Các biện pháp xử lý hành chính theo pháp luật Việt Nam

Hiện nay theo pháp luật Việt Nam, có bao nhiêu các biện pháp xử lý hành chính? Các đối tượng bị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính được quy định thế nào? - Kiến Phúc (Long An)

Các biện pháp xử lý hành chính theo pháp luật Việt Nam

Các biện pháp xử lý hành chính theo pháp luật Việt Nam (Hình từ Internet)

1. Biện pháp xử lý hành chính là gì?

Theo khoản 3 Điều 2 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 (sửa đổi 2020), biện pháp xử lý hành chính là biện pháp được áp dụng đối với cá nhân vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự, an toàn xã hội mà không phải là tội phạm, bao gồm biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn; đưa vào trường giáo dưỡng; đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc và đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

2. Các biện pháp xử lý hành chính

2.1. Biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn

Giáo dục tại xã, phường, thị trấn là biện pháp xử lý hành chính áp dụng đối với các đối tượng theo quy định để giáo dục, quản lý họ tại nơi cư trú trong trường hợp nhận thấy không cần thiết phải cách ly họ khỏi cộng đồng.

Cụ thể tại Điều 90 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 (sửa đổi 2020), đối tượng áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn bao gồm:

(i) Người từ đủ 12 tuổi đến dưới 14 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý quy định tại Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017).

(ii) Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm nghiêm trọng do cố ý quy định tại Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017).

(iii) Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi đã 02 lần bị xử phạt vi phạm hành chính và bị lập biên bản vi phạm hành chính tại lần vi phạm thứ ba trong thời hạn 06 tháng về một trong các hành vi gây rối trật tự công cộng, trộm cắp tài sản, đánh bạc, lừa đảo, đua xe trái phép.

(iv) Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi đã 02 lần bị xử phạt vi phạm hành chính và bị lập biên bản vi phạm hành chính tại lần vi phạm thứ ba trong thời hạn 06 tháng về một trong các hành vi xúc phạm nhân phẩm, danh dự của người khác,...nhưng không phải là tội phạm.

(v)Người từ đủ 14 tuổi trở lên đã 02 lần bị xử phạt vi phạm hành chính và bị lập biên bản vi phạm hành chính tại lần vi phạm thứ ba trong thời hạn 06 tháng về hành vi sử dụng trái phép chất ma túy.

(vi) Người từ đủ 18 tuổi trở lên đã 02 lần bị xử phạt vi phạm hành chính và bị lập biên bản vi phạm hành chính tại lần vi phạm thứ ba trong thời hạn 06 tháng về một trong các hành vi xúc phạm nhân phẩm, danh dự của người khác, gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác,...nhưng không phải là tội phạm.

Đối với người quy định tại (i), (ii), (iii), (iv) và người từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi mà không có nơi cư trú ổn định thì được giao cho cơ sở bảo trợ xã hội hoặc cơ sở trợ giúp trẻ em để quản lý, giáo dục trong thời gian chấp hành biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn.

Người từ đủ 18 tuổi trở lên quy định tại mục (v) mà không có nơi cư trú ổn định thì giao cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi phát hiện hành vi sử dụng trái phép chất ma túy lần thứ ba tổ chức quản lý.

Thời hạn áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn từ 03 tháng đến 06 tháng. (Khoản 2 Điều 89 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 (sửa đổi 2020))

2.2. Biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng

Cụ thể tại khoản 1 Điều 91 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 (sửa đổi 2020), đưa vào trường giáo dưỡng là biện pháp xử lý hành chính áp dụng đối với người có hành vi vi phạm pháp luật nhằm mục đích giúp họ học văn hóa, học nghề, lao động, sinh hoạt dưới sự quản lý, giáo dục của nhà trường.

Theo đó, các đối tượng bị áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng được quy định tại Điều 92 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 (sửa đổi 2020), cụ thể như sau:

- Người từ đủ 12 tuổi đến dưới 14 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017).

- Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm rất nghiêm trọng hoặc một tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017), trừ những tội phạm quy định tại khoản 2 Điều 12 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017).

- Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thực hiện một trong các hành vi quy định tại mục (ii), (iii) và trước đó đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn.

- Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi thực hiện một trong các hành vi quy định tại mục (iv) nhưng không phải là tội phạm và trước đó đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn.

Tuy nhiên, không áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng đối với các trường hợp sau đây:

- Người không có năng lực trách nhiệm hành chính;

- Người đang mang thai có chứng nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh từ tuyến huyện trở lên;

- Phụ nữ hoặc người duy nhất đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi được Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú xác nhận.

Thời hạn áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng từ 06 tháng đến 24 tháng. (Khoản 2 Điều 91 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 (sửa đổi 2020))

2.3. Biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc

Đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc là biện pháp xử lý hành chính áp dụng đối với người có hành vi vi phạm pháp luật để lao động, học văn hóa, học nghề, sinh hoạt dưới sự quản lý của cơ sở giáo dục bắt buộc. (Khoản 1 Điều 93 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 (sửa đổi 2020))

Cụ thể tại Điều 94 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 (sửa đổi 2020), đối tượng bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc bao gồm:

- Người từ đủ 18 tuổi trở lên đã 02 lần bị xử phạt vi phạm hành chính và bị lập biên bản vi phạm hành chính tại lần vi phạm thứ ba trong thời hạn 06 tháng về một trong các hành vi quy định tại mục (vi) nhưng không phải là tội phạm và không có nơi cư trú ổn định;

- Người từ đủ 18 tuổi trở lên thực hiện một trong các hành vi quy định tại mục (vi) nhưng không phải là tội phạm và trước đó đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn.

Đặc biệt biện pháp này không áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc đối với các trường hợp sau đây:

- Người không có năng lực trách nhiệm hành chính;

- Người chưa đủ 18 tuổi;

- Nữ trên 55 tuổi, nam trên 60 tuổi;

- Người đang mang thai có chứng nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh từ tuyến huyện trở lên[141];

- Phụ nữ hoặc người duy nhất đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi được Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú xác nhận.

Thời hạn áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc từ 06 tháng đến 24 tháng.

3. Nguyên tắc áp dụng các biện pháp xử lý hành chính

Theo khoản 2 Điều 3 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 (sửa đổi 2020), các nguyên tắc áp dụng các biện pháp xử lý hành chính bao gồm:

- Cá nhân chỉ bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính nếu thuộc một trong các đối tượng quy định tại các điều 90, 92, 94 và 96 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 (sửa đổi 2020);

- Việc áp dụng các biện pháp xử lý hành chính phải được tiến hành theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 3 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 (sửa đổi 2020);

- Việc quyết định thời hạn áp dụng biện pháp xử lý hành chính phải căn cứ vào tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm, nhân thân người vi phạm và tình tiết giảm nhẹ, tình tiết tăng nặng;

- Người có thẩm quyền áp dụng biện pháp xử lý hành chính có trách nhiệm chứng minh vi phạm hành chính. Cá nhân bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp chứng minh mình không vi phạm hành chính.

Thanh Rin

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@lawnet.vn
304 lượt xem
Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;