ chức, cá nhân trong hoạt động khuyến nông.
- Dân chủ, công khai, có sự giám sát của cộng đồng và sự quản lý của Nhà nước.
- Nội dung, hình thức, phương thức hoạt động khuyến nông phù hợp với từng địa bàn và nhóm đối tượng người sản xuất, cộng đồng dân tộc khác nhau.
- Tiến bộ kỹ thuật, công nghệ chuyển giao phải được cấp có thẩm quyền công nhận hoặc chấp thuận.
- Liên kết chặt chẽ giữa cơ quan quản lý, cơ sở nghiên cứu khoa học, các doanh nghiệp với nông dân và giữa nông dân với nông dân.
- Xã hội hóa hoạt động khuyến nông, đa dạng hóa dịch vụ khuyến nông để huy động nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài tham gia hoạt động khuyến nông.
- Ưu tiên hoạt động khuyến nông ở địa bàn khó khăn, đặc biệt khó khăn.
- Ưu tiên phụ nữ, người dân tộc thiểu số; tổ chức có tỷ lệ cao về nữ hoặc người dân tộc thiểu số tham gia hoạt động khuyến nông.
4. Mục tiêu của khuyến nông
Các mục tiêu của khuyến nông bao gồm:
- Nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp để tăng thu nhập, giảm nghèo, làm giàu, thích ứng với các điều kiện sinh thái, khí hậu và thị trường thông qua các nội dung, hình thức, phương thức hoạt động khuyến nông.
- Góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng phát triển sản xuất hàng hóa, nâng cao năng suất, chất lượng, an toàn thực phẩm đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu;
- Thúc đẩy tiến trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, gắn với xây dựng nông thôn mới; tăng cường khả năng chống chịu thiên tai;
- Bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, ổn định kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường.
- Huy động nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài tham gia chuyển giao công nghệ trong nông nghiệp.
(Điều 3 Nghị định 83/2018/NĐ-CP)
Thanh Rin
- Từ khóa:
- Khuyến nông
- hoạt động khuyến nông