Khi hoạt động hoạt báo chí, cá nhân, tổ chức không được thực hiện các hành vi nào theo Luật Báo chí? - Hoàng Dương (Vũng Tàu)
13 hành vi nghiêm cấm liên quan đến báo chí (Hình từ Internet)
1. Báo chí là gì?
Theo khoản 1 Điều 3 Luật Báo chí 2016, báo chí là sản phẩm thông tin về các sự kiện, vấn đề trong đời sống xã hội thể hiện bằng chữ viết, hình ảnh, âm thanh, được sáng tạo, xuất bản định kỳ và phát hành, truyền dẫn tới đông đảo công chúng thông qua các loại hình báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử.
Cụ thể, báo chí có các loại hình sau đây:
- Báo in là loại hình báo chí sử dụng chữ viết, tranh, ảnh, thực hiện bằng phương tiện in để phát hành đến bạn đọc, gồm báo in, tạp chí in.
- Báo nói là loại hình báo chí sử dụng tiếng nói, âm thanh, được truyền dẫn, phát sóng trên các hạ tầng kỹ thuật ứng dụng công nghệ khác nhau.
- Báo hình là loại hình báo chí sử dụng hình ảnh là chủ yếu, kết hợp tiếng nói, âm thanh, chữ viết, được truyền dẫn, phát sóng trên các hạ tầng kỹ thuật ứng dụng công nghệ khác nhau.
- Báo điện tử là loại hình báo chí sử dụng chữ viết, hình ảnh, âm thanh, được truyền dẫn trên môi trường mạng, gồm báo điện tử và tạp chí điện tử.
(Khoản 3, 4, 5, 6 Điều 3 Luật Báo chí 2016)
2. 13 hành vi bị nghiêm cấm liên quan đến báo chí
Cụ thể theo Điều 9 Luật Báo chí 2016, các hành vi bị nghiêm cấm liên quan đến báo chí được quy định như sau:
(1) Đăng, phát thông tin chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam có nội dung:
- Xuyên tạc, phỉ báng, phủ nhận chính quyền nhân dân;
- Bịa đặt, gây hoang mang trong Nhân dân;
- Gây chiến tranh tâm lý.
(2) Đăng, phát thông tin có nội dung:
- Gây chia rẽ giữa các tầng lớp nhân dân, giữa Nhân dân với chính quyền nhân dân, với lực lượng vũ trang nhân dân, với tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội;
- Gây hằn thù, kỳ thị, chia rẽ, ly khai dân tộc, xâm phạm quyền bình đẳng trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam;
- Gây chia rẽ người theo tôn giáo với người không theo tôn giáo, giữa người theo các tôn giáo khác nhau, chia rẽ các tín đồ tôn giáo với chính quyền nhân dân, với tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội; xúc phạm niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo;
- Phá hoại việc thực hiện chính sách đoàn kết quốc tế.
(3) Đăng, phát thông tin có nội dung kích động chiến tranh nhằm chống lại độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
(4) Xuyên tạc lịch sử; phủ nhận thành tựu cách mạng; xúc phạm dân tộc, anh hùng dân tộc.
(5) Tiết lộ thông tin thuộc danh Mục bí mật nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác theo quy định của pháp luật.
(6) Thông tin cổ súy các hủ tục, mê tín, dị đoan; thông tin về những chuyện thần bí gây hoang mang trong xã hội, ảnh hưởng xấu đến trật tự, an toàn xã hội và sức khỏe của cộng đồng.
(7) Kích động bạo lực; tuyên truyền lối sống đồi trụy; miêu tả tỉ mỉ những hành động dâm ô, hành vi tội ác; thông tin không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam.
(8) Thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân; quy kết tội danh khi chưa có bản án của Tòa án.
(9) Thông tin ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường về thể chất và tinh thần của trẻ em.
(10) In, phát hành, truyền dẫn, phát sóng sản phẩm báo chí, tác phẩm báo chí, nội dung thông tin trong tác phẩm báo chí đã bị đình chỉ phát hành, thu hồi, tịch thu, cấm lưu hành, gỡ bỏ, tiêu hủy hoặc nội dung thông tin mà cơ quan báo chí đã có cải chính.
(11) Cản trở việc in, phát hành, truyền dẫn, phát sóng sản phẩm báo chí, sản phẩm thông tin có tính chất báo chí hợp pháp tới công chúng.
(12) Đe dọa, uy hiếp tính mạng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo, phóng viên; phá hủy, thu giữ phương tiện, tài liệu, cản trở nhà báo, phóng viên hoạt động nghề nghiệp đúng pháp luật.
(13) Đăng, phát trên sản phẩm thông tin có tính chất báo chí thông tin quy định tại (1), (2), (3), (4), (5), (6), (7), (8), (9), (10).
3. Cơ quan quản lý nhà nước về báo chí
Các cơ quan quản lý nhà nước về báo chí bao gồm:
- Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về báo chí.
- Bộ Thông tin và Truyền thông chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về báo chí.
- Các bộ, cơ quan ngang bộ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện quản lý nhà nước về báo chí.
- Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm quản lý nhà nước về báo chí tại địa phương.
(Điều 7 Luật Báo chí 2016)
4. Nội dung quản lý nhà nước về báo chí
Nội dung quản lý nhà nước về báo chí được quy định tại Điều 6 Luật Báo chí 2016, bao gồm:
- Xây dựng, chỉ đạo và tổ chức thực hiện chiến lược, kế hoạch phát triển báo chí; tổ chức lập phương án phát triển cơ sở báo chí trong quy hoạch phát triển mạng lưới cơ sở báo chí, phát thanh, truyền hình, thông tin điện tử, cơ sở xuất bản, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh.
- Ban hành và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về báo chí; xây dựng chế độ, chính sách về báo chí.
- Tổ chức thông tin cho báo chí; quản lý thông tin của báo chí.
- Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chính trị, nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ người làm báo của các cơ quan báo chí và cán bộ quản lý báo chí.
- Tổ chức quản lý hoạt động khoa học, công nghệ trong lĩnh vực báo chí.
- Cấp, thu hồi các loại giấy phép trong hoạt động báo chí và thẻ nhà báo.
- Quản lý hợp tác quốc tế về báo chí, quản lý hoạt động của cơ quan báo chí Việt Nam liên quan đến nước ngoài và hoạt động của báo chí nước ngoài tại Việt Nam.
- Kiểm tra báo chí lưu chiểu; quản lý hệ thống lưu chiểu báo chí quốc gia.
- Chỉ đạo, thực hiện chế độ thông tin, báo cáo, thống kê và công tác khen thưởng, kỷ luật trong hoạt động báo chí.
- Thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm pháp luật về báo chí.
Thanh Rin
- Từ khóa:
- Luật Báo chí 2016
- hoạt động báo chí