Thư Ký Luật trân trọng giới thiệu đến Quý khách hàng, Thành viên một số nội dung nổi bật, quan trọng của 12 Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2020 như sau:
- 57 Luật, Nghị định, Thông tư, Nghị quyết có hiệu lực từ 01/7/2020
- 12 Luật chính thức có hiệu lực thi hành từ 01/7/2020 (Phần 2)
12 Luật chính thức có hiệu lực thi hành từ 01/7/2020 (Phần 1)
1. Chủ công trình kiến trúc có giá trị được hỗ trợ kinh phí bảo vệ công trình
Đây là nội dung đáng chú ý quy định tại Luật Kiến trúc 2019 được Quốc hội thông qua ngày 13/6/2019.
Cụ thể, theo Khoản 4 Điều 13 Luật Kiến trúc 2019, chủ sở hữu, người sử dụng công trình kiến trúc thuộc danh mục công trình kiến trúc có giá trị có quyền và nghĩa vụ sau đây:
-
Được thụ hưởng lợi ích từ việc bảo vệ, giữ gìn, tu bổ và khai thác công trình;
-
Được Nhà nước xem xét hỗ trợ kinh phí bảo vệ, giữ gìn, tu bổ công trình;
-
Bảo vệ, giữ gìn, tu bổ các giá trị kiến trúc của công trình; bảo đảm an toàn của công trình trong quá trình khai thác, sử dụng;
-
Không tự ý thay đổi hình thức kiến trúc bên ngoài, kết cấu và khuôn viên của công trình;
-
Khi phát hiện công trình có biểu hiện xuống cấp về chất lượng, có kết cấu kém an toàn cần thông báo kịp thời cho chính quyền địa phương.
2. 08 khoản thu khác thuộc NSNN do cơ quan quản lý thuế quản lý thu
Luật Quản lý thuế 2019 được Quốc hội thông qua ngày 13/6/2019 và chính thức có hiệu lực từ ngày 01/7/2020.
Theo đó, các khoản thu khác thuộc ngân sách nhà nước do cơ quan quản lý thuế quản lý thu bao gồm:
-
Phí và lệ phí theo quy định của Luật Phí và lệ phí;
-
Tiền sử dụng đất nộp ngân sách nhà nước;
-
Tiền thuê đất, thuê mặt nước;
-
Tiền cấp quyền khai thác khoáng sản;
-
Tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước;
-
Tiền nộp ngân sách nhà nước từ bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công;
-
Tiền thu từ xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế và hải quan;
-
Tiền chậm nộp và các khoản thu khác theo quy định của pháp luật.
3. Chế độ tiền lương, phụ cấp đối với quân nhân dự bị áp dụng từ 01/7/2020
Đây là một trong những nội dung đáng chú ý được quy định tại Luật Lực lượng dự bị động viên 2019 được Quốc hội thông qua ngày 26/11/2019.
Cụ thể, tại Khoản 1 Điều 30 Luật Lực lượng dự bị động viên 2019 quy định về chế độ tiền lương và phụ cấp đối với quân nhân dự bị được quy định như sau:
- Quân nhân dự bị đang lao động, học tập, làm việc trong cơ quan, tổ chức và hưởng lương từ ngân sách nhà nước được cơ quan, tổ chức nơi đang lao động, học tập, làm việc trả nguyên lương và các khoản phụ cấp, trợ cấp, phúc lợi, phụ cấp đi đường và tiền tàu xe. Trường hợp mức lương, phụ cấp thấp hơn mức lương, phụ cấp áp dụng trong Quân đội nhân dân thì đơn vị Quân đội nhân dân trả phần chênh lệch.
- Quân nhân dự bị không thuộc các đối tượng nêu trên được đơn vị Quân đội nhân dân cấp một khoản phụ cấp theo ngày làm việc trên cơ sở mức tiền lương cơ bản của sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, tại ngũ hoặc bằng mức phụ cấp theo cấp bậc quân hàm của hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ; tiền tàu xe và phụ cấp đi đường như đối với quân nhân tại ngũ.
4. Nâng trình độ chuẩn của nhà giáo kể từ ngày 01/7/2020
Đây là nội dung nổi bật được quy định tại Luật Giáo dục 2019 chính thức có hiệu lực từ 01/7/2020.
Theo đó, trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo kể từ ngày 01/7/2020 được quy định như sau:
-
Có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm trở lên đối với giáo viên mầm non;
-
Có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên trở lên đối với giáo viên tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông. Trường hợp môn học chưa đủ giáo viên có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên thì phải có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm;
-
Có bằng thạc sĩ đối với nhà giáo giảng dạy trình độ đại học; có bằng tiến sĩ đối với nhà giáo giảng dạy, hướng dẫn luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ;
-
Trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo giảng dạy trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp thực hiện theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp.
Lê Hải