Người có trách nhiệm trong hoạt động chuyên môn về dinh dưỡng tại bệnh viện là nội dung đáng chú ý được quy định tại Thông tư 18/2020/TT-BYT , có hiệu lực từ 01/01/2021. Vậy bác sĩ y học cổ truyền có thể đảm nhận vị trí chuyên môn về dinh dưỡng được không?
- 06 điều cần biết về trang phục của bác sĩ, dược sĩ và người bệnh
- Cơ cấu khung năng lực cơ bản của bác sĩ y học cổ truyền Việt Nam
- 03 nội dung chính của hoạt động chuyên môn về dinh dưỡng trong bệnh viện
Bác sĩ y học cổ truyền làm chuyên môn về dinh dưỡng được không? (Ảnh minh họa)
Về vấn đề này, Ban biên tập THƯ KÝ LUẬT xin giải đáp như sau:
Tại Điều 7 Thông tư 18/2020/TT-BYT quy định:
Điều 7. Người làm chuyên môn về dinh dưỡng
1. Trưởng khoa Dinh dưỡng phải là người làm việc cơ hữu toàn thời gian về dinh dưỡng, bao gồm:
a) Bác sỹ y khoa hoặc bác sỹ đa khoa và có chứng chỉ đào tạo 6 tháng trở lên về dinh dưỡng lâm sàng.
b) Dinh dưỡng viên có trình độ từ đại học trở lên nếu bệnh viện chưa có bác sỹ đáp ứng yêu cầu tại điểm a Khoản này.2. Người làm chuyên môn về dinh dưỡng điều trị là bác sỹ y khoa, bác sỹ đa khoa có chứng chỉ đào tạo về dinh dưỡng lâm sàng hoặc dinh dưỡng viên.
Theo đó, người làm chuyên môn về dinh dưỡng bao gồm bác sỹ y khoa, bác sỹ đa khoa có chứng chỉ đào tạo về dinh dưỡng lâm sàng hoặc dinh dưỡng viên. Vậy bác sỹ y học cổ truyền có được coi là bác sỹ y khoa hay không?
Hiện nay, chưa có quy định nào của pháp luật nêu định nghĩa về thuật ngữ "bác sỹ y khoa". Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 5 Thông tư 42/2018/TT-BYT thì ngành Y khoa và ngành Y học cổ truyền là 02 ngành riêng biệt. Do đó, ta có thể hiểu định nghĩa "Bác sĩ y khoa" không bao gồm cả "bác sỹ y học cổ truyền" nên việc bác sỹ y học cổ truyền có chứng chỉ đào tạo về dinh dưỡng lâm sàng cũng không thuộc đối tượng được làm chuyên môn về dinh dưỡng tại bệnh viện.
Bên cạnh đó, Mục 2, Công văn 4018/BYT-YDCT có quy định:
2. Bác sỹ Y học cổ truyền đã có chứng chỉ hành nghề với phạm vi chuyên môn là khám bệnh, chữa bệnh bằng y học cổ truyền thì được thực hiện kỹ thuật khác ngoài chuyên ngành y học cổ truyền sau khi có chứng chỉ hoặc giấy chứng nhận đào tạo kỹ thuật do cơ sở đào tạo hợp pháp cấp và được người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cho phép thực hiện bằng văn bản mà không cần bổ sung phạm vi hoạt động chuyên môn ghi trên chứng chỉ hành nghề theo quy định Điều 11 Nghị định 155/2018/NĐ-CP.
Như vậy, để thực hiện các kỹ thuật chuyên môn về dinh dưỡng, bác sỹ y học cổ truyền đã có chứng chỉ đào tạo về dinh dưỡng lâm sàng vẫn cần được người có trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật về dinh dưỡng tại bệnh viện cho phép thực hiện bằng văn bản.
Lưu ý: Thông tư 18/2020/TT-BYT có hiệu lực kể từ 01/01/2021 và chưa có bất kỳ văn bản nào hướng dẫn chi tiết nên một số quy định chưa rõ ràng có thể hiểu theo nhiều cách khác nhau. Để đảm bảo thực hiện đúng quy định, các đối tượng trên có thể làm văn bản tham vấn để được Bộ Y tế hướng dẫn cụ thể.
Hoa Hồng
- Từ khóa:
- Thông tư 18/2020/TT-BYT