Theo quy định của pháp luật để phòng ngừa mua bán người thì cần những biện pháp nào? – Ngọc Bích (Đồng Tháp)
Các biện pháp phòng ngừa mua bán người (Hình từ internet)
1. Các biện pháp phòng ngừa mua bán người
Các biện pháp phòng ngừa mua bán người bao gồm:
(1) Thông tin, tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống mua bán người
- Thông tin, tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống mua bán người nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức và cộng đồng trong phòng, chống mua bán người; đề cao cảnh giác, tích cực tham gia phòng, chống mua bán người.
- Nội dung thông tin, tuyên truyền, giáo dục bao gồm:
+ Chính sách, pháp luật về phòng, chống mua bán người;
+ Thủ đoạn và tác hại của các hành vi quy định tại Điều 3 của Luật này;
+ Kỹ năng ứng xử trong trường hợp có nghi ngờ về việc mua bán người;
+ Biện pháp, kinh nghiệm phòng, chống mua bán người;
+ Trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức trong phòng, chống mua bán người;
+ Chống kỳ thị, phân biệt đối xử với nạn nhân;
+ Các nội dung khác có liên quan đến phòng, chống mua bán người.
- Việc thông tin, tuyên truyền, giáo dục được thực hiện bằng các hình thức sau đây:
+ Gặp gỡ, nói chuyện trực tiếp;
+ Cung cấp tài liệu;
+ Thông qua các phương tiện thông tin đại chúng;
+ Thông qua hoạt động tại các cơ sở giáo dục;
+ Thông qua hoạt động văn học, nghệ thuật, sinh hoạt cộng đồng và các loại hình văn hóa khác;
+ Các hình thức khác phù hợp với quy định của pháp luật.
- Xây dựng mạng lưới tuyên truyền viên ở cơ sở; huy động sự tham gia tích cực của các đoàn thể xã hội.
- Công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục cần được tăng cường đối với phụ nữ, thanh niên, thiến niên, nhi đồng, học sinh, sinh viên và những người cư trú tại khu vực biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và những địa bàn xảy ra nhiều vụ việc mua bán người.
(2) Tư vấn về phòng ngừa mua bán người
- Cung cấp kiến thức pháp luật về phòng, chống mua bán người.
- Cung cấp thông tin về thủ đoạn mua bán người và hướng dẫn kỹ năng ứng xử trong trường hợp có nghi ngờ về việc mua bán người.
- Cung cấp thông tin về quyền, nghĩa vụ của nạn nhân và hướng dẫn cách thức thực hiện các quyền, nghĩa vụ đó.
(3) Quản lý về an ninh, trật tự
- Theo dõi nhân khẩu, hộ khẩu thông qua công tác quản lý cư trú, tăng cường kiểm tra nhân khẩu thường trú, tạm trú, lưu trú, tạm vắng trên địa bàn.
- Giám sát các đối tượng có tiền án, tiền sự về mua bán người và các đối tượng khác có dấu hiệu thực hiện hành vi quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều 3 của Luật này.
- Quản lý và sử dụng có hiệu quả các thông tin về tàng thư, căn cước, lý lịch tư pháp phục vụ công tác phòng, chống mua bán người.
- Tăng cường tuần tra, kiểm soát tại các cửa khẩu, khu vực biên giới, hải đảo và trên biển nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn hành vi quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều 3 của Luật này.
- Trang bị các phương tiện kỹ thuật tại các cửa khẩu quốc tế phục vụ cho việc nhận dạng người và phát hiện nhanh chóng, chính xác các loại giấy tờ, tài liệu giả mạo; nâng cấp các trang thiết bị kiểm soát, kiểm tra tại các chốt kiểm soát, cửa khẩu.
- Quản lý công tác cấp giấy tờ tùy thân, giấy tờ có giá trị xuất cảnh, nhập cảnh; ứng dụng công nghệ tiên tiến trong việc làm, cấp phát, quản lý và kiểm soát các loại giấy tờ tùy thân và giấy tờ có giá trị xuất cảnh, nhập cảnh.
- Phối hợp với các cơ quan chức năng của nước có chung đường biên giới trong việc tuần tra, kiểm soát biên giới nhằm phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn hành vi quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều 3 của Luật này.
(4) Quản lý các hoạt động kinh doanh, dịch vụ
Các hoạt động hỗ trợ kết hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài, cho, nhận con nuôi, giới thiệu việc làm, đưa người Việt Nam đi lao động, học tập ở nước ngoài, tuyển dụng người nước ngoài làm việc tại Việt Nam, dịch vụ văn hóa, du lịch và các hoạt động kinh doanh, dịch vụ có điều kiện khác dễ bị lợi dụng phải được quản lý, kiểm tra thường xuyên, chặt chẽ nhằm kịp thời phát hiện và ngăn chặn việc lợi dụng các hoạt động này để thực hiện hành vi quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều 3 của Luật này.
(5) Lồng ghép nội dung phòng ngừa mua bán người vào các chương trình phát triển kinh tế - xã hội
Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cần thực hiện việc lồng ghép nội dung phòng ngừa mua bán người vào chương trình phòng, chống tội phạm, phòng, chống tệ nạn xã hội, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, giảm nghèo, bình đẳng giới, bảo vệ trẻ em, chương trình vì sự tiến bộ của phụ nữ và chương trình khác về phát triển kinh tế - xã hội.
Điều 3. Các hành vi bị nghiêm cấm_Luật Phòng, chống mua bán người 2011
1. Mua bán người theo quy định tại Điều 119 và Điều 120 của Bộ luật hình sự.
2. Chuyển giao hoặc tiếp nhận người để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy các bộ phận cơ thể hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác.
3. Tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp người để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy các bộ phận cơ thể hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác hoặc để thực hiện hành vi quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này.
4. Cưỡng bức người khác thực hiện một trong các hành vi quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này.
5. Môi giới để người khác thực hiện một trong các hành vi quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này.
2. Nguyên tắc phòng chống mua bán người
- Thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, xử lý hành vi quy định tại Điều 3 Luật Phòng, chống mua bán người 2011.
- Giải cứu, bảo vệ, tiếp nhận, xác minh, hỗ trợ nạn nhân kịp thời, chính xác. Tôn trọng quyền, lợi ích hợp pháp và không kỳ thị, phân biệt đối xử đối với nạn nhân.
- Phát huy vai trò, trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cộng đồng, cơ quan, tổ chức trong phòng, chống mua bán người.
- Ngăn chặn, phát hiện và xử lý nghiêm minh, kịp thời, chính xác hành vi quy định tại Điều 3 Luật Phòng, chống mua bán người 2011.
- Tăng cường hợp tác quốc tế trong phòng, chống mua bán người phù hợp với Hiến pháp, pháp luật của Việt Nam và pháp luật, tập quán quốc tế.
(Điều 4 Luật Phòng, chống mua bán người 2011)
Diễm My
- Từ khóa:
- phòng ngừa mua bán người