Thư Ký Luật xin gửi tới Quý Thành viên và Bạn đọc 11 Bộ luật, Luật chính thức có hiệu lực từ ngày 01/01/2021 tại bài viết dưới đây.
- 11 Bộ luật, Luật chính thức có hiệu lực từ ngày 01/01/2021 (Phần 3)
- 11 Bộ luật, Luật chính thức có hiệu lực từ ngày 01/01/2021 (Phần 2)
11 Bộ luật, Luật chính thức có hiệu lực từ ngày 01/01/2021 (Hình minh họa)
1. Bộ luật Lao động 2019
Ngày 20/11/2019, Quốc hội đã ban hành Bộ luật Lao động 2019 thay thế Bộ luật Lao động 2012, Bộ luật này có 220 Điều và 17 Chương với nhiều quy định mới ảnh hưởng trực tiếp đến người lao động, đơn cử như:
- Chỉ còn 02 loại hợp đồng lao động gồm: Hợp đồng lao động không xác định thời hạn và hợp đồng lao động xác định thời hạn, bãi bỏ loại hợp đồng lao động thời vụ/mùa vụ.
- Phụ lục hợp đồng lao động không được sửa đổi thời hạn của hợp đồng lao động.
- Bổ sung thêm thời gian thử việc đối với công việc của người quản lý doanh nghiệp theo là 180 ngày, đối với các chức danh khác vẫn giữ nguyên như theo quy định trước đây.
- Bổ sung thêm 04 trường hợp được tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động.
- Người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động mà không cần lý do và người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với một số trường hợp mà không cần báo trước.
- Tăng tuổi nghỉ hưu lên 60 đối với nữ, 62 đối với nam: Kể từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 03 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 04 tháng đối với lao động nữ, sau đó cứ mỗi năm tăng thêm 03 tháng đối với lao động nam và 04 tháng đối với lao động nữ cho đến khi đủ 62 tuổi đối với nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với nữ vào năm 2035.
- Ngày Quốc khánh người lao động được nghỉ 02 ngày (ngày 02 tháng 9 dương lịch và 01 ngày liền kề trước hoặc sau).
- Thêm 02 trường hợp người lao động được nghỉ việc riêng và hưởng nguyên lương đó là cha nuôi và mẹ nuôi chết sẽ được nghỉ 03 ngày và hưởng nguyên lương.
- …
2. Luật Chứng khoán 2019
Luật Chứng khoán 2019 được Quốc hội thông qua và ký ban hành ngày 26/11/2019, thay thế Luật Chứng khoán 2006 và Luật chứng khoán sửa đổi 2010. Tại Luật này có một số điểm mới đáng chú ý, đơn cử như:
- Bổ sung thêm biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn thị trường chứng khoán.
- Bổ sung thêm 04 hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động về chứng khoán và thị trường chứng khoán.
- Để được chào bán chứng khoán ra công chúng phải tuân thủ 09 điều kiện, theo quy định cũ chỉ cần đáp ứng đủ 03 điều kiện là được chào bán chứng khoán ra công chúng.
- Tương tự với chào bán trái phiếu ra công chúng phải đáp ứng được 09 điều kiện, theo quy định cũ chỉ cần đáp ứng đủ 04 điều kiện là được chào bán trái phiếu ra công chúng.
- Người nội bộ của công ty đại chúng, công ty đầu tư chứng khoán đại chúng, quỹ đại chúng và người có liên quan của người nội bộ phải có nghĩa vụ công bố thông tin kể từ 01/01/2021.
- …
3. Luật Giám định tư pháp sửa đổi 2020
Ngày 10/6/2020, Quốc hội đã ban hành Luật Giám định tư pháp sửa đổi 2020, tại đây, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp 2012, với một số điểm mới sau:
- Phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao được tổ chức giám định tư pháp công lập về kỹ thuật hình sự 01/01/2021.
- Sửa đổi, bổ sung hồ sơ đề nghị bổ nhiệm giám định viên tư pháp.
- Người được bổ nhiệm giám định viên tư pháp được cấp thẻ giám định viên tư pháp.
- Thời hạn giám định tư pháp đối với các trường hợp tối đa là 03 tháng. Trường hợp vụ việc giám định có tính chất phức tạp hoặc khối lượng công việc lớn thì thời hạn giám định tối đa là 04 tháng.
- Chỉ cần có từ đủ 03 năm trở lên là giám định viên tư pháp trong lĩnh vực đề nghị thành lập Văn phòng sẽ được thành lập Văn phòng giám định tư pháp, theo quy định cũ thì cần phải có từ đủ 05 năm trở lên.
- Bổ sung thêm 03 trường hợp miễn nhiệm giám định viên tư pháp.
- Ngân sách nhà nước sẽ chi trả một phần kinh phí giám định tư pháp.
- Bổ sung chế độ đối với người giám định tư pháp và người tham gia giám định tư pháp.
- …
4. Luật Hòa giải đối thoại tại Tòa án 2020
Đây là Luật mới được Quốc hội ban hành vào giữa năm 2020, gồm 4 Chương và 42 Điều, một số điểm đáng chú ý được quy định tại Luật Hòa giải đối thoại tại Tòa án 2020, gồm:
- Trong hòa giải, đối thoại tại Tòa án bắt buộc phải tuân thủ 09 nguyên tắc.
- Để được bổ nhiêm làm Hòa giải viên phải đáp ứng được 04 điều kiện, đơn cử như: Đã là Thẩm phán, Thẩm tra viên Tòa án, Thư ký Tòa án, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên Viện kiểm sát, Chấp hành viên thi hành án dân sự, Thanh tra viên; có kinh nghiệm, kỹ năng hòa giải, đối thoại; có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ hòa giải, đối thoại do cơ sở đào tạo của Tòa án nhân dân tối cao cấp,…
- Các trường hợp sau không được bổ nhiệm làm Hòa giải viên, gồm: Đang là cán bộ, công chức, viên chức; sĩ quan, hạ sĩ quan Quân đội nhân dân, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng; sĩ quan, hạ sĩ quan Công an nhân dân, công nhân công an.
- Từ 2021, không được ghi âm, ghi hình trong quá trình hòa giải, đối thoại
- Các bên tham gia hòa giải, đối thoại tại Tòa án có quyền đồng ý hoặc từ chối tham gia hòa giải, đối thoại hoặc chấm dứt hòa giải, đối thoại và có quyền đề nghị thay đổi Hòa giải viên theo quy định của Luật này.
- Những trường hợp sau không tiến hành hòa giải, đối thoại tại Tòa án, đơn cử như: Yêu cầu đòi bồi thường do gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước; vụ việc phát sinh từ giao dịch dân sự vi phạm điều cấm của luật hoặc trái đạo đức xã hội; một bên vợ hoặc chồng trong tranh chấp ly hôn là người mất năng lực hành vi dân sự.
- …
(Còn tiếp)
Lê Hải