Tôi muốn biết việc lập cán cân thanh toán của Việt Nam được dựa trên các nguyên tắc nào? - Huỳnh Nam (Quảng Ngãi)
06 nguyên tắc lập cán cân thanh toán của Việt Nam (Hình từ Internet)
1. Cán cân thanh toán quốc tế của Việt Nam là gì?
Theo khoản 2 Điều 3 Nghị định 16/2014/NĐ-CP, cán cân thanh toán quốc tế của Việt Nam (sau đây gọi tắt là cán cân thanh toán) là báo cáo thống kê tổng hợp các giao dịch giữa người cư trú và người không cư trú trong một thời kỳ nhất định.
2. 06 nguyên tắc lập cán cân thanh toán của Việt Nam
Cụ thể tại Điều 8 Nghị định 16/2014/NĐ-CP, việc lập cán cân thanh toán của Việt Nam được dựa trên các nguyên tắc sau đây:
(1) Phù hợp với thông lệ quốc tế về thống kê cán cân thanh toán và điều kiện thực tiễn của Việt Nam.
(2) Đơn vị tiền tệ lập cán cân thanh toán là đồng đôla Mỹ (USD).
(3) Tỷ giá quy đổi đồng Việt Nam (VND) sang USD là tỷ giá bình quân liên ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước công bố tại thời điểm cuối kỳ báo cáo.
(4) Quy đổi các ngoại tệ không phải USD sang USD được thực hiện như sau:
- Quy đổi ngoại tệ sang VND theo tỷ giá tính chéo của VND so với loại ngoại tệ đó do Ngân hàng Nhà nước công bố để tính thuế xuất khẩu và thuế nhập khẩu áp dụng trong kỳ báo cáo;
- Sau khi quy đổi sang VND, việc quy đổi sang USD được thực hiện theo tỷ giá quy định tại (3).
(5) Thời điểm thống kê các giao dịch là thời điểm thay đổi quyền sở hữu giữa người cư trú và người không cư trú.
(6) Giá trị của giao dịch được xác định theo nguyên tắc thị trường tại thời điểm giao dịch.
3. Các hạng mục trong cán cân thanh toán toán tế của Việt Nam
Cán cân thanh toán bao gồm các hạng mục chính được quy định tại khoản 1 Điều 13 Nghị định 16/2014/NĐ-CP, cụ thể như sau:
- Cán cân vãng lai bao gồm toàn bộ các giao dịch giữa người cư trú và người không cư trú về hàng hóa, dịch vụ, thu nhập của người lao động, thu nhập từ đầu tư, chuyển giao vãng lai được quy định tại Điều 14, Điều 15, Điều 16 và Điều 17 Nghị định 16/2014/NĐ-CP;
- Cán cân vốn bao gồm toàn bộ các giao dịch giữa người cư trú và người không cư trú về chuyển giao vốn được quy định tại Điều 18 Nghị định 16/2014/NĐ-CP và mua, bán các tài sản phi tài chính, phi sản xuất của khu vực Chính phủ và khu vực tư nhân;
- Cán cân tài chính bao gồm toàn bộ các giao dịch giữa người cư trú và người không cư trú về đầu tư trực tiếp, đầu tư gián tiếp, giao dịch phái sinh tài chính, vay, trả nợ nước ngoài, tín dụng thương mại, tiền và tiền gửi được quy định tại Điều 19, Điều 20, Điều 21, Điều 22, Điều 23, Điều 24 Nghị định 16/2014/NĐ-CP;
- Lỗi và sai sót là phần chênh lệch giữa tổng của cán cân vãng lai, cán cân vốn, cán cân tài chính với cán cân thanh toán tổng thể;
- Cán cân thanh toán tổng thể được xác định bằng thay đổi dự trữ ngoại hối Nhà nước chính thức do giao dịch tạo ra trong kỳ báo cáo.
4. Thời hạn cung cấp thông tin, số liệu của cán cân thanh toán quốc tế cho Ngân hàng Nhà nước
- Thời hạn cung cấp thông tin, số liệu lập, phân tích cán cân thanh toán:
+ Thông tin, số liệu lập, phân tích cán cân thanh toán quý và số liệu điều chỉnh của các kỳ báo cáo trước (nếu có) được cung cấp cho Ngân hàng Nhà nước chậm nhất vào ngày 30 tháng đầu quý tiếp theo ngay sau quý báo cáo;
+ Thông tin, số liệu lập, phân tích cán cân thanh toán năm và số liệu điều chỉnh của các kỳ báo cáo trước (nếu có) được cung cấp cho Ngân hàng Nhà nước chậm nhất vào ngày 31 tháng 01 năm tiếp theo ngay sau năm báo cáo.
- Thời hạn cung cấp thông tin, số liệu dự báo cán cân thanh toán:
Thông tin, số liệu phục vụ việc dự báo cán cân thanh toán năm được cung cấp cho Ngân hàng Nhà nước chậm nhất vào ngày 10 tháng 9 của năm trước liền kề
(Điều 12 Nghị định 16/2014/NĐ-CP)
Thanh Rin
- Từ khóa:
- cán cân thanh toán