Xin cho tôi hỏi các trường hợp nào kiểm toán viên hành nghề không được thực hiện kiểm toán? - Công Minh (Bình Phước)
8 trường hợp kiểm toán viên hành nghề không được thực hiện kiểm toán (Hình từ Internet)
1. Kiểm toán viên hành nghề là ai?
Theo khoản 2 Điều 5 Luật Kiểm toán độc lập 2011, kiểm toán viên là người được cấp chứng chỉ kiểm toán viên theo quy định của pháp luật hoặc người có chứng chỉ của nước ngoài được Bộ Tài chính công nhận và đạt kỳ thi sát hạch về pháp luật Việt Nam.
Khi đó, kiểm toán viên hành nghề là kiểm toán viên đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kiểm toán.
(Khoản 3 Điều 5 Luật Kiểm toán độc lập 2011)
2. Các trường hợp kiểm toán viên hành nghề không được thực hiện kiểm toán
Kiểm toán viên hành nghề không được thực hiện kiểm toán trong các trường hợp được quy định tại Điều 19 Luật Kiểm toán độc lập 2011, cụ thể như sau:
(1) Là thành viên, cổ đông sáng lập hoặc mua cổ phần, góp vốn vào đơn vị được kiểm toán;
(2) Là người giữ chức vụ quản lý, điều hành, thành viên ban kiểm soát hoặc là kế toán trưởng của đơn vị được kiểm toán;
(3) Là người đã từng giữ chức vụ quản lý, điều hành, thành viên ban kiểm soát, kế toán trưởng của đơn vị được kiểm toán cho các năm tài chính được kiểm toán;
(4) Trong thời gian hai năm, kể từ thời điểm thôi giữ chức vụ quản lý, điều hành, thành viên ban kiểm soát, kế toán trưởng của đơn vị được kiểm toán;
(5) Là người đang thực hiện hoặc đã thực hiện trong năm trước liền kề công việc ghi sổ kế toán, lập báo cáo tài chính hoặc thực hiện kiểm toán nội bộ cho đơn vị được kiểm toán;
(6) Là người đang thực hiện hoặc đã thực hiện trong năm trước liền kề dịch vụ khác với các dịch vụ quy định tại (5) có ảnh hưởng đến tính độc lập của kiểm toán viên hành nghề theo quy định của chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp kế toán, kiểm toán;
(7) Có bố, mẹ, vợ, chồng, con, anh, chị, em ruột là người có lợi ích tài chính trực tiếp hoặc gián tiếp đáng kể trong đơn vị được kiểm toán theo quy định của chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp kế toán, kiểm toán hoặc là người giữ chức vụ quản lý, điều hành, thành viên ban kiểm soát, kế toán trưởng của đơn vị được kiểm toán;
(8) Trường hợp khác theo quy định của pháp luật.
3. Tiêu chuẩn kiểm toán viên
Kiểm toán viên phải có đủ các tiêu chuẩn theo quy định tại khoản 1 Điều 14 Luật Kiểm toán độc lập 2011, cụ thể như sau:
- Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;
- Có phẩm chất đạo đức tốt, có ý thức trách nhiệm, liêm khiết, trung thực, khách quan;
- Có bằng tốt nghiệp đại học trở lên thuộc chuyên ngành tài chính, ngân hàng, kế toán, kiểm toán hoặc chuyên ngành khác theo quy định của Bộ Tài chính;
- Có Chứng chỉ kiểm toán viên theo quy định của Bộ Tài chính.
4. Những người không được đăng ký hành nghề kiểm toán
Cụ thể tại Điều 16 Luật Kiểm toán độc lập 2011, những người sau đây không được đăng ký hành nghề kiểm toán:
- Cán bộ, công chức, viên chức.
- Người đang bị cấm hành nghề kiểm toán theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật; người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự; người đã bị kết án một trong các tội về kinh tế, chức vụ liên quan đến tài chính, kế toán mà chưa được xóa án; người đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn, đưa vào cơ sở chữa bệnh, đưa vào cơ sở giáo dục.
- Người có tiền án về tội kinh tế từ nghiêm trọng trở lên.
- Người có hành vi vi phạm pháp luật về tài chính, kế toán, kiểm toán và quản lý kinh tế bị xử phạt vi phạm hành chính trong thời hạn một năm, kể từ ngày có quyết định xử phạt.
- Người bị đình chỉ hành nghề kiểm toán.
Thanh Rin
- Từ khóa:
- kiểm toán viên hành nghề